THỦY THỦ ĐẦU TIÊN CỦA LÀNG
Ở xã Mai Hóa, anh Hà Thanh Lương (39 tuổi, ở thôn Bắc Hóa) là một trong 4 người đầu tiên của xã miền núi này tiên phong bám biển. Cũng chính anh là người góp công đầu giúp hàng trăm con em Mai Hóa bước lên tàu viễn dương.
Trải qua hàng chục chuyến tàu viễn dương, lênh đênh nhiều nơi trên thế giới, anh Lương trở nên đen xạm, giống dân miền biển chính hiệu chứ chẳng còn là gã tay ngang từ miền núi xuống. "Năm 2010, tôi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Hàng hải nhưng về nhà chỉ đi làm thuê làm mướn. Một lần tôi tình cờ quen một người trước là bộ đội hải quân, sau khi xuất ngũ tiếp tục đi tàu biển, cuộc sống cũng khá giả, vậy là tôi tự hỏi sao mình không thử xem sao?", anh nhớ lại.
Năm 2011, sau khi tìm hiểu về công việc đi tàu, anh Lương tự học thêm tiếng Anh để phỏng vấn rồi được nhận lên tàu vận chuyển thép của Tập đoàn vận tải thép Nhật Bản. Và cuộc đời chàng trai vùng quê nghèo thay đổi từ đó. Suốt 13 năm làm thủy thủ trên những chuyến tàu viễn dương, anh Lương cật lực làm việc. Cộng thêm tính tình thật thà dễ mến, anh tạo được mối quan hệ tốt với chủ tàu, chủ công ty, để trở thành "người môi giới lao động bất đắc dĩ". "Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ làm công việc này. Trước cũng chỉ mong "cày cuốc" vài chuyến rồi về với gia đình, nhưng khi giúp bà con có công việc tốt, có cơ hội kiếm tiền, thấy cũng vui", anh Lương tâm sự.
Từ năm 2016, nhiều người ở xã Mai Hóa tìm đến ngỏ ý được theo nghề và nhờ anh Lương giới thiệu, giúp làm hồ sơ, anh dần trở thành người uy tín của cả xã trong việc "mai mối" ra khơi. Cũng từ đó, anh Lương đã làm cầu nối để đưa tổng cộng gần 600 người trên địa bàn đi làm việc trên những chuyến tàu viễn dương. Hiện anh Lương nghỉ đi tàu để ở nhà, nhưng vẫn là người có "tiếng nói". Có lần cận tết, cần chuyển ngôi nhà gỗ sang nơi khác, anh Lương chỉ vừa ngỏ ý đã có ngay gần 70 thanh niên trong xã kéo tới giúp và không nhận thứ gì ngoài lời cảm ơn…
XÃ ĐI NƯỚC NGOÀI NHIỀU NHẤT HUYỆN
Bà con xã Mai Hóa vẫn khoe với nhau về "thành tích" xã có số người đi nước ngoài nhiều nhất huyện, đặc biệt lại toàn là những người xưa nay vốn bám rừng kiếm sống. Họ được chu du bốn bể năm châu trên những chuyến tàu viễn dương. "Nhưng nói đùa với nhau cho vui vậy thôi. Được đi khắp nơi cũng có cái hay nhưng đổi lại cuộc sống trên tàu cũng vô vàn khó khăn và rủi ro. Công việc của chúng tôi là vận hành động cơ, lái tàu, mỗi ngày làm 8 tiếng, sợ nhất là mỗi khi biển nổi giông nổi bão", anh Lương nói.
Tại nhà một "đàn em" của anh Lương là anh Hà Văn Lượng (34 tuổi, thôn Bắc Hóa, xã Mai Hóa), chúng tôi ngắm nghía mô hình con tàu vận tải đã cũ kỹ, bám đầy bụi. Anh Lượng đã có hơn 10 chuyến đi tàu viễn dương. Anh kể mô hình con tàu này được anh làm trong những ngày đầu đi biển, mỗi khi nhớ vợ, nhớ nhà lại tận dụng mấy xiên tre nướng thịt, đính keo tạo hình con tàu. "Thời gian đầu đi biển nhớ nhà lắm, chưa kể việc là dân tay ngang nên những chuyến đi đầu tiên bị say sóng, dễ nản. Nhưng cố gắng rồi cũng quen, bởi trên tàu vẫn có những anh em người Việt tụ họp lại với nhau trong mỗi giờ cơm hay dịp tết nhất", anh Lượng nói.
Cuộc sống trên tàu đầy ắp khó khăn, họ phải chai lì với biển cả, đương đầu với sóng gió. Đổi lại, mức lương của những người đi tàu lâu năm như anh Lương, anh Lượng lên tới 50 - 60 triệu đồng/tháng. Nếu chịu khó "cày cuốc" khoảng chục năm và biết tích góp, họ cũng có tiền tỉ gửi về cho vợ con, xây nhà dựng cửa.
Ngay lúc này, hàng trăm người dân xã Mai Hóa vẫn đang theo các chuyến tàu trên các đại dương. Mỗi lần họ cập cảng, về nhà, xã Mai Hóa lại đẹp hơn với những ngôi nhà xây mới. Nghe có vẻ lạ đời, nhưng xã vùng núi này thực sự đang dần thay đổi nhờ… biển cả.
(còn tiếp)
Bình luận (0)