Làng 'đếm lá ra tiền' tất bật vào vụ tết

20/01/2025 06:55 GMT+7

Đến hẹn lại lên, gần đến dịp tết Nguyên đán cổ truyền, các làng trồng cây bán lá ở Hà Tĩnh lại tất bật với công việc chăm sóc, cắt tỉa để chuẩn bị hàng phục vụ nhu cầu thị trường.

Gia tộc trồng trầu tiến vua

Những ngày qua, mặc dù thời tiết giá rét nhưng các hộ dân ở làng trồng trầu không thôn Văn Sơn (xã Đỉnh Bàn, TP.Hà Tĩnh) vẫn tất bật chăm sóc, cắt tỉa cành để chuẩn bị hái lá bán.

Làng 'đếm lá ra tiền' tất bật vào vụ tết- Ảnh 1.

Ông Phạm Công Nhứ chăm sóc vườn trầu không của gia đình để bán trong dịp tết

ẢNH: PHẠM ĐỨC

Đang tỉ mẩn loại bỏ những lá già cho vườn trầu 250 gốc của gia đình, ông Phạm Công Nhứ (72 tuổi) cho biết, toàn bộ số cây trầu không trong vườn được vợ chồng ông trồng cách đây hơn 3 năm, bắt đầu cho thu hoạch từ năm ngoái. Suốt khoảng 2 tháng nay, vợ chồng ông không hái lá để bán mà tập trung chăm bón, cắt tỉa cành để lá trầu đạt chất lượng tốt nhất phục vụ thị trường tết.

"Vườn trầu của gia đình tôi sản xuất gối vụ nên cho thu hoạch quanh năm, nhưng thời điểm bán chạy nhất, giá cả cao hơn là vào dịp tết. Nếu ngày thường hái lá bán chỉ cho thu nhập khoảng 300.000 đồng, thì cận tết bán số lượng gấp đôi, thu nhập có ngày lên đến tiền triệu", ông Nhứ bộc bạch. 

Theo ông, nghề trồng cây trầu không ở thôn Văn Sơn có tuổi đời hàng trăm năm. Trong thôn hiện có hơn 100 hộ trồng trầu trên diện tích hơn 2,5 ha, song phần lớn thuộc dòng họ Phạm Công. Vào năm 2016, dòng họ Phạm Công được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam.

Ông Nhứ nói, làng Văn Sơn là nơi sinh sống của con cháu nhiều dòng họ nổi tiếng, có công phò vua dựng nước, diệt giặc như: Phạm Công, Nguyễn Bá, Nguyễn Công, Nguyễn Tuấn, Nguyễn Ngô... Trong đó, người làm rạng danh quê hương nhất là Phạm Khắc Luận, danh tướng có công phò vua Lê Lợi đánh giặc Minh xâm lược vào thế kỷ 15. Nhờ có công trạng, Phạm Khắc Luận được vua ban cho đặc ân đổi tên thành Phạm Công Luận và được phong tước hiệu Lê triều phó đô tướng, Thái úy Ninh quốc công.

Trong một lần về thăm quê, vợ chồng Phạm Công Luận đã đưa mấy miếng trầu cau do dòng họ trồng trở lại triều đình và dùng sản vật này tiến vua. Nhà vua ăn khen ngon, bèn đặt tên là trầu tiến vua.

Từ khi cây trầu không được vua Lê đặt tên, dòng họ Phạm Công nói riêng và dân làng Văn Sơn nói chung đã phát triển nghề trồng trầu, duy trì cho đến nay. Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn, cho hay làng trồng trầu tiến vua ở thôn Văn Sơn đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2021.

"Người dân hay nói vui với nhau về việc trồng trầu là nghề "đếm lá ra tiền". Mà cũng đúng như thế, trong dịp tết này, giá trầu tăng cao hơn so với ngày thường. Giá trầu ngày thường được thương lái thu mua khoảng 60.000 đồng/100 lá thì vào dịp tết tăng lên 200.000 - 250.000 đồng. Nghề trồng trầu không chi phí thấp, không mất nhiều thời gian chăm sóc và đang được bà con nhân rộng", ông Sơn thông tin.

Làng 'đếm lá ra tiền' tất bật vào vụ tết- Ảnh 2.

Người dân thôn Vĩnh Phúc tất bật thu hoạch lá dong bán cho thương lái

ẢNH: PHẠM ĐỨC

Làng trồng lá dong vào mùa thu hoạch

Càng gần đến tết Nguyên đán, không khí tại làng trồng lá dong ở thôn Vĩnh Phúc (xã Quang Vĩnh, H.Đức Thọ) lại thêm rộn ràng. Người dân ở đây đang tất bật từ sáng sớm đến tối để thu hoạch, phân loại và bó lá bán cho thương lái.

Bà Lê Thị Quế (60 tuổi), một trong số hộ dân đã gắn bó với nghề trồng cây lá dong lâu đời ở làng Vĩnh Phúc, nói không rõ lá dong được trồng tại địa phương từ khi nào, chỉ biết nghề này được các hộ dân trong làng duy trì qua nhiều đời nay.

"Năm nay, gia đình tôi trồng lá dong trên diện tích khoảng 500 m2, ước tính thu hoạch được khoảng 30.000 lá. Toàn bộ vườn lá dong của gia đình đã được thương lái mua với giá 14 triệu đồng, dự kiến sẽ thu hoạch trong ít ngày tới. Nghề này giúp gia đình có thêm thu nhập vào dịp tết cổ truyền", bà Quế vui mừng.

Theo ông Nguyễn Quang Việt, Chủ tịch UBND xã Quang Vĩnh, thôn Vĩnh Phúc hiện có 80 hộ trồng lá dong trên diện tích khoảng 10 ha và thôn này được xem là "thủ phủ" lá dong lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên lá dong to, dày và được giá hơn những năm trước. Hiện giá bán tại vườn dao động từ 55.000 - 60.000 đồng/100 lá loại to. Ước tính, mỗi sào (500 m2) trồng lá dong mang lại thu nhập cho người dân thôn Vĩnh Phúc từ 10 - 15 triệu đồng.

"Công việc chăm sóc loại cây trồng này không tốn nhiều thời gian, chỉ tranh thủ lúc nông nhàn nhưng có thu nhập khá trong dịp tết đến xuân về. Nghề này cũng góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân tại địa phương", ông Việt chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.