Đây là tập sách phác họa những nét cơ bản nhất “bộ mặt” văn nghệ của An Giang hiện nay, nhất là đội ngũ những cây viết nữ. Trong Lắng nghe hoa nở, người đọc sẽ nhận thấy sự kế thừa và phát triển, những đóng góp nhất định của đội ngũ các cây bút nữ nói riêng đối với sự phát triển của văn học tỉnh nhà.
Với một lực lượng sáng tác khá đông đảo thuộc nhiều thế hệ nối tiếp ở An Giang, một số tên tuổi, tác phẩm có giá trị đã từng bước khẳng định được chỗ đứng và vị thế trên văn đàn. Những cái tên như: Nguyễn Lập Em, Lê Thanh My, Trương Thị Thanh Hiền, Võ Diệu Thanh, Nguyễn Ngọc Đào Uyên, Hoàng Thị Trúc Ly... được nhiều bạn văn biết đến. Nhưng cũng có những cái tên có thể còn xa lạ với bạn đọc vì mới xuất hiện, hoặc vì lâu nay họ chỉ lặng lẽ viết để ghi lại cảm xúc buồn vui của chính mình mà chưa có dịp để công bố. Giờ đây, họ lại được ngồi “chung chiếu”, không phân thứ bậc thấp cao để bày tỏ nỗi niềm trên trang viết; bằng tình cảm hồn hậu, chân thành và tôi gọi đó là “lời tự tình của những trái tim yêu”.
43 gương mặt trong Lắng nghe hoa nở là 43 cách thể hiện khác nhau tạo nên sự đa dạng, đa thanh. Và họ gặp nhau ở chữ “tình”, cái tình của những người đàn bà muốn được sẻ chia, muốn được giãi bày, “trút xả” để lòng mình, hồn mình được “thanh thản”. Bởi ít ra cũng có người lắng nghe, có người đồng cảm và thấu hiểu.
Lắng nghe hoa nở không chỉ có giá trị về nội dung - nghệ thuật mà điểm đặc biệt là quy tụ được nhiều những cây viết nữ của tỉnh An Giang. Họ được “gặp nhau”, được đứng ngang hàng nhau, không phân biệt sự nổi danh hay không nổi danh để cùng cất lên tiếng nói từ chính trái tim mình. Các cây bút nữ với những khát vọng, mơ ước, suy tư, trăn trở của bản thân và ý thức trách nhiệm của một người công dân trước thời cuộc. Những đóng góp của họ, dù ít dù nhiều cũng rất đáng được trân trọng, bởi họ đang cố gắng kiếm tìm để làm nên một diện mạo mới cho văn chương Việt đương đại.
Đọc các bài viết trong tập sách và thông tin từng tác giả, có thể thấy đội ngũ người viết nữ đông đảo và ngày càng xuất hiện nhiều cây bút trẻ có bản sắc, nhiều triển vọng. Họ khao khát sáng tạo, khát vọng lao động nghệ thuật, bắt nhịp với hơi thở đương đại và muốn khẳng định mình trong thời đại mới. Bên cạnh những đề tài cũ, thể loại cũ, các cây bút đi sâu khám phá, khai thác đời sống nội tâm cá nhân phức tạp, bí ẩn và đầy bất trắc.
Điểm nổi bật trong Lắng nghe hoa nở là yếu tố vùng miền được thể hiện rõ nét. Các tác giả đa phần là những người sinh ra, lớn lên, học tập, công tác tại An Giang nên trong tác phẩm cũng đều mang hơi thở của vùng đất này. Việc sử dụng phương ngữ, các hình ảnh, bối cảnh không gian, yếu tố văn hóa... mang đậm chất miền Tây .
Dưới những tác động của cơ chế thị trường, trong xã hội hiện đại người ta dường như ít người quan tâm và không còn mặn mà với văn chương. Vậy mà ở một tỉnh như An Giang lại có nhiều người yêu văn chương đến thế. Lực lượng các cây bút nữ sung sức và hoạt động khá sôi nổi. Ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thành lập được câu lạc bộ Văn thơ nữ nên điều này lại thuận lợi hơn so với nhiều tỉnh trong khu vực và cả nước. Tập hợp được một đội ngũ sáng tác nữ đã khó, có tác phẩm để in thành tuyển tập lại càng khó hơn. Vì thế Lắng nghe hoa nở là sự cố gắng đáng được ghi nhận của các cây bút nữ và những người tổ chức bản thảo để in ấn. Chữ “tình”, sự nhiệt huyết, đam mê “dấn thân” với văn chương đã làm nên giá trị và sự thành công của tập sách này.
Bình luận (0)