Ở làng Hoằng Bột (xã Hoằng Lộc, H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa), sự học đã trở thành một… nghề.
Bảng Môn Đình - biểu tượng sự hiếu học của người dân Hoằng Lộc - Ảnh: Ngọc Minh
|
Dân gian vẫn gọi Hoằng Lộc là đất Trạng vì nơi đây sinh ra Nguyễn Quỳnh - người vẫn được dân gian gọi là “Trạng Quỳnh” dù ông không đỗ Trạng.
Theo sử sách, từ thế kỷ 15, Hoằng Lộc được biết tới là mảnh đất hiếu học với vị khai khoa là tiến sĩ Nguyễn Nhân Lễ. Ông đỗ tiến sĩ khoa thi Tân Sửu, triều Hồng Đức năm thứ 12 (1481). Từ đây, sự học được người dân Hoằng Lộc tôn thờ như một thứ đạo, cũng trở thành nghề để các đấng nam nhi mưu sinh, lập nghiệp.
Dưới các triều đại phong kiến, Hoằng Lộc có 12 vị đỗ đại khoa, trong đó có 7 tiến sĩ được ghi danh trên bia đá tại Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, cùng gần 200 hương cống, cử nhân; 140 người đỗ sinh đồ, tú tài.
Để tôn vinh nghiệp học, vào thế kỷ 15, người dân Hoằng Lộc đã dựng Bảng Môn Đình vừa là nơi thờ Trạng Quỳnh làm Thành Hoàng làng, vừa là nơi biểu dương những thành tích học tập của các sĩ tử, nho sinh trong làng, trong xã. Giờ đây Bảng Môn Đình đã trở thành biểu tượng của sự hiếu học của người Hoằng Lộc và được xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Dẫn chúng tôi thăm Bảng Môn Đình, ông Nguyễn Trường Thành, Chủ tịch Hội khuyến học xã Hoằng Lộc, cho biết vào mỗi dịp đầu xuân, con cháu đỗ đạt trong làng, trong xã đều hội tụ về đây tri ân tiền nhân.
Trong Bảng Môn Đình có bức đại tự lớn với bốn chữ “Địa linh nhân kiệt”, cùng đôi câu đối đề cao truyền thống văn hóa của làng và nhắc nhở kẻ sĩ giữ vững khí tiết khi nhập thế. Nơi đây có lệ “trọng khoa hơn trọng hoạn”, tức là trọng người đỗ đạt có học vị hơn người có phẩm trật, quan tước.
Trong ngày lễ, dù có làm đến chức vụ gì, dù là người ít tuổi, hay nhiều tuổi thì những người vào đây lễ bái đều phải tuân theo lệ, ai đỗ đạt cao sẽ được ngồi ở chiếu trên.
Nhà nào cũng có người học đại học
Theo ông Nguyễn Trường Thành, ở Hoằng Lộc hầu như nhà nào cũng có người học đại học, trong đó rất đông gia đình có 3 - 5 người con học đại học và trên đại học.
Đặc biệt, có những gia đình có tới 4 con và 1 cháu đều là tiến sĩ như gia đình cụ Nguyễn Thị Huệ xóm Hưng Tiến. Mỗi năm Hoằng Lộc thường xuyên có từ 55- 60 em thi đậu vào các trường đại học, nhiều em được chọn vào các đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, trong đó tiêu biểu có em Nguyễn Phi Lê năm 2000 đoạt giải huy chương bạc toán quốc tế.
Hiện cả xã có 4 giáo sư, 11 phó giáo sư, 30 tiến sĩ, 10 Nhà giáo ưu tú …, chưa kể một số người đã trở thành tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp trong quân đội và công an.
Hoằng Lộc hiện có 72 dòng họ lớn nhỏ, trong đó, một số dòng họ có tiếng hiếu học và có nhiều người đỗ đạt nổi tiếng từ xưa đến nay như: họ Nguyễn, họ Bùi, họ Lê Huy…
Ông Nguyễn Danh Khiển, Trưởng Ban khuyến học dòng họ Nguyễn tự hào cho biết, dòng họ Nguyễn là hậu duệ của Trạng Quỳnh và có tiếng là hiếu học trong làng từ thời Hậu Lê. Trong 2 triều Hậu Lê và triều Nguyễn, dòng họ Nguyễn ở Hoằng Lộc đã có 6 người đỗ tú tài, 1 tiến sĩ và 19 cử nhân. Từ năm 1945 đến nay, dòng họ có 177 người trình độ đại học và trên đại học, trong đó có 1 giáo sư, 3 tiến sĩ, 12 thạc sĩ…
“Dòng họ chúng tôi từ xa xưa đã lấy sự học làm nghề. Học để nối tiếp truyền thống của ông cha trong dòng tộc, học để rạng danh với làng với xã, học để mưu sinh và ra đời lập thân, lập nghiệp”, ông Khiển nói.
Bình luận (0)