Lắng nghe người trồng lúa

20/11/2022 06:13 GMT+7

Bạn đọc Báo Thanh Niên mong các nhà khoa học, các chuyên gia, lãnh đạo Bộ NN-PTNT và các tỉnh thành có thêm giải pháp nâng cao thu nhập của người trồng lúa.

Nhiều vấn đề nóng bỏng về phát triển kinh tế vùng ĐBSCL được các chuyên gia đặt ra tại Hội thảo “Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa” do Báo Thanh Niên phối hợp với tỉnh Đồng Tháp tổ chức ngày 18.11.

Tiếp nhận rất nhiều đóng góp, hiến kế, giải pháp từ hội thảo thông qua hàng loạt bài viết trên Thanh Niên, bạn đọc (BĐ) Nghia Le Thanh chia sẻ tâm tư: “Chúng ta muốn phát triển cây lúa thì phải biết lắng nghe ý kiến của người nông dân. Định hướng phải kèm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người trồng lúa. Hiện nay, người nông dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp nói chung hay sản xuất lúa nói riêng một phần là do giá sản phẩm đầu ra thấp, một phần chi phí sản xuất quá cao, nhất là giá phân bón. Đáng lo nhất là có nơi người nông dân chấp nhận bỏ đất cỏ mọc để nuôi bò rồi đi phụ hồ kiếm sống, chứ không chịu làm lúa”.

ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất nước, nhưng nông dân trồng lúa hầu hết thu nhập chưa cao

Công Hân

Bài toán khó cần lời giải

Câu chuyện chi phí cao, giá bán thấp khiến người nông dân không còn mặn mà với cây lúa một lần nữa được nhắc đến. BĐ hoangcuulong4082 phân tích: “Với giá lúa hiện tại, lợi nhuận trên 1 ha trồng lúa quá thấp, nhiều lúc còn lỗ luôn. Tiền đổ vào phân bón với thuốc bảo vệ thực vật hết. Người nông dân giờ đau đầu khi nghĩ đến trồng lúa lâu dài. Nếu có cơ hội, họ chuyển qua làm vườn hoặc nuôi cá. Đó là thực tế hiện nay ở nhiều nơi ĐBSCL”. Cũng chính BĐ này đánh giá việc giải quyết các bất cập “để giúp người nông dân tránh khỏi cảnh đang làm giàu cho các doanh nghiệp phân bón và thuốc bảo vệ thực vật mà chưa có cơ hội làm giàu cho mình, là một bài toán khó”.

Như Thanh Niên từng đề cập, lợi nhuận vụ đông xuân 2020 - 2021 của người trồng lúa là 29,1 triệu đồng/ha; nhưng cùng kỳ năm nay chi phí vật tư tăng cao đã khiến lợi nhuận nông dân giảm mạnh, chỉ còn 18,2 triệu đồng/ha. Lợi nhuận người trồng lúa giảm 11 triệu đồng/ha vì chi phí tăng. “Tại sao nông dân trồng lúa nước mình chưa làm giàu được? Có phải chỉ đơn giản vì giá thành sản xuất cao, giá vật tư nông nghiệp tăng?”, câu hỏi của BĐ Han Mai cũng là câu hỏi chung của đa số BĐ.

Mô hình “con cá, con tôm ôm cây lúa”

Trong ý kiến đóng góp gửi đến Hội thảo “Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận xét từ nhiều năm nay, ngành lúa gạo chạy theo tư duy sản xuất “lấy sản lượng làm mục tiêu” và làm mọi giải pháp để tăng sản lượng lên, nhưng điều này không đồng nghĩa giúp người dân tăng thu nhập, thậm chí là đi ngược lại. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng “chúng ta phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Đó là chiến lược”.

Tán thành với bộ trưởng, nhiều BĐ nhắc đến kinh nghiệm “đi trước thời đại từ lâu” của người nông dân là hình ảnh “con cá, con tôm ôm cây lúa” từng được xem như một phong trào tiên phong. BĐ Duy Long góp ý: “Ý kiến của riêng tôi là làm lúa không nhất thiết làm 3 vụ, 2 vụ mà cần gắn cây lúa với con cá đồng hoặc tôm càng xanh, như thế thì kinh tế bà con sẽ phát triển hơn”.

“Theo tôi, không nên nơi nào cũng trồng 3 vụ lúa/năm vì sẽ làm đất đai thoái hóa, ô nhiễm do sử dụng phân thuốc nhiều, làm giá phân thuốc tăng cao lại giảm chất lượng gạo dẫn đến lợi nhuận thấp, có khi lỗ. Nếu làm lúa 2 vụ sẽ sử dụng ít phân thuốc hơn, từ đó giá vật tư sẽ dần giảm lại, lúa làm ra chất lượng sạch, bán được giá cao, lợi nhuận tăng lên”, BĐ Mau Mau nêu khái quát giải pháp.

Cần có những giải pháp phù hợp, linh hoạt hơn cho vùng đất nông nghiệp ĐBSCL. Làm sao để nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Vũ Phạm

Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam xuất khẩu toàn cầu, nhất là với lúa gạo, trái cây nhiệt đới. Qua đó nâng cao giá trị nông sản Việt Nam, người nông dân bán được hàng giá cao, lợi nhuận nhiều hơn.

Phuc Truong Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.