Lăng kính Bạn đọc: 'Tưởng tượng' có phải là 'nói dối' ?

17/11/2019 06:30 GMT+7

Bạn đọc Báo Thanh Niê n tranh luận sôi nổi quanh câu chuyện học sinh bị chép phạt vì từ chối viết bài văn tả thần tượng .

Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) kể lại việc bà có người bạn là phụ huynh của một học sinh lớp 6 bị chép phạt. Lý do là cô giáo ra đề bài “Hãy kể về thần tượng của em” và cô bé nhất quyết không làm bài vì “không có ai là thần tượng”. Tiến sĩ Tuyết cho biết chuyện này xảy ra vào ngày 9.11 và bạn bà cũng ở Hà Nội.
Bạn đọc Báo Thanh Niên đã tranh luận sôi nổi về tình huống cô bé thực sự không có thần tượng và yêu cầu “tưởng tượng” để thực hiện bài tập liệu có phải là “nói dối”?

Trẻ em phải có tư duy phản biện

Bạn đọc (BĐ) Hoàng Minh (TP.HCM) nhận xét: “Cô giáo ra đề không sai, học trò trả lời cũng đúng... nhưng giáo viên phạt học sinh là sai. Phải giáo dục trẻ em biết phân biệt đúng và sai, đó mới là giáo dục tiến bộ. Trẻ em có tư duy phản biện thì thầy cô nên tiếp nhận ý kiến”.

Năm tôi học lớp 12, cô giáo dạy văn buộc cả lớp học thuộc lòng những mẫu bài, bảo khi thi chỉ cần viết nhiêu đó là có điểm. Tôi không chịu, nói văn mẫu là để tham khảo chứ không phải để học thuộc lòng, môn văn là để thể hiện tư duy, trí tưởng tượng nên phải viết theo cảm nhận của bản thân. Chứ ai cũng viết như ai thì khác gì cái bánh trong khuôn. Thế là tôi bị cô buộc rời khỏi lớp khi đến tiết của cô. Tôi tự học và tự thi luôn.   

Hữu Hà, TP.HCM

Không đồng tình, BĐ Vietroad (TP.HCM) nhận xét đây là một dạng đề bài “thử thách để phấn đấu và cũng là trách nhiệm phải hoàn thành” chứ không chỉ đơn giản là không có thần tượng thì không làm bài. Và vì vậy, BĐ Vietroad cho rằng “chuyện cho trẻ làm những gì chúng thích thì bạn cứ về nhà hỏi con mình xem bé thích đi học hay thích ở nhà, xem chúng sẽ trả lời thế nào. Liệu bạn có đồng ý cho chúng làm theo những gì chúng thích?”.
Ngay lập tức, BĐ Hoàng Minh tranh luận lại vì cho rằng nếu bé không có thần tượng và vẫn phải tưởng tượng ra thần tượng để làm bài, thì liệu đó “có phải là chúng ta đã cổ vũ cho học sinh nói dối?”.
Theo dõi các tranh luận, BĐ Nguyễn Hoài Dương (Phú Thọ) nhận xét: “Giáo viên ra đề như vậy cũng là khuyến khích sự sáng tạo trí tưởng tượng của học sinh. Nếu học sinh có thái độ tích cực thì phải hiểu rõ điều đó chứ không phải chống đối như vậy”. Đồng tình, BĐ Peter Pan (Khánh Hòa) phân tích: “Tưởng tượng luôn là thứ giúp con người thành công. Không phải tự nhiên mà Albert Einstein đã nói logic đưa bạn từ A đến B còn trí tưởng tượng đưa bạn đi khắp mọi nơi”.

Cô trò phải cùng mở lòng

Nhiều BĐ đã bày tỏ mong muốn được thấy câu chuyện kết thúc bằng cách khác, chứ không phải là “chép phạt 100 lần Em xin lỗi cô”.
BĐ Tài (TP.HCM) cho rằng: “Sai ở đây là cách xử lý của cô giáo. Lẽ ra, cô nên giải thích, hướng dẫn hoặc gợi mở cho học trò để học trò làm lại bài, thay vì phạt học trò như vậy”. BĐ Minh (Tây Ninh) đồng tình: “Lẽ ra cô giáo phải biết động viên, khơi gợi ý tưởng cho các em, chứ đụng việc gì không đúng ý mình là bắt chép phạt. Đó không phải là phương pháp tốt, chỉ làm các em sợ cô giáo thêm mà thôi”.

Thiết nghĩ: Giáo dục là đánh thức năng lực tiềm ẩn trong học sinh, mục đích của dạng đề bài này là gì? Đích của giáo dục là gì?

Vũ Mạnh Toàn, Hải Phòng

BĐ Nguyễn Thị Thu (Hòa Bình) cho rằng trong trường hợp này, nếu cô, trò cùng mở lòng, cùng tâm sự với nhau nhiều hơn, thì câu chuyện sẽ khác. Vì trên thực tế, đây là một tình huống sư phạm rất thường gặp: “Rồi sẽ có rất nhiều đề văn mà em ấy không làm vì không thích, hoặc không có cảm xúc, không biết về đối tượng... Tuy nhiên, thay vì bắt học sinh chép phạt, thì giáo viên có thể xử lý tình huống sư phạm này bằng cách hướng dẫn học sinh làm một đề bài khác: Vì sao em không có ai là thần tượng?”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.