Theo ông Thắng, lớp thợ trẻ bây giờ không chỉ giỏi nghề, giữ nghề và có trọng trách truyền nghề ông cha để lại cho các thế hệ sau mà còn phải biết phát huy mạnh mẽ lợi thế của làng nghề, tạo sự khác biệt trong từng sản phẩm.
Từ suy nghĩ này cộng với kỹ thuật, công nghệ nấu đồng, pha chế hợp kim, tạo khuôn đúc... ông Thắng và các thợ lành nghề ở Phước Kiều lần lượt cho ra đời nhiều sản phẩm độc, lạ như trống đồng, súng thần công, đồng hồ nước, đài phun nước, chuông đồng, chiêng đồng. Thậm chí, họ chế tác cả những chóp đồng lớn nặng hàng tấn.
Thử thách đầu tiên đối với thợ làng đúc Phước Kiều khi “dấn thân” vào những sản phẩm “kỷ lục” phải kể đến chiếc đồng hồ nước cao 2,5 m, đường kính rộng nhất 1,2 m, nặng hơn 500 kg.
“Làm thế nào để hoàn thành đúng cam kết với khách hàng và đặc biệt cho chiếc đồng hồ nước chạy đúng giờ là thử thách lớn đối với tay nghề thợ đúc Phước Kiều”, ông Thắng nhớ lại.
Nhưng cũng chính sự thành công của sản phẩm này, mà thợ đúc Phước Kiều tự tin hơn khi “đối mặt” với những sản phẩm khác còn gian nan hơn trong khâu chế tác.
Bởi kế tiếp đó, họ hoàn thành biểu tượng 12 con giáp bằng đồng, mỗi con cao hơn 1 m; chiếc lư đồng dài 1,8 m, cao 1,5 m, nặng 1,5 tấn với nhiều hoa văn độc đáo cũng được nghệ nhân Phước Kiều chuyển giao cho khách hàng.
|
Tiếng lành đồn xa, những đơn hàng “khủng” với yêu cầu cao về độ tinh xảo, sử dụng nhiều tấn hợp kim đồng được ký kết. “Sau 6 tháng trời ròng rã dưới nắng mưa, tạo khuôn, làm nguội, hơn 20 nghệ nhân và thợ lành nghề ở làng đúc Phước Kiều đã hoàn thiện đài phun nước nghệ thuật 3 tầng hình đài sen cao 4 m, nặng 5 tấn cho một đối tác mang vào tận Phú Quốc trang trí cho một khu nghỉ dưỡng 5 sao”, ông Thắng tự hào kể.
Với ông và các cộng sự, họ cảm thấy sung sướng nhất khi đúc 2 khẩu súng thần công kèm xe đẩy bằng hợp kim đồng có tổng trọng lượng 3,6 tấn. Riêng 2 khẩu thần công nặng 3 tấn, được chạm khắc hoa văn, họa tiết cực kỳ ấn tượng.
Tiếp nối truyền thống gia đình với kỹ thuật làm cồng chiêng, thanh la và khả năng thẩm âm độc đáo, ông Dương Ngọc Dũng (một nghệ nhân khác ở làng đúc Phước Kiều) cũng góp công lớn trong việc đúc cặp cồng chiêng đường kính 2,2 m, hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Đắk Lắk.
|
Ông Dương Ngọc Thắng cho rằng sản phẩm đạt “kỷ lục” và hết sức tinh xảo thực hiện bởi bàn tay điêu luyện của nghệ nhân Phước Kiều được tín nhiệm.
Bình luận (0)