Làng chài sau Tết: Chờ tin từ những chuyến xuyên đêm săn ‘lộc’ biển

14/02/2022 13:49 GMT+7

Sau Tết, lúc biển cả đãi “lộc”, đàn ông sau bữa cơm chiều thì dong thuyền xuyên đêm đánh bắt ruốc biển. Lúc mờ sáng, phụ nữ làng chài ngồi thấp thỏm chờ tin tàu cập bờ, cầu mong cả nhà được an toàn…

Cầu nguyện sóng yên, biển lặng

Những ngày sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần là thời điểm vào mùa ruốc (tép biển). Đối với ngư dân, đây là "lộc" từ biển cả ngày đầu năm mới. Trời vừa hừng sáng cũng là lúc những người phụ nữ làng chài ở TP.Đà Nẵng vội vã xách dụng cụ thu mua ruốc, ra bờ biển chờ đợi tin tàu cập bờ.

Thăm khu chợ mua bán “lộc từ biển cả” chỉ rộn ràng lúc mờ sáng

Giữa những cơn gió se lạnh đầu xuân, những người phụ nữ chong đèn trên bãi biển Thọ Quang (Q.Sơn Trà) ngồi hướng mặt ra biển mà lòng mong cầu chồng con an toàn trở về sau chuyến đánh bắt ruốc biển xuyên đêm.

Ngư dân Đà Nẵng kéo thúng trở về bờ sau chuyến đánh bắt ruốc xuyên đêm

huy ĐẠT

Sinh ra ở làng chài Mân Thái (Q.Sơn Trà) sau đó lấy chồng nghề biển, cuộc đời của bà Nguyễn Thị Bốn (trú P.Thọ Quang) là chuỗi ngày ngóng chờ tin từ phía biển khơi. Chỉ khi chồng con cập bờ thì nỗi âu lo mới được xua tan, thay vào đó là niềm háo hức với tôm cá đầy khoang.

Hướng mắt theo chiếc thúng di chuyển chầm chậm vào bờ, bà Bốn cho biết nghề xúc ruốc tuy chỉ đánh bắt gần bờ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Bà Bốn nhớ lại những ngày biển cả nổi sóng dữ, suýt nữa đã cướp đi 4 người thân trong gia đình bà.

Ngày nhận được hung tin, bà Bốn không dám tin chiếc ghe máy mà chồng con bà vừa ra khơi chiều qua đã bị sóng biển đánh chìm. Như ngồi trên lửa, bà Bốn chết lặng... Chuyện xảy ra hồi cuối năm 2019.

Ngư dân tất bật chuyển ruốc từ thúng rái lên bờ

huy ĐẠT

“Vào cuối năm đó, mùa ruốc đến sớm hơn, cứ dong thuyền ra biển là bội thu trở về. Thế nhưng cũng năm đó gia đình tôi mất trắng con tàu nhỏ vì sóng biển đánh chìm”, bà Bốn nhớ lại.

Kể thêm về sự nguy hiểm của việc đánh bắt ruốc xuyên đêm, bà Bốn cho biết ngày chiếc thuyền nhà bà gặp nạn, cũng như mọi hôm chồng con bà xuất phát lúc 16 giờ chiều hôm trước. Khi đang đánh bắt ở khu vực biển Hội An (tỉnh Quảng Nam) lúc nửa đêm, bất ngờ trời nổi gió, sóng lớn đánh vào mạn thuyền dữ dội khiến chiếc thuyền lật úp, chìm sâu.

Trong đêm tối, giữa biển khơi mênh mông, 4 người thân của bà Bốn đã bơi nhiều giờ và sau đó may mắn được cứu sống một cách kỳ diệu.

Bà Nguyễn Thị Bốn vui mừng vì những ngày sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần các thành viên trong gia đình bà bội thu ruốc biển

HUY ĐẠT

“Sau sự cố trên biển năm đó, mất chiếc ghe, gia đình tôi rơi vào khó khăn triền miên. Sau này mới vay mượn mua lại chiếc ghe máy để tiếp tục đi biển. Hiểm nguy rình rập, có thể mất mạng nhưng dường như biển đã ngấm sâu trong máu thịt rồi. Chỉ biết cầu nguyện sóng yên, biển lặng để chồng con trở về an toàn”, bà Bốn tâm sự.

Kết thúc chuyến đánh bắt ruốc xuyên đêm, ngư dân neo thuyền từ xa và sử dụng thúng rái chèo đưa ruốc vào bãi biển Thọ Quang

HUY ĐẠT

Khó khăn do dịch bệnh Covid-19 kéo dài

Với gia đình bà Nguyễn Thị Bốn, chiếc thuyền công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ là phương tiện nuôi sống gia đình gần 20 năm nay. Cứ sau Tết Nguyên đán, cả gia đình đều ra biển săn “lộc” đầu năm.

Đến hẹn lại lên, người đàn ông miền biển sau những ngày đón tết cùng gia đình thì đến mùng 3 tết lại bắt đầu dong thuyền ra khơi đánh bắt ruốc.

Thương lái có mặt từ tờ mờ sáng để thu mua ruốc tại bãi biển Thọ Quang

HUY ĐẠT

Ruốc tươi vừa được đánh bắt sẽ được tiểu thương chọn mua và mang bán ở chợ, ruốc làm mắm sẽ được cân vận chuyển đến các cơ sở sản xuất mắm. Giá ruốc tươi khoảng 30.000 đến 40.000 đồng/kg

HUY ĐẠT

“Đánh bắt ruốc biển có 2 cách. Hoặc bủa lưới loại mắt lưới nhỏ, sau đó chong đèn suốt đêm để thu hút luồng ruốc tìm đến. Hoặc dùng thuyền di chuyển, bật đèn pha và sử dụng một chiếc vợt lớn để xúc khi gặp luồng ruốc. Từ chiều đến khoảng hơn 3 sáng hôm sau thì cho thuyền chạy vào bờ, sau đó di chuyển bằng thúng rái đưa ruốc biển vào cân bán cho tiểu thương”, bà Bốn kể.

Đối với các ngư dân, mỗi lần dong thuyền ra khơi đánh bắt ruốc đều phụ thuộc biển cả, phụ thuộc vào con sóng. Có thuyền chạy cả đêm nhưng chỉ thu hoạch ít ỏi, nhưng có tàu chỉ mới xuất phát vài giờ đồng hồ đã ruốc đầy khoang, quay về. Tất cả đều phụ thuộc vào con sóng…

Mỗi thuyền ra khơi đánh bắt ruốc có từ 3 đến 4 lao động, mỗi đêm xúc được khoảng 400 đến 700 kg ruốc. Trừ chi phí, mỗi người thức xuyên đêm kiếm được từ 800.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng.

Tờ mờ sáng, những chiếc thuyền hành nghề xúc ruốc tấp nập trở về bãi biển Thọ Quang (Q.Sơn Trà), ngư dân dùng thúng rái để vận chuyển vào bờ. Trên bãi biển, hàng chục tiểu thương, chủ tàu sẵn sàng cân, thùng chứa để thu mua ruốc.

Theo lời nhiều người, mùa ruốc biển năm nay đến muộn hơn mọi năm. “Trước Tết Nguyên đán vừa qua, cứ mỗi chuyến đi ruốc về là lỗ tiền dầu, thậm chí cuối năm khó khăn đến mức không có tiền để cúng mâm cơm cuối năm cho đàng hoàng nữa. Sau tết, mấy ngày gần đây mới đánh bắt có ruốc trở lại”, bà Bốn tâm sự.

Chị Huỳnh Thị Nguyệt (trú P.An Hải Bắc, Q.Sơn Trà) bật đèn pin, tất bật lựa ruốc và rửa sạch để kịp buổi chợ sáng sớm

HUY ĐẠT

Dưới ánh sáng yếu ớt của chiếc đèn pin, tỉ mẫn rửa ruốc bằng nước biển cho sạch cát, chị Huỳnh Thị Nguyệt (trú P.An Hải Bắc, Q.Sơn Trà) đang thu mua ruốc để bán lại cho người dân ở các chợ. Tùy vào độ tươi, ruốc lên bờ được thu mua với giá từ 15.000 đồng đến 40.000 đồng/kg.

Theo chị Nguyệt, 2 năm gần đây do dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến việc buôn bán gặp nhiều khó khăn, ế ẩm kéo dài.

“Trước tết, ruốc mất mùa, ngư dân đánh bắt thua lỗ nên giá bán tăng cao khiến các tiểu thương như chúng tôi cũng gặp khó. Có hôm thức giấc đi mua ruốc lúc 4 giờ sáng, ra chợ bán đến 11 giờ cũng chưa hết vài chục ký ruốc, đành phải mang về phơi khô”, chị Nguyệt nói.

Tiểu thương chuyển ruốc tươi lên đường Hoàng Sa (Q.Sơn Trà) để bán cho người dân, du khách

HUY ĐẠT

Kết thúc chuyến đánh bắt ruốc xuyên đêm, những người đàn ông làng chài bán hết ruốc và kéo thúng lên bờ. Họ quay trở về nhà nghỉ ngơi để chuẩn bị cho chuyến biển mới

HUY ĐẠT

Với những gia đình có nhiều thế hệ bám biển kiếm sống, mỗi lần dong thuyền ra biển dù gần bờ hay xa bờ là mỗi lần họ cược cả tính mạng mình trên đầu sóng ngọn gió để mưu sinh. Biển cả vốn là nơi nuôi sống gia đình và người phụ nữ miền biển chỉ biết bám bờ ngày đêm thấp thỏm, nguyện cầu chồng con bình yên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.