Làng lạ miền Trung: Về làng Huế nghe giọng Quảng

26/05/2023 07:27 GMT+7

Nếu tình cờ gặp người làng Mỹ Lợi trên đường, nghe họ nói chuyện với chất giọng "nằng nặng" kiểu xứ Quảng, không ai nghĩ rằng họ là người ở làng xứ Huế.

GIỌNG LẠ Ở XỨ HUẾ

Cách trung tâm TP.Huế khoảng 40 km về hướng đông nam, làng Mỹ Lợi nằm ở xã miền biển Vinh Mỹ thuộc H.Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế). Vừa đặt chân đến làng, chúng tôi gặp một phụ nữ có giọng nói khác biệt với hầu hết người dân xứ Huế.

"Cớt anh hoải ai? Hoải ôn Long à? Ôn Long không biết có nhà không nữa", bà hỏi lại khi nghe chúng tôi hỏi tìm nhà ông trưởng làng Lương Thành Long.

Làng lạ miền trung: Về làng Huế nghe giọng Quảng - Ảnh 1.

Đình làng Mỹ Lợi

Lê Hoài Nhân

Chất giọng của người Huế nói chung nằm trong vùng giọng nói miền Trung từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế, đều có những điểm chung như: mô (ở đâu), tê (kia), răng (vì sao), rứa (như vậy)… nhưng "nhẹ" hơn và có sử dụng thêm nhiều từ địa phương bản địa. Riêng giọng nói của người làng Mỹ Lợi lại có âm sắc khác, với nhiều âm điệu trầm bổng, du dương. Vì vậy nhiều người cho rằng giọng nói của họ giống giọng Quảng. Có người lý giải rằng, do những người khai canh vùng đất này đã vào Quảng Nam một thời gian, sau đó vì quá khó khăn nên quay lại, nên giọng nói "lai" với giọng Quảng.

Dân làng xứ Huế chất giọng đặc biệt, tiếng Quảng nhưng gốc xứ Thanh

Đã có nhiều công trình nghiên cứu về phương ngữ, với những cách luận giải khác nhau. Ở đây, chúng tôi thử lắng nghe chính người làng Mỹ Lợi nói về lịch sử ngôn ngữ của mình.

Ông Nguyễn Hải (76 tuổi), cựu trưởng Ban nghi lễ của làng, cho hay con cháu dân làng Mỹ Lợi nguyên gốc là làng Lượng Niệm, H.Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa. "Giọng nói của con dân làng Mỹ Lợi gói gọn ở trong làng và cứ sinh con đẻ cháu ra tiếp tục nói giọng nói này rồi truyền mãi cho đến bây giờ. Giọng nói của người làng Mỹ Lợi đặc trưng và hiện nay tiếng nói ở đây cũng không phải Quảng Nam hay Đà Nẵng, đặc biệt là không phải giọng Huế. Thậm chí con cháu của làng khi đi xa vẫn nói giọng này, không đổi giọng. Cha mẹ nói tiếng Mỹ Lợi thì con nói tiếng Mỹ Lợi. Chúng tôi đã ra Thanh Hóa, ở Sầm Sơn thì thấy cũng nói giọng giống làng Mỹ Lợi", ông Hải chia sẻ.

Ông Đoàn Nhuận (nguyên đại biểu HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế, người làng Mỹ Lợi) cũng từng có nhiều cuộc điền dã để tìm hiểu giọng nói của người làng Mỹ Lợi. "Giọng nói, từ ngữ và âm điệu đặc thù của người làng Mỹ Lợi không lai với giọng nói của ai cả mà giữ nguyên giọng nói từ làng Lương Niệm (Thanh Hóa) thuở xa xưa, khi các ngài khai canh vào dựng ấp, lập làng", ông Nhuận nói.

Làng lạ miền trung: Về làng Huế nghe giọng Quảng - Ảnh 2.

Ông Lương Thành Long, trưởng làng Mỹ Lợi, giới thiệu về làng

BẢO TỒN GIỌNG NÓI

Theo Địa chí làng Mỹ Lợi (NXB Thuận Hóa), làng Mỹ Lợi tiền thân là phường Mỹ Toàn, chính thức ra đời năm Nhâm Tuất (1562), niên hiệu Chính Trị thứ 5 thời hậu Lê. Hương phả của làng cũng chép: "Tám ngài khai canh làng ta, được sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Linh phò, tặng thêm Đoan Túc tôn thần là người làng Lương Niệm, tỉnh Thanh Hóa. Các ngài vốn trong đoàn quân sĩ, năm Chính Trị, triều Lê theo phò chúa Tiên (tức Thái tổ Gia Dụ hoàng đế triều ta, Nguyễn Hoàng) vào trấn thủ Thuận Hóa (nay là Thừa Thiên). Sau khi yên việc (quân), các ngài đã đứng đơn kê khai xin trưng phần đất ấp ta (đông giáp biển xã Mỹ Á; nam giáp Nghi Giang, Đơn Chế; tây giáp 3 xã Diêm Trường, Phụng Chánh, Lương Viện; bắc giáp biển và ấp An Bằng) đặt tên là phường Mỹ Toàn (sau đổi là ấp Mỹ Lợi) để lại đến trăm đời".

Ngoài các tư liệu trên, theo truyền khẩu của các dòng họ khai canh, xuất thân của các ngài khai canh là 8 vị trong quân đội, trấn giữ tại một ngôi nhà rộng, dài 10 gian ở khe Long để ở và làm việc. Họ tên 8 vị khai canh ghi trong sổ thờ của làng gồm: Lê Văn Dài, Trương Văn Trực, Nguyễn Văn Đẩu, Nguyễn Bá Niên (có nơi ghi Nguyễn Văn Niên), Đỗ Văn Lịch, Sào Văn Liễu, Đoàn Văn Bài, Trần Văn Nghĩ (Nghĩa). Khai canh bạ còn cho biết, họ thuộc lớp "Trung nghĩa quân", đóng góp vào công việc của Dinh Chúa, nên hậu duệ nhờ ơn đó đã được miễn sưu dịch.

Đại Nam liệt truyện (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn) cũng ghi: "Canh Thân năm thứ 3 (1560) mùa đông, đặt đồn của biển giữ miền duyên hải (bấy giờ quân Mạc thường xuyên theo đường biển vào cướp Thanh Nghệ nên phải đề phòng". Như vậy, 8 ngài khai canh của làng Mỹ Lợi vốn là một đội lính biên phòng, trấn thủ vùng cửa biển. Sau khi xong nhiệm vụ, họ đã đứng đơn xin được thành lập phường để định cư, ổn định cuộc sống.

Ông Đoàn Xua (80 tuổi), nguyên thành viên Ban nghi lễ làng Mỹ Lợi, cho hay trước đây làng có tên Mỹ Toàn, về sau đổi tên thành Mỹ Lợi mang ý nghĩa "mỹ" là tốt đẹp, "lợi" là thuận lợi, thịnh vượng.

"Làng Mỹ Lợi có một điểm đặc biệt không làng nào có. Đó là giữa làng có một nguồn nước chảy ra hai đầu. Một nhánh chảy lên và một nhánh nước chảy về. Hai nguồn nước đó bao bọc và tụ thủy tại chợ Mỹ Lợi, tạo nên điểm phong thủy riêng biệt. Địa điểm dựng đình làng cũng có hai dãy đất cát bao bọc xung quanh rất đẹp. Chính nguồn gốc xuất phát của làng từ một vùng quê Thanh Hóa vào và với địa thế làng khá đặc biệt, ít có di biến về dân cư trong suốt quá trình lịch sử nên người dân của làng đã bảo tồn được giọng nói nguyên gốc của tổ tiên", ông Đoàn Xua khẳng định.

Ông Lương Thành Long (74 tuổi), làm trưởng làng từ năm 2011 đến nay, bằng chất giọng trầm bổng na ná giọng Quảng, chậm rãi bày tỏ rằng dân làng Mỹ Lợi luôn tự hào về giọng nói của mình.

Ông Nguyễn Hải, cựu trưởng Ban nghi lễ, cũng quả quyết chính nhờ giọng nói riêng biệt này mà dù đi bất cứ nơi đâu, con dân Mỹ Lợi vẫn có thể nhận ra nhau. "Từ đó mà họ thương yêu, đùm bọc nhau hơn, yêu hơn quê hương và ngày càng nhiều người biết đến làng Mỹ Lợi hơn", ông Nguyễn Hải chia sẻ. 

(còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.