Làng đại học thu phí chụp hình, quay phim

31/10/2013 09:00 GMT+7

Thông báo 'Áp dụng thu phí chụp hình, quay phim trong khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM ' vừa treo lên được 2 tiếng đồng hồ đã bị dư luận phản ứng và người ra thông báo đành phải tháo xuống. Câu chuyện lạ đời xuất phát từ đâu?

Thông báo này vừa đưa lên đã bị phản ứng - d
Thông báo này vừa đưa lên đã bị phản ứng - Ảnh: Diệu Thông 

>> Lập lại trật tự ở làng ĐH Quốc gia TP.HCM

Kinh tế khó khăn nên thu phí !

Ngày 25.10, tại Hồ Đá nằm trong khu vực ĐH Quốc gia TP.HCM quản lý xuất hiện 2 băng rôn thông báo: 'Áp dụng thu phí chụp hình, quay phim trong khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM từ ngày 1.11.2013'.

 

Hiện giờ kinh tế khó khăn, nguồn kinh phí nhà nước cấp ngày càng hạn chế, nên mỗi đơn vị, trong đó có ĐH Quốc gia phải nỗ lực tự tìm kiếm nguồn vốn hợp lý để phát triển

Huỳnh Ngọc Sang
Giám đốc Trung tâm quản lý và phát triển đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM

Sau khi băng rôn được treo lên, nhiều ý kiến cho rằng Trung tâm quản lý và phát triển đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM nói riêng và ĐH Quốc gia TP.HCM nói chung không có quyền thu phí, vì địa điểm được lựa chọn quay phim, chụp ảnh nhiều nhất là khu Hồ Đá đã hình thành từ khi chưa ĐH Quốc gia chưa hiện diện. Ngoài ra, việc thu phí phải được HĐND TP.HCM phê duyệt, chứ không phải cơ quan nào cũng có thể tùy tiện thu phí.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Ngọc Sang, Giám đốc Trung tâm quản lý và phát triển đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng HĐND quyết định áp dụng đối với trường hợp những phường, xã, cơ quan hành chính, còn trong khu ĐH Quốc gia thì có cơ chế quản lý riêng, không theo hệ thống phường xã! Hồ Đá là một bộ phận của ĐH Quốc gia, vì thế phải quản lý! “Dựa vào quy chế của ĐH Quốc gia, chúng tôi được phép làm những dịch vụ phục vụ cho việc phát triển, trong đó có việc thu phí chụp hình, quay phim…”! , ông Sang nói.

Ông Sang cho biết: “Hiện giờ kinh tế khó khăn, nguồn kinh phí nhà nước cấp ngày càng hạn chế, nên mỗi đơn vị, trong đó có ĐH Quốc gia phải nỗ lực tự tìm kiếm nguồn vốn hợp lý để phát triển. Mặt khác, những người chụp ảnh, quay phim ăn đâu xả đó, vứt rác lung tung. Trong khi mình phải đổ rác, lo công tác an ninh trật tự”.

Thế nhưng, theo phản ảnh của nhiều sinh viên và ghi nhận của chúng tôi, tình hình an ninh cũng như vệ sinh môi trường tại khu vực Hồ Đá ngày càng phức tạp và ô nhiễm nặng (Báo Thanh Niên đã từng có loạt bài phản ảnh gần đây).

Gỡ băng rôn vì chưa được phép

Ông Sang cũng cho biết dự định thu phí này được ủng hộ từ nhiều phía. Như qua 200 phiếu thăm dò… từ 2 năm trước do chính đơn vị của ông khảo sát và địa phương là thị xã Dĩ An trả lời “thuộc quyền của các anh thì làm gì cũng được”! Ông Sang cũng nói những người được thăm dò đề xuất mức phí 200.000 đồng/ngày.

Khi được hỏi: “Liệu khi áp dụng thu phí có kiểm soát được hiện tượng nhân viên thu phí tiêu cực, vòi vĩnh du khách?”, ông Sang nói: “2 năm trước có thuê đội bảo vệ chuyên nghiệp, dẫn đến việc làm tiền gây điều tiếng xấu trong dư luận, nay đã dẹp. Thời gian tới, khi bắt đầu thu sẽ có cả những đội giám sát kiểm tra chéo để đề phòng hiện tượng này. Tất nhiên là không thể đảm bảo 100% vì bộ trưởng, thứ trưởng còn làm chưa hoàn thành. Nhưng sẽ tìm cách khắc phục nhược điểm. Có làm mới lòi ra nhược điểm”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thu phí chưa được sự đồng ý của lãnh đạo ĐH Quốc gia TPHCM. Ông Sang cũng nhìn nhận: “Vì anh em hăng hái, nhiệt tình quá mức nên treo thông báo lên. Sau đó tháo xuống hết. Vả lại vì chưa được phê duyệt nên chúng tôi rút lại, tạm ngưng việc này”. Tuy nhiên, ông này cũng khẳng định: “Chắc chắn sẽ được triển khai trong thời gian tới. Chúng tôi làm rõ ràng, minh bạch, không có gì phải sợ. Nhưng chưa đủ điều kiện thì chưa làm. Chờ khi nào tờ trình được xem xét phê duyệt, có quyết định chính thức thì làm”.

Do thông báo chỉ ghi sẽ thu phí từ 1.11, nên nhiều sinh viên lo lắng liệu họ có phải đóng phí khi quay phim, chụp hình trong khu vực ĐH Quốc gia? Ông Sang cho biết: “Không đụng chạm tới quyền lợi của sinh viên. Nếu có thắc mắc thì giải thích chứ không thể đưa đủ thứ lên băng rôn, như thế rất kỳ cục, không có băng rôn nào giải thích toàn bộ cả”. 

Theo ông Sang, chỉ áp dụng thu phí những người ngoài khi quay phim, chụp ảnh. Được biết, hiện tại mỗi ngày có khoảng 5-7 nhóm người đến khu vực này để quay phim, chụp ảnh cưới.

Hồ Đá không xuất hiện trên bản đồ địa lý, vì là hồ nhân tạo, được hình thành từ việc khai thác đất đá của Xí nghiệp khai thác đá 621 phục vụ xây dựng và làm đường, nhưng đã ngừng khai thác vào năm 1986 do đụng mạch nước ngầm. Sau đó, đơn vị khai thác rút đi để lại những hố sâu, rộng hàng chục héc ta.

Nguyễn Thanh Nam

>> Rác bủa vây Làng đại học
>> Trộm cắp lộng hành ở làng đại học
>> Dây cáp điện “đu võng” khắp làng đại học Thủ Đức
>> Tệ nạn tấn công làng đại học: Trộm, cướp lộng hành
>> Tệ nạn tấn công làng đại học: Cho sinh viên vay nặng lãi
>> Tệ nạn tấn công làng đại học: Cờ bạc, lô đề, cá độ bủa vây
>> Chợ bình dân ở làng đại học
>> “Chợ tình” ven Làng đại học
>> Roi điện vào làng đại học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.