Làng mới dưới đỉnh Ngọc Linh

13/01/2018 09:06 GMT+7

Núi vặn mình khiến hàng ngàn tấn đất đá ầm ầm đổ xuống, hàng trăm hộ dân xã Trà Vân buộc phải rời ngôi làng đã từng gắn bó.

Mầm sống ở nơi mới vừa được gieo xuống, cùng hy vọng được an cư trước sự thất thường của núi.
Cuộc tháo chạy khỏi cơn giận của thiên nhiên
Từ cái ngày ngọn núi phía sau nóc Ông Tuân (thôn 2, xã Trà Vân, H.Nam Trà My, Quảng Nam) đổ sập xuống làm 4 ngôi nhà bị vùi lấp, khiến 5 người tử vong, ngôi làng yên ả suốt mấy chục năm, nay chỉ còn lại bãi đất trống với ngổn ngang bùn đất. Hơn 120 hộ dân nóc Ông Tuân và các nóc bên cạnh đã dọn ra bãi đất trống dựng lều ở tạm.
Cuộc di dân “thần tốc” đã gieo hy vọng vào người dân về một cuộc sống mới, ổn định hơn sau những tháng ngày sống trong cảnh bất an với sạt lở. Điểm mới để người dân an cư là Khe Chữ (xã Trà Vân), cách nơi ở cũ khoảng 5 km, khu vực được quy hoạch rộng hơn 36 ha. Khe Chữ nằm hun hút xa. Khuất sau màn mưa là những túp lều lụp xụp, được che tạm bằng những tấm bạt xanh. Nơi đây, có hơn 100 hộ dân đang chen chúc nhau sống giữa cánh đồng.
Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, già Nguyễn Hồng Lư vẫn còn bàng hoàng nhớ lại cái ngày khủng khiếp ấy. Già vén chiếc áo lên, chỉ vào tấm băng trắng còn quấn quanh ngực do bị thương sau lần sạt lở núi như để minh chứng cho cái ngày núi ầm ào đổ xuống. Khi hỏi về làng cũ, già Lư hướng ánh mắt bần thần về nơi đã từng gắn bó suốt hàng chục năm. Làng gần đó, nhưng giờ với họ đã xa lắm rồi. Không còn ai dám về làng. Có chăng là chỉ những thanh niên, tranh thủ khi trời hanh ráo, về lại tìm xem còn gì sót lại sau đống đổ nát có thể mang đi. Dời làng lần này, không như những lần trước. Nó là một cuộc di dân bắt buộc. Không có của nả theo kèm. Đơn thuần, đó là cuộc tháo chạy khỏi sự giận dữ của thiên nhiên.
Chúng tôi ngồi bên khung nhà vừa được dựng của vợ chồng anh Hồ Trung Thành (35 tuổi, ở nóc Ông Dương, xã Trà Vân), đây là một trong 5 ngôi nhà đầu tiên được dựng lên ở vùng Khe Chữ. Anh Thành bảo, những thứ thuộc về làng cũ sẽ thường bỏ đi, nó như một dòng ký ức buồn. Quy định của luật tục là khi đất đá đã tràn vào nhà vì sạt lở, lại thêm ám ảnh những “cái chết xấu” ở nóc Ông Tuân, nhiều người không dám dỡ nhà cũ để tái sử dụng. Nhưng với sự động viên, giải thích của cán bộ, nhiều người dân đã thay đổi suy nghĩ và chung tay cùng các cán bộ chiến sĩ dỡ khung nhà cũ ở làng để làm nguyên liệu dựng lại nhà cửa nơi vùng đất mới. “Có nhà để ở, với người dân chúng tôi là điều cần thiết lúc này, bởi cuộc sống phía trước vẫn còn nhiều bộn bề khốn khó”, anh Thành tâm sự.
Làng mới dưới đỉnh Ngọc Linh1
Bộ đội giúp dân dựng nhà ở Khe Chữ
Hướng đôi mắt về phía đỉnh Ngọc Linh, anh Thành tiếp tục câu chuyện còn dang dở của mình. So với nơi ở cũ thì khu vực Khe Chữ này địa hình bằng phẳng, xã đồi dốc, có nguồn nước suối, lại nằm cạnh đường Đông Trường Sơn đang mở nên tương lai việc đi lại sẽ thuận lợi hơn. “Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ nên việc dựng nhà mới cũng được triển khai nhanh hơn. Người dân chúng tôi đã có nhà mới kịp đón tết rồi... Có nhà mới sẽ bớt lo nhiều hơn, nhưng chắc sẽ không vui bằng so với nơi ở cũ”, anh Thành nói.
Cõng trường tạm vào khe chữ
Khi đất đá vùi lấp, thì điểm trường ở nóc Ông Tuân cũng chung số phận với biết bao ngôi nhà nơi đây. Học sinh rời trường, thầy cô giáo lại khăn gói đi theo tìm về Khe Chữ. Cái khổ chia đều, để tiếng đọc bài ê a vẫn cứ thế vang lên giữa thung lũng sâu. Giữa đại công trường, một ngôi trường tạm được dựng lên. Lớp học được quây bằng tôn, bàn ghế là những tấm ván. Thấy người lạ, những đôi mắt trong veo của lũ trẻ nhanh nhẹn liếc nhìn. Đã có sách vở mới được cấp, sau những ngày dài thiếu thốn. Tấm bảng lớn cũng được dựng lên.

Thầy Lê Châu Khánh, một người có 5 năm bám bản dạy học ở nóc Ông Tuân, cho biết để con trẻ không bị “đứt mạch chữ”, thầy Khánh lại theo chân người dân di dời về Khe Chữ. Thầy bảo, ngày đầu vào Khe Chữ, gần 30 em học tiểu học chỉ còn đúng 2 quyển sách cũ nát, vì toàn bộ sách vở đã bị vùi dưới lớp đất đá, không thì cũng bị rách ướt. Hơn 1 tuần sau, sách vở mới được chuyển vào cho các em. Sách đã có nhưng lại không có chỗ học. Căn phòng “dã chiến” của đơn vị thi công đường Đông Trường Sơn được mượn tạm làm lớp. Than làm phấn, mảnh ván làm bảng, các em vẫn đến lớp để kịp chương trình. “Sau khi xảy ra sạt lở núi thì việc học của các học sinh nơi đây bị gián đoạn. Về làng mới có 25 trẻ mầm non, phải học chung với 27 em học sinh lớp 1 và lớp 2 trong không gian chật hẹp nên việc dạy và học không đảm bảo”, thầy Khánh chia sẻ.
Cũng theo thầy Khánh, cách đây hai ngày một nhà hảo tâm đã đưa tôn, thép vào Khe Chữ để dựng trường, lớp cho gần 50 em học sinh ở thuộc hai khối mầm non và tiểu học. “Người lớn có thể quen được với khổ cực nhưng với những đứa trẻ thì cần lắm một nơi ngồi học không còn run bần bật lên vì gió lùa, mưa tạt. Chỉ mong trường tạm sớm hoàn thành để các em có chỗ học đàng hoàng, đầy đủ hơn”, thầy Khánh nhìn lũ trẻ rồi trải lòng.
Làng mới dưới đỉnh Ngọc Linh2
Những ngôi nhà mới đầu tiên được dựng lên tại Khe Chữ
Cũng lục tục theo trò vào Khe Chữ, cô Hồ Thị Ngọ, giáo viên mầm non nói với chúng tôi, để trò đến lớp đầy đủ như hôm nay, không biết bao nhiêu lần các thầy cô nơi đây phải tìm đến tận lều huy động, đưa các em trở lại lớp học. Do không có chỗ học nên 25 em mẫu giáo phải ngồi ngay bên cạnh lớp ghép 1 - 2 của thầy Khánh. Vùng cao mùa này đông rét. Mùa này trăm ngàn cơ cực. Dù trường lớp mới đang được khẩn trương thi công cách lớp học không xa nhưng với mưa gió thế này thì thầy trò xác định còn phải bám trụ nơi “dã chiến” này một thời gian dài, bởi cũng không có cách nào khác.
“Các em còn nhỏ nhưng phải chịu nhiều cực khổ, tụi em thương lắm. Tụi nhỏ nhìn vậy chứ ham học lắm, mưa lạnh tê tái nhưng vẫn không ai vắng mặt. Dù lớp tạm, lớp ghép thiếu thốn từ cái ăn, nơi nghỉ nhưng tiếng đọc bài của lũ trẻ vẫn vang theo từng tiết học”, cô Ngọ cười nói.
Trời chuyển tối nhanh. Cơn mưa ngày càng nặng hạt, cái rét như cứa vào trong da thịt. Ở phía xa, người dân đang cùng bộ đội dựng lên những ngôi nhà mới. Ở đó, hy vọng đang được gieo xuống. Đi qua nỗi ám ảnh sạt lở, Khe Chữ lặng lẽ chuyển mình từng ngày. Những ngôi nhà mới được dựng lên, là nơi cho một cuộc sống mới bén rễ từ trong gian khó. Màu đất mới, màu của hy vọng và sự hồi sinh.
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND H.Nam Trà My, cho biết mưa lũ vừa qua khiến địa phương bị thiệt hại nặng nề. Trong đó, xã Trà Vân bị thiệt hại rất nghiêm trọng, với nhiều điểm sạt lở, uy hiếp đến tính mạng người dân. Trước tình hình đó, địa phương đã di dời dân đến nơi ở mới. “Đây là cuộc di dân lớn nhất lịch sử từ trước đến nay trên địa bàn huyện, 144 hộ dân phải di dời với hơn 500 nhân khẩu. Địa phương đã hỗ trợ mỗi gia đình 50 triệu đồng xây dựng nhà mới để người dân kịp đón Tết Nguyên đán 2018”, ông Bửu nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.