Làng hiếu học - Kỳ 1: Chuyện học ở làng của bà Hồ Xuân Hương

26/05/2015 09:56 GMT+7

Hiếm có một vùng đất nào có lắm người đỗ đạt, nổi danh nhờ sự học như làng Quỳnh (nay là xã Quỳnh Đôi, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An), quê hương của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương.

Hiếm có một vùng đất nào có lắm người đỗ đạt, nổi danh nhờ sự học như làng Quỳnh (nay là xã Quỳnh Đôi, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An), quê hương của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương.

Tượng Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, một trong những người thành danh của làng Quỳnh, được dựng trong khu tưởng niệm nữ sĩ tại làng Quỳnh
Tượng Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, một trong những người thành danh của làng Quỳnh, được dựng trong khu tưởng niệm nữ sĩ tại làng Quỳnh - Ảnh: Khánh Hoan
Hàng trăm hiền tài, danh sĩ
Ông Phan Hữu Thịnh (87 tuổi, người con làng Quỳnh, từng là chuyên viên cao cấp Ban Tuyên huấn T.Ư) đã có 13 đầu sách viết về đất và con người làng Quỳnh, cho biết: năm 1449, làng Quỳnh có người đầu tiên đi thi. Từ đó đến năm 1919, trong 470 năm, làng Quỳnh có 531 người đỗ tú tài, 208 cử nhân (chiếm 10-11% của cả tỉnh Nghệ Tĩnh). Về đại khoa (khoa thi cấp quốc gia, người dự thi đã vượt qua các kỳ thi Hương, Hội, Đình) có 4 phó bảng, 6 tiến sĩ, 2 hoàng giáp, 1 thám hoa, 1 bảng nhãn…Ông Thịnh cũng cho biết, ngoài những hiền tài, danh sĩ nổi tiếng như: bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương; ông Hồ Sĩ Dương (đỗ tiến sĩ năm 1652, tể tướng, được phong Thượng trụ quốc, Duệ Quận công); ông Hồ Sĩ Đống (2 lần đỗ Hoàng giáp năm 1772, giữ chức Tham sự đốc phủ sứ, có công dẹp loạn kiêu binh)…, thì không thống kê xuể làng Quỳnh xưa có bao nhiêu thầy đồ dạy học.
Nhờ khổ học nên làng Quỳnh thời nào cũng có bậc hiền tài, danh sĩ. Chấm dứt thời khoa bảng, sau này, làng Quỳnh sản sinh nhiều tài năng trên nhiều lĩnh vực, như: Hồ Tùng Mậu, Cù Chính Lan, Phan Cự Nhân, Phan Cự Đệ, Văn Như Cương… Theo thống kê của xã, người làng Quỳnh đỗ đạt, thành danh từ năm 1945 đến nay, lên đến hàng trăm người, trong đó có 2 ủy viên Bộ Chính trị; 3 Ủy viên T.Ư Đảng; 11 bộ trưởng, thứ trưởng; 4 giáo sư; 16 phó giáo sư và 55 tiến sĩ…
Học giỏi vì… nghèo
Ông Thịnh lý giải: Quỳnh Đôi lắm người học hành và đỗ đạt là do… nghèo. Vùng đất này gần biển, chua mặn, ít ruộng, từ xưa là vùng quê nghèo xác xơ. Không chọn sản xuất để kiếm sống, người làng Quỳnh xưa chọn mưu sinh bằng nghề dạy học. Theo ông Thịnh, thành công trong sự học của làng Quỳnh là do người dân rất coi trọng việc học hành và chịu khổ luyện để thành tài. Năm 1600, làng Quỳnh đã có khoán hội, một loại khoán quy định cụ thể việc đi học, đi thi, đỗ đạt, khao vọng. Đến năm 1638, hương ước của làng chính thức ra đời, trong đó có 24 điều nói về chuyện học hành, thi cử. Trong hương ước này có quy định ngôi thứ chỗ ngồi ở đình làng, văn hội. Người làm quan to nhưng đỗ thấp thì vẫn phải ngồi dưới người đỗ cao mà không ra làm quan hoặc làm quan thấp hơn.
“Làng đã có quỹ khuyến học từ năm 1600 bằng việc trích 18 mẫu ruộng để làm học điền, giúp học trò nghèo. Từ năm 1826, ai đỗ cử nhân thì được làng rước từ đường thiên lý (QL1A ngày nay) về làng, tú tài được dòng họ rước, người đỗ tiến sĩ sau khi mất, hàng năm được làng đến lạy cúng. Từ năm 1852, ai đỗ tú tài trở lên nếu không có con trai nối dõi, sau khi mất sẽ được làng thờ trong hiền từ”, ông Thịnh kể.
“Điều quan trọng hơn, việc học đã tạo cho làng Quỳnh có chỗ dựa là tri thức, tạo ra một “làng mở” không bị khép kín trong lũy tre, giúp cho người làng Quỳnh từ xưa đã có khả năng chủ động tham gia có hiệu quả vào đời sống cộng đồng và có khả năng đảm trách được những công việc lớn trong xã hội”, ông Thịnh phân tích.
Ông Hồ Quang Tuấn, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi nói, dù chưa phải là một xã giàu có nhưng hiện làng Quỳnh vẫn duy trì được truyền thống hiếu học. “Năm nào kết quả thi vào đại học của xã cũng đứng nhất, nhì huyện. Hầu như ở họ, tộc, chi nào ở Quỳnh Đôi ngày nay cũng có quỹ khuyến học với số tiền lớn do con cháu tự nguyện đóng góp để khuyến khích sự học”, ông Tuấn cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.