Làng mứt gừng vào mùa tết

18/01/2013 10:31 GMT+7

Những ngày cuối năm, làng mứt gừng Kim Long (TP.Huế) lại bắt đầu đỏ lửa. Dù không nhộn nhịp như xưa nhưng đối với người Huế, hương vị mứt gừng Kim Long vẫn không nơi nào có được.

Làng nghề truyền thống

Vừa tới đầu xóm, mùi gừng cay cay, thơm thơm đã ngào ngạt. Vừa bưng mẻ gừng mới ra lò, chị Nguyễn Thị Nguyệt, nổi tiếng làm mứt gừng ngon, đẹp vừa nói: “Làng mứt gừng Kim Long vào vụ cuối tháng 11 m lịch. Tất cả đều làm thủ công. Đây là nghề truyền thống của làng bao đời nay”. Mỗi năm đến vụ, chị Nguyệt lại mướn 10 nhân công để sản xuất mứt phục vụ tết. Mỗi vụ như thế gia đình chị làm khoảng 5- 7 tấn. Theo chị Nguyệt, mứt gừng Kim Long ngon không chỉ nhờ bàn tay khéo léo của người thợ  mà còn nhờ vào nguồn nguyên liệu. Nguyên liệu chủ yếu được mua ở vùng Tuần, vùng đất ở thượng nguồn sông Hương. Gừng Tuần củ nhỏ nhưng chắc và thơm ngon. Con cháu trong làng, đa số ai cũng biết làm mứt gừng.

Làng mứt gừng vào mùa tết 
Thơm ngon mứt gừng Kim Long - Ảnh: Tuyết Khoa

 

Làm nghề này, đầu tắt mặt tối mà lời lãi không là bao. Nhiều người còn làm cũng chỉ vì tiếc cho cái nghề cha ông. Năm hết tết đến, ít nhiều chi cũng phải đỏ lửa ngào mứt

Ông Trương Đình Thử tâm sự

Sang lò gừng ông Trương Đình Thử, từ cổng vào nhà, hai bên chất đầy củi. Ông Thử cho biết, đó là số củi chuẩn bị để ngào mứt. Gia đình ông làm mứt đã hơn 100 năm nay, từ đời ông cố. Hơn 50 năm nay, tết nào gia đình ông cũng ngào mứt bán tết. “Đối với người Huế, ngày tết phải có lát mứt gừng ăn kèm với nước trà thì mới ra hương vị tết. Mứt gừng ở đây thường cay hơn nhiều nơi khác vì được làm rất nguyên chất. Màu gừng tự nhiên không tẩy trắng. Người dân nơi đây vẫn tự hào danh tiếng mứt gừng Kim Long”, ông Thử nói.

Níu giữ nghề tổ tiên

“Ngày xưa cả làng này, ai cũng làm mứt gừng. Mứt gừng Kim Long vào nam ra bắc. Cuối năm, nhà nào cũng tất bật đến khuya. Nhưng giờ chỉ có 6 gia đình làm thôi. Ai cũng bỏ hết. Đến hết đời tui không biết còn ai làm không. Nghĩ mà buồn mà tiếc!”, chị Nguyệt nói. Chị Nguyệt cho biết, gia đình chị duy trì được nghề tổ tiên ổn định là nhờ có nhiều mối hàng thường xuyên. Mấy năm nay, ngoài bỏ mứt cho các mối lái, người quen, chị có khách hàng lớn là siêu thị Thuận Thành. Mỗi mùa tết chị kiếm chừng 10-15 triệu. Hiện nay, nhiều địa phương cũng sản xuất mứt gừng như huyện Phong Điền, Hương Trà…nên nhiều lúc không có đầu ra.

Theo ông Cao Minh Sơn, Phó chủ tịch phường Kim Long, làng mứt Kim Long có uy tín và nổi tiếng bao đời nay. Không như những nghề khác, nghề mứt gừng ở đây làm theo mùa vụ, đa số chỉ làm bán tết. Nhưng làng nghề đang có nguy cơ mai một mặc dù dân làng Kim Long đã nỗ lực níu giữ nghề tổ tiên. Chính quyền địa phương đã tạo cơ hội để các hộ vay vốn sản xuất. Lý do vì sự xâm nhập của mứt gừng từ nhiều, giá thành thường rẻ hơn, mẫu mã đẹp hơn vì sản xuất công nghiệp. Còn mứt Kim Long, giá thường cao. Trung bình 1 kg mứt gừng Kim Long có giá khoảng 50.000 đồng. Mặc khác, hiện nay, thói quen dùng mứt gừng đang ít dần. Vì thế nhiều hộ làm ra không có thị trường nên họ dần dần không mặn mà gì với nghề này nữa.

Tuyết Khoa

>> Mứt Trí Đức food - ấm áp vị ngọt ngày xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.