Bản Tân Bình (xã Tân Phúc) có 127 hộ dân, cách trung tâm huyện Lang Chánh khoảng 5 km nhưng tối đến chỉ có những ánh đèn dầu leo lét cùng với tiếng học bài ê a của lũ trẻ. Thương con, nhiều gia đình đã gửi con em ra ngoài thị trấn, hoặc vào trường nội trú học bài buổi tối.
Chị Lữ Thị Lăm (28 tuổi, ngụ tại bản Tân Bình) cho biết, do bản không có điện lưới nên dù rất muốn nhưng bà con nơi đây không thể đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đời sống sống kinh tế, tinh thần của người dân trong bản ở mức thấp kém nhất xã. “Không có điện lưới nên muốn làm gì cũng khó. Chúng tôi ngày vào rừng, lên nương làm lụng, tối về muốn được xem cái tivi cho thoải mái mà không có điện. Bọn trẻ con thì phải đốt đèn dầu học bài buổi tối. Khổ lắm”, chị Lăm nói
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Công Tự, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc cho biết, toàn xã hiện còn 550 hộ ở 6/10 thôn, bản chưa có điện dù các thôn, bản này chỉ cách đường dây trung thế khoảng 1 km. “Ở các thôn, bản này hiện có hơn 300 học sinh cấp tiểu học và THCS. Các cháu thiệt thòi nhiều thứ quá. Buổi tối thì không có điện, phải đốt đèn dầu học bài; mùa hè nóng nực cũng không có quạt máy để dùng, không được xem ti vi... UBND xã đã nhiều lần đề nghị các cấp quan tâm, đầu tư đường điện nhưng chưa được”, ông Tự nói.
Ông Lê Thanh Nghị, Phó trưởng phòng Kinh tế hạ tầng (UBND huyện Lang Chánh) cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 14 thôn, bản với khoảng hơn 1.000 hộ dân chưa có điện. “Bà con đề nghị nhiều nhưng huyện cũng chỉ biết báo cáo, kiến nghị với UBND tỉnh và ngành điện xem xét, bố trí kinh phí đầu tư thôi. Chúng tôi đã nhiều lần họp bàn tìm nguồn vốn nhưng chưa được”, ông Nghị nói.
tin liên quan
Điện mặt trời vẫn chờ... giáCác mô hình, dự án điện mặt trời đã phát triển ở miền Nam trong gần chục năm qua nhưng chưa thể phát triển mạnh vì chưa có cơ chế mua bán linh hoạt và giá bán điện cho công ty điện lực.
Bình luận (0)