Bất hợp lý đến bao giờ ?
Giá xăng dầu tại Việt Nam hiện điều chỉnh theo chu kỳ 15 ngày một lần, quy định cũ là 30 ngày. Thế nên, theo nhiều chuyên gia, giá xăng dầu Việt Nam luôn điều chỉnh không theo nhịp tăng giảm của thế giới. Chẳng hạn khi giá dầu thế giới tăng liên tục, nhưng giá xăng dầu trong nước không được điều chỉnh ngay mà chờ hết 15 ngày theo đúng chu kỳ mới điều chỉnh, khiến giá tăng sốc gây khó khăn cho người tiêu dùng. Hoặc ở chiều ngược lại, khi giá dầu thế giới giảm liên tục, nhưng trong nước vẫn phải điều chỉnh tăng do mức bình quân 15 ngày tăng. Điều này gây ra nhiều bức xúc cho người dân.
Xăng dầu là năng lượng thiết yếu, khi còn có sự chiếm lĩnh và chi phối thị trường của một vài doanh nghiệp lớn vẫn cần có sự điều tiết của nhà nước. Nhưng sự điều tiết này, theo PGS-TS Ngô Trí Long, không nên lạm dụng các biện pháp hành chính. Ông Long đề nghị cần phải bỏ quỹ bình ổn giá, và phải xem xét lại chu kỳ điều hành giá bình quân 15 ngày. Bởi nó đã làm giá xăng trong nước “méo mó”, lệch pha so với thế giới lại rất tù mù.
Nhiều bạn đọc (BĐ) bức xúc với việc điều hành giá xăng dầu hiện nay. "Với cách điều hành như hiện nay thì giá xăng dầu trong nước cứ tăng liên tục mặc cho giá thế giới giảm. Đây là một nghịch lý. Đã là kinh tế thị trường thì cứ để thị trường tự điều tiết. Cách điều hành hiện nay rất lệch lạc không đúng tín hiệu thị trường. Lúc cần tăng thì không tăng, lúc không nên tăng cao thì lại tăng rất mạnh. Người dân phải dùng giá xăng bất hợp lý như thế này đến bao giờ?", BĐ Hữu Nguyên (TP.HCM) nêu ý kiến.
"Tôi đề nghị bỏ việc quản lý giá xăng dầu như hiện nay và cứ để thị trường tự điều tiết, thực hiện đúng nghĩa cơ chế thị trường. Giá có lên thì người dân mua lên có xuống thì người dân mua giảm", BĐ Năm Nghĩa (TP.HCM) đề xuất.
Bỏ quỹ bình ổn, để thị trường tự điều tiết
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu, cho rằng việc trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng một lít theo quy định tại Nghị định 83 điều hành xăng dầu đang khiến người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi, khi về bản chất người dân đang phải ứng trước cho quỹ. Ngoài ra, việc sử dụng quỹ bình ổn giá mang đậm tính can thiệp hành chính, làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu, không tạo ra được tính minh bạch trong điều hành, không tạo ra sự bình đẳng trong hệ thống doanh nghiệp đầu mối.
Nhiều BĐ đồng tình với ý kiến của ông Phan Thế Ruệ và cho rằng nên bỏ quỹ bình ổn vì nó đi ngược quy luật thị trường vừa chậm trong điều tiết giá. Bản chất vẫn là lấy tiền của người dân để chi chứ không lấy lợi nhuận của kinh doanh xăng dầu để chi. "Vì vậy nên bỏ quỹ bình ổn. Lấy tiền người tiêu dùng để "bình ổn" cho họ thật sự không ổn, nó như dây cung khi quá căng vẫn phải buông và tạo nên những cú sốc. Hãy để người tiêu dùng tự "bình ổn", BĐ Chí Đại (Hà Giang) đề xuất.
"Người dân chấp nhận giá xăng dầu theo cơ chế thị trường tự điều tiết, có lên và có xuống theo đúng thực chất giá của thế giới. Bộ Công thương càng điều tiết nhúng tay vào quá sâu không theo quy luật cạnh tranh thị trường thì chỉ thêm nhiều rối rắm và bất cập, thậm chí càng điều tiết thì người tiêu dùng chỉ có thiệt thòi mà lợi ích thì luôn thuộc về doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và nhóm lợi ích", BĐ Văn Dũng (TP.HCM) viết.
"Dù giá xăng dầu thế giới có tăng hay giảm thì cuối cùng người tiêu dùng cũng là người chịu thiệt. Còn quỹ bình ổn có thì cũng như không, đôi khi còn gây thêm bức xúc cho người tiêu dùng vì sử dụng quỹ chỉ để kềm giá vào thời điểm tức thời sau đó lại tăng mạnh hơn chứ không có tác động tích cực bình ổn giá dài hạn... Nên bỏ cái quỹ bình ổn này", BĐ Cầu Vồng Xanh (TP.HCM) nêu ý kiến.
Bình luận (0)