Ấy thế mà bây giờ chuyện đã khác hoàn toàn. Theo quốc lộ 1A, đi từ xã này sang xã kia đầy một màu xanh ngát với cảnh ấm no thanh bình. Người dân cải tạo đất, sử dụng phân bón và công sức chăm sóc để biến từ không thành có, từ những thửa đất hoang hóa thành nguồn thu nhập đáng kể. Người dân trồng rau màu quanh năm với những loại chủ yếu như hành, ngò, xà lách, su hào, ớt, cải bắp, mướp đắng... Đến vụ thì trồng hoa cúc. Số liệu của UBND xã Hồng Thủy cho biết, toàn xã có 130 ha trồng rau màu với các mô hình luân canh như: hành-ớt-đỗ, su hào-ớt-đỗ, hành-ớt-dưa hấu, hành-ớt-bí đao, khoai lang-dưa hấu. Tổng giá trị thu hoạch năm 2012 là 11 tỉ đồng, bình quân 85 triệu đồng/ha/năm; riêng mô hình khoai lang-dưa hấu đạt giá trị thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
|
Chúng tôi ghé vào gia đình vợ chồng anh chị Nguyễn Văn Dương và Nguyễn Thị Tiến; đây là vợ chồng có tiếng trong làng vì trồng đến hơn 2.000 m2 hoa. Ngoài diện tích vườn nhà, vợ chồng anh chị còn thuê thêm đất của những gia đình xung quanh để trồng. Anh Dương cho biết bắt đầu nhen nhúm trồng từ gần 10 năm trước, khi đó cả làng chưa mấy ai trồng như bây giờ. Duyên nghề hoa đến khi anh vào Đà Lạt chơi, thấy người ta trồng hoa nhiều nên mới lóe ra ý định trồng hoa và được người quen ở trong đó giúp đỡ, anh về nhà bắt tay vào trồng. Nhà có 4 người con, từ chỗ phải lo cái ăn cái mặc hằng ngày thì vợ chồng anh chị đã tích cóp được mấy trăm triệu đồng cất được ngôi nhà kiên cố khang trang.
Qua câu chuyện của anh chị mới thấy suy nghĩ, cách làm ăn của người dân vùng cát bây giờ đã khác nhiều. Chị Phan Thị Minh không giấu sự tự trào khi nói: “Ngày xưa không biết làm gì để kiếm nổi đồng bạc chứ bây giờ, nhoáng cái là có vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Đơn cử một gói hạt giống ngò, cải chỉ vài ngàn đồng, ươm xuống khoảng tháng sau cho thu hoạch, lãi vài trăm ngàn là chuyện bình thường".
TRƯƠNG QUANG NAM
Bình luận (0)