Làng hát bội của vua

31/01/2017 09:00 GMT+7

Nằm nép mình bên tả ngạn dòng sông Ly Ly êm đềm với những cánh đồng lúa xanh mướt tầm mắt, làng Đức Giáo (nay thuộc thôn 3, xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) từ lâu được xem là 'cái nôi' của hát bội xứ 'ngũ phụng tề phi'.

Trong bài viết Đặc điểm địa danh Quảng Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Bình Phương cho biết: “Đức Giáo là một làng ở kinh đô Phú Xuân. Năm 1805 khi Gia Long xây Kinh thành Huế, làng này bị giải tỏa nên phần lớn dân cư lưu tán vào Quảng Nam. Họ đã chọn thung lũng Quế Sơn làm quê hương mới và hành nghề ca bộ để sinh sống. Về sau, do đất đai quá ít nên họ hành nghề hát bội là chính. Vì vậy, trong dân gian lưu truyền câu nói: Hữu đinh vô điền, xuất ca chi các huyện hạt, dĩ thu ngân sung nạp ngân đinh (Có đinh mà không có ruộng, đi hát khắp các huyện hạt lấy tiền để nộp thuế đinh)”.
Theo cuốn Quế Sơn, đất và người của các nhà nghiên cứu Lê Thí - Phạm Úc - Trương Vũ Quỳnh (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2015), thì đây là ngôi làng rất đặc biệt: “‘Đức Giáo vô địa lập lập chùy dĩ xướng ca vi nghệ (Làng Đức Giáo không mảnh đất cắm dùi lấy ca hát làm nghề). Phía bên kia sông là vùng Đồng Dương, kinh đô Indrapura của người Chăm trước đây. Nghề truyền thống hát bội của làng Đức Giáo có từ đầu thế kỷ 19 khi một nhóm nghệ sĩ hát bội tại Kinh thành Huế đến định cư và lập một làng riêng. Đoàn tuồng đã nhiều lần được vời về kinh biểu diễn và được vua Nguyễn sắc phong là làng Nhị ca, chỉ đứng sau các đoàn tuồng Nhứt ca của cung đình mà thôi”.
Dưới thời phong kiến, khi các loại hình nghệ thuật khác còn khá khiêm tốn thì hát bội là loại “đặc sản” có một không hai, lại được vua thường xuyên mời ra diễn nên đoàn ca bộ Đức Giáo nổi tiếng và nghiễm nhiên trở thành “làng nghệ sĩ” của vua thời bấy giờ.
“Cây có cội, nước có nguồn”. Hiện nay cứ trước Tết âm lịch khoảng một tháng, các diễn viên trong đoàn hát bội của làng Đức Giáo dù đi làm ăn xa ở đâu cũng tranh thủ quay về tập tuồng. “Ngày xưa, ông nội tôi là Võ Thắng đi hát danh nổi như cồn, rồi tới cha mẹ cũng nối gót theo sau. Giờ là tôi, nghề ca bộ cứ vận vào mình không dứt ra được. Nghĩ cũng vui, buổi tối anh em đóng vua chúa cung đình nguy nga, tráng lệ, người thì tướng tá oai phong lẫm liệt, đánh nam dẹp bắc đi đâu cũng có quân sĩ hầu hạ, nhưng hết diễn thì lại dắt trâu ra đồng cày ruộng...”, nghệ sĩ Võ Hoàng hóm hỉnh kể.
Sân khấu để diễn tuồng của làng là một mô đất đắp cao nằm bên cạnh nhà văn hóa thôn có sân cỏ khá rộng. Ông Hà Phước Trinh, nguyên Bí thư Huyện ủy Quế Sơn đưa chúng tôi ra thăm tận nơi. “Nhiều diễn viên dường như không có tết do bận rộn tập luyện nhưng được diễn là vui rồi, không cần đòi hỏi gì. Nhờ vậy phong trào hát bội ở đây duy trì từ năm này đến năm khác, nuôi dưỡng nghề và là cái nôi nghệ thuật ca bộ xứ Quảng. Từng biểu diễn cho vua xem mà không phải nơi nào cũng có!”, ông Trinh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.