>> TRANG THY

Gần cả trăm người nam lẫn nữ dầm mình trong làn nước lạnh buốt, nắm dây thừng kéo tàu cá mắc nạn ra khỏi tảng đá…

Gần 5 giờ sáng, điện thoại di động của tôi đổ chuông liên hồi. Giọng ông Võ Văn Xinh, Chủ tịch UBND xã Phổ Quang (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi), gấp gáp: “Chú tranh thủ ra hiện trường. Tàu cá của anh Nguyễn Văn Tư bị mắc cạn, va vào đá ngầm tại cửa biển Mỹ Á”.

Tôi vội trùm áo mưa rồi phóng xe máy trong cơn mưa như trút nước. Sóng dữ vỗ ầm ầm xô chiếc tàu cá vỏ gỗ QNg 98783 TS, công suất 165 CV, trị giá hơn 1 tỉ đồng, va đập vào tảng đá lớn nơi cửa biển. Hàng trăm người với gương mặt đầy âu lo nhìn chiếc tàu ngả nghiêng đứng trước nguy cơ vỡ tan tành.

Tàu cá của ngư dân Hải Tân đang cứu hộ tàu bị nạn tại cửa biển Mỹ Á

Tiếng người í ới gọi nhau và tiếng máy tàu lẫn trong tiếng gió thét gào. 3 chiếc tàu cá lách qua những tảng đá tiến đến phía tàu cá bị nạn tựa những chiến binh dũng cảm xông vào thạch trận. Những chiếc thúng của ngư dân bập bềnh trên sóng nước tìm cách tiếp cận con tàu bị nạn. Gần cả trăm người nam lẫn nữ dầm mình trong làn nước lạnh buốt, nắm những sợi dây thừng kéo tàu cá mắc nạn ra xa tảng đá…

Hơn một ngày vật lộn với mưa gió, chiếc tàu tả tơi đã được đưa về bến cá Mỹ Á với sự chung sức của cư dân làng chài Hải Tân.

Nhiều người gọi cửa biển Mỹ Á (xã Phổ Quang) là “cửa biển tử thần” vì có rất nhiều tàu cá bị nạn khi ra vào bến. Mỗi lần như thế, người dân Hải Tân lại tham gia cứu hộ, bất kể tàu cá của ngư dân trong làng hay ở nơi khác đến neo trú và bán hải sản. Và cả khi nghe thông tin có tàu cá bị nạn trên biển, nhiều ngư dân trong làng đưa tàu đến giúp người gặp nguy nan.

Một tàu cá bị nạn tại cửa biển Mỹ Á

Một trong những “hiệp sĩ” cứu nạn là ngư dân Nguyễn Dương với gần 40 năm lướt sóng vươn khơi. Đang chong đèn dụ cá trên biển đêm, nhận tin tàu cá của ngư dân Nguyễn Ngàn bị mắc cạn và sóng lớn sắp nhấn chìm khi vào cửa biển Mỹ Á, anh Dương liền đánh thức các thuyền viên rồi mở ga hết tốc lực lao đến chiếc tàu bị nạn. “Sóng bổ mạnh như muốn nuốt chửng hai con tàu và gần 20 ngư dân giữa đêm đen. Tôi phải vật lộn với sóng dữ để điều khiển tàu cá tiến đến gần rồi ra hiệu cho bạn chài ném dây thừng sang lôi tàu anh Ngàn ra khỏi nơi nguy hiểm”, anh Dương nhớ lại.

Cửa biển Mỹ Á này cũng nhấn chìm chiếc tàu cá QNg 48641 TS của anh Dương vào năm 2009 khi đang cứu nạn. Bữa ấy, khi đang lai dắt tàu cá của ngư dân bị mắc cạn thì sóng lớn đẩy tàu của anh Dương va vào đá ngầm và nhấn chìm. Nhiều giờ liền, anh lặn ngụp dưới làn nước lạnh buốt để nối dây cáp giữa tàu chìm và những tàu cứu hộ. Rồi hai tàu cá tả tơi cũng được kéo về bến. Tàu của anh Dương bị thiệt hại gần 50 triệu đồng, nhưng anh vẫn nhất quyết “tàu ai người nấy sửa”, không để cho chủ tàu cá bị nạn kia phải tốn thêm chi phí.

Thu mua hải sản tại bến cá Mỹ Á

Ngư dân Nguyễn Văn Kiểu, chủ tàu cá QNg 4459 TS, cho biết: “Tàu của tôi sửa chữa xong, chạy từ Tam Quan (H.Hoài Nhơn, Bình Định) về Mỹ Á thì bị mắc cạn khi vào bến. Trên tàu có mẹ tôi không biết bơi. May có anh Dương lai dắt kịp thời nên tàu chỉ bị hư hại nhẹ. Ảnh không chỉ cứu giúp ngư dân Phổ Quang, nhiều tàu cá ở nơi khác bị nạn trên vùng biển Mỹ Á đều tìm đến nhờ ảnh giúp đỡ. Ảnh đều vui vẻ nhận lời và không lấy công gì cả”.

Lão ngư Nguyễn Xết, Trưởng vạn chài Hải Tân, là người cũng nhiều lần tham gia cứu hộ. Một lần, nghe tin tàu cá của ngư dân cùng làng bị nạn khi đánh bắt trên vùng biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), ông liền nhấn ga, chiếc tàu trườn qua những cơn sóng dữ. Chiếc tàu bị nạn đang bị sóng lớn xô vào đá, nguy cơ vỡ tan tành. Bạn chài nhìn ông ngần ngại, tiếng thở dài lẫn trong tiếng ầm ào của sóng vỗ vào bờ đá tung bọt nước trắng xóa. Ông trao vô lăng cho bạn chài rồi nắm sợi dây thừng nhảy xuống làn nước lạnh buốt bơi đến tàu cá bị nạn. Lát sau, ông bơi trở về điều khiển tàu của mình lai dắt tàu bị nạn vào bờ an toàn.

Ngư dân trong làng tự nguyện đóng góp kinh phí vào quỹ “hỗ trợ ngư dân” giúp đỡ cho những chủ tàu bị hư hại và gia đình bạn chài tử vong trên biển. Với chủ tàu khó khăn, không thể sửa chữa, họ chung tay giúp đỡ hàng chục triệu đồng để tàu tiếp tục ra khơi. Anh Nguyễn Vũ xúc động khi nhận 35 triệu đồng từ sự giúp đỡ của ngư dân vạn chài: “Bà con làm ra đồng tiền cực khổ và nguy hiểm nhưng họ sẵn lòng giúp đỡ như thế khiến tôi cảm động lắm. Nhờ có khoản tiền ấy cùng những lời động viên nên tôi vội sửa chữa tàu để tiếp tục bám biển”.


Tàu cá của ngư dân cùng đánh bắt trên biển

Trời yên biển lặng, hầu hết trai tráng làng chài Hải Tân vươn khơi buông lưới. Mỗi ngư dân nơi đây đều là “cổ đông” trên con tàu cùng họ lênh đênh trên sóng nước. Những ngư dân khá giả đầu tư đóng mới tàu rồi vận động bạn chài góp vốn mua lưới cùng nhau mưu sinh. Nhiều chủ tàu cho bạn chài mượn vốn để hùn mua lưới lên đến hàng chục triệu đồng. Mỗi chuyến về bờ, sau khi trừ chi phí, họ dành 30% tiền lãi khấu hao và sửa chữa tàu, phần còn lại chia đều cho chủ tàu và thuyền viên.

Do “lời cùng ăn, lỗ cùng chịu” nên chủ tàu và bạn chài luôn gắng sức đánh bắt những chuyến biển tôm, cá đầy khoang. “Vì góp chung vốn nên những bạn chài gắn bó với tôi chứ không bỏ qua đi bạn cho tàu khác. Cứ đến khi xuất bến thì mọi người tụ tập đông đủ để vươn khơi. Anh em luôn sẻ chia mọi công việc nặng nhọc, nương tựa lẫn nhau trong những lúc đau ốm trên biển”, ngư dân Nguyễn Mai tâm sự.

Người dân trong làng tham gia cứu nạn tàu cá tại bến cá Mỹ Á

Những con tàu lướt trên sóng như chiến mã tung vó trên thảo nguyên bao la. Khi máy tầm ngư phát hiện đàn cá tung tăng bơi lội, con tàu dừng lại, ngư dân nhanh tay buông lưới và rồi cá, mực tươi rói được kéo lên sàn tàu trước những gương mặt rạng ngời niềm vui. Gặp những đàn cá lớn, họ liền thông báo cho ngư dân cùng làng qua máy thông tin liên lạc. Những chiếc tàu cùng buông lưới quây tròn đàn cá rồi vội quay vào bờ sau khi thu mẻ lưới với tôm, cá nặng đầy khoang. Trên bến dưới thuyền rộn ràng tiếng cười vui.

“Chúng tôi đánh bắt theo tổ, đội trên biển và thường liên lạc với nhau để sẵn sàng ứng cứu khi gặp nạn. Gặp đàn cá lớn liền thông báo cho nhau đến đánh bắt chung chứ không giấu giếm gì cả. Bao đời giờ vẫn vậy. Nếu gặp đàn cá lớn mà im lặng để bắt một mình thì bị mọi người trong làng coi thường nên không ai dám cả. Tấm lòng chân thật thì mới sống được trong làng chú à!”, anh Nguyễn Dương cho biết.

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Trang Thy

Báo Thanh Niên
15.11.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.