Mỗi ngày, từ làng Nghi An (P.Hòa Phát, Q.Cẩm Lệ) hơn 39 tấn giá sạch được thương lái đưa đi tiêu thụ khắp các chợ ở Đà Nẵng, Quảng Nam.
Từ khi quay về với nghề làm giá đỗ, kinh tế gia đình anh Hưng ổn định hơn - Ảnh: An Dy
|
“Thuở ấy đất rộng, người thưa. Chỉ việc ra bãi đất trống, khoanh lại và đào từng hục đất nhỏ cỡ 40x60cm, sâu 20cm sau đó bỏ đậu xanh, trộn đất và lấp lại. Mỗi ngày 2 lần gánh nước ngọt thanh sạch ở giếng nước trong làng tưới đều xuống. Cứ như vậy 4 ngày sau là giá lớn, mỗi cọng dài 15-20 phân. Cứ ủ 2 ký đậu sẽ cho ra được 15 ký giá. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch giá xong thì phải gánh đất đổ đi và dùng đất mới để làm lứa khác”, ông Dương Thế Trung, con trai cụ Trịnh Thị Nhàn - người khai sinh làng giá cho biết.
Đến khi đất sản xuất thu hẹp dần, người làng bắt đầu cưa thùng phuy và đổ đất vào tiếp tục trồng giá. Nghề truyền thống vẫn được duy trì, cho đến khi QL1 được nâng cấp, gặp khó khăn trong việc vận chuyển đất, nhiều hộ sản xuất cầm chừng rồi cũng bỏ nghề. Đứng trước nỗi lo thất truyền, nhất là không thể phụ công truyền nghề của mẹ, ông Dương Thế Trung, đã vào TP.HCM học trồng giá trong hũ. “Môi trường trong hũ sành khác hoàn toàn với môi trường ngoài đất nên yếu tố sát khuẩn bằng nước vôi rất quan trọng. Đây cũng là quy trình chứa nhiều yếu tố bí truyền của làng giá Nghi An để cho ra những cọng giá chắc khỏe, trắng đều. Đó là những bí quyết được truyền lại từ đời cụ, đến đời tôi, để con cháu còn có cái nghề mà nuôi nhau”, ông Trung cho biết.
Anh Dương Thế Trọng Hưng (37 tuổi, có 2 bằng đại học) và vợ mỗi ngày xuất bán 300kg, thu về 60 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí, thu nhập mỗi người chừng 7-9 triệu đồng/tháng. “May mà còn có nghề của bà, lúc nào chúng tôi cũng trân quý nhất cái nghề mà bà nội để lại. Nhờ nghề làm giá mà ở làng Nghi An, bao nhiêu gia đình được đảm bảo cuộc sống, những đứa trẻ được đến trường. Thử qua đủ thứ nghề nhưng giờ chúng tôi lại sống được bằng chính cái nghề đã nuôi mình lớn lên”, anh Hưng tâm tư.
Điều đặc biệt, là ở làng Nghi An, không riêng gì vợ chồng anh Hưng mà có rất nhiều cậu cử, cô cử sau khi bôn ba khắp nơi không sống được với nghề mình chọn đành quay về với nghề chọn mình, nghề giá truyền thống. “Nghề này tuy vất vả nhưng đầu ra và thu nhập ổn định. Cứ theo “cầu” mà “cung”. Thị trường cần bao nhiêu, thương lái đặt bao nhiêu mình sản xuất bấy nhiêu, họ mua hết. Ở làng Nghi An có 16 hộ làm giá, hộ ít nhất cũng xuất được 300 ký, hộ nhiều nhất chừng 1200 ký giá đỗ mỗi ngày. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 5-7 triệu đông/tháng”, ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc HTX giá Nghi An cho biết.
Bình luận (0)