Làng nghề ở TP.HCM mùa tết: Làng nhang Lê Minh Xuân 100 năm tuổi

13/01/2025 08:45 GMT+7

Cách trung tâm TP.HCM 30 km, làng nhang Lê Minh Xuân vào những ngày cận tết khoác lên mình sắc màu đỏ rực. Gần 100 năm qua, làng nghề không chỉ lưu giữ giá trị văn hóa mà còn mang lại sinh kế cho hàng trăm người dân.

Chúng tôi đến làng nhang Lê Minh Xuân vào một chiều cuối năm, không khí tết tràn ngập khắp nơi trong làng. Những bó nhang đỏ rực rỡ xen với tiếng máy se nhang rền vang tạo nên một khung cảnh rộn ràng.

Tuổi đời hơn trăm năm

Làng nhang Lê Minh Xuân trải dài từ hướng chùa Thanh Tâm (chùa Phật Cô Đơn) đến Khu di tích Láng Le - Bàu Cò với hơn 350 hộ gia đình, cơ sở làm nhang.

Đây là làng nghề ở TP.HCM có tuổi đời lâu nhất và là một trong những cơ sở sản xuất nhang lớn nhất khu vực Nam bộ. Năm 2014, mô hình này đã được công nhận là làng nghề se nhang xã Lê Minh Xuân.

Theo nhiều tư liệu, nghề nhang có nguồn gốc từ người Hoa di cư đến Việt Nam. Trước đây, những khu vực làm nhang nổi tiếng ở TP.HCM tập trung chủ yếu ở Q.5, Q.6 với các hãng nhang nổi tiếng như Lưu Hiệp Thành, Trương Kim Nhung, Trung Kim Thành… Kể từ sau năm 1980, họ đã di dời đến những vùng ven để sinh sống và phát triển nghề.

Làng nghề ở TP.HCM mùa tết: Làng nhang Lê Minh Xuân 100 năm tuổi- Ảnh 1.

Bà Bụi Thúy gắn bó với nghề se nhang hơn 30 năm

ẢNH: THÁI THANH - HOÀI NHIÊN

Dừng chân tại cơ sở sản xuất nhang của bà Nguyễn Cát Bụi Thúy (48 tuổi), chúng tôi được chào đón bằng nụ cười hiền hậu của một người phụ nữ đã gắn bó với nghề hơn 30 năm. 

Bà Thúy chia sẻ: "Cứ vào dịp cuối năm, xưởng hoạt động hết công suất để đáp ứng cung cấp hương ra thị trường. Chúng tôi không có ngày nghỉ, nhưng ai cũng vui vì nhờ có nghề mà họ có cái tết đủ đầy hơn".

Cơ sở sản xuất nhang của bà Thúy được người dân địa phương đánh giá có quy mô bậc nhất Sài thành. Để gây dựng được xưởng nhang như hiện tại, bà Thúy đã trải qua biết bao lần thất bại và nỗ lực gom góp từng đồng lời để mua máy móc. 

Toàn bộ cơ sở của bà có khoảng 40 nhân công làm tại xưởng và 50 nhân công làm tại nhà. Mỗi ngày, cơ sở này sản xuất hàng ngàn thiên nhang (mỗi thiên gồm 1.000 cây nhang).

Làng nghề ở TP.HCM mùa tết: Làng nhang Lê Minh Xuân 100 năm tuổi- Ảnh 2.
Làng nghề ở TP.HCM mùa tết: Làng nhang Lê Minh Xuân 100 năm tuổi- Ảnh 3.

Nhiều người dân ở làng nhang Lê Minh Xuân làm việc ngày đêm dịp cận tết 

ẢNH: THÁI THANH - HOÀI NHIÊN 

Tết về trên từng con đường, hẻm nhỏ: Rộn ràng không khí chuẩn bị ở TP.HCM, Đà Nẵng

Bà Thúy là người trực tiếp dạy nghề làm nhang cho tất cả nhân công. Bà kể, trước đây người dân tại làng Lê Minh Xuân chủ yếu sống bằng nghề trồng mía, nhổ cỏ nên cuộc sống rất bấp bênh. Xuất phát từ khốn khó, hơn ai hết, bà Thúy hiểu sự vất vả của bà con nên đã dạy nghề và nhận họ làm nhân công tại xưởng.

"Các cô chú ở xưởng phần lớn là người lớn tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Họ không có nghề nghiệp ổn định, chủ yếu sống dựa vào việc trồng mía, nhổ cỏ. Tôi may mắn được mẹ truyền nghề nên muốn dạy lại cho bà con ở làng cách se nhang… Từ đó, dần dần trong làng ai cũng biết làm nhang", bà Thúy tâm sự.

Để tạo ra một nén nhang thơm, bà Thúy cho biết, người thợ cần có bí quyết. Họ phải là người yêu nghề và hiểu rõ công thức tinh chế và nhào trộn. Từ đó, tạo nên các hương đặc hiệu riêng biệt như hương trầm, hương bách tùng, hương quế…

Làng nghề ở TP.HCM mùa tết: Làng nhang Lê Minh Xuân 100 năm tuổi- Ảnh 4.

Hiện nay nhang đã được se bằng máy nên người dân đỡ vất vả hơn trước

ẢNH: THÁI THANH - HOÀI NHIÊN

Bà Thúy chia sẻ, ngày trước, người thợ se nhang theo phương pháp thủ công. Mỗi ngày, một người thợ chỉ tạo ra khoảng 10 thiên nhang. Tuy nhiên, hiện nay với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, người thợ làm nhang đã đỡ bớt cực nhọc và tăng năng suất gấp nhiều lần.

Chúng tôi hỏi, vì sao bà chọn gắn bó với công việc làm nhang, bà Thúy im lặng một hồi lâu và nói đó là duyên số: "Tôi yêu nghề này vì đây là nghề mà mẹ tôi truyền lại. Nhờ vào việc se nhang, tôi nuôi được các em nên người. Đây cũng là cái duyên số để tôi đến với nghề và truyền dạy cho bà con ở làng để họ thoát cái nghèo, cái khổ…"

Đến đây, chúng tôi phần nào hiểu được, người dân ở làng Lê Minh Xuân không chỉ sống bằng nghề nhang mà còn mang trong mình niềm tin tự hào về truyền thống của làng. Từ những hộ gia đình nhỏ lẻ đến cơ sở quản lý có quy mô lớn, mỗi người đều góp phần lưu giữ và phát triển nét đẹp văn hóa của vùng miền.

Phát triển làng nhang gắn với du lịch

Hiện nay, làng nghề làm nhang Lê Minh Xuân không chỉ mang đến nguồn thu nhập cho người dân mà còn trở thành một điểm đến đầy hứa hẹn cho khách du lịch. Đến nay, đây đã trở thành làng nghề có đóng góp hết sức quan trọng trong ngành sản xuất nhang Nam Bộ.

Hiện nay, nhang Lê Minh Xuân đều được làm từ máy móc, người dân chỉ làm thủ công ở một số công đoạn cuối như phơi hay đóng gói nhang. 

Tìm đến nhà của bà Quỳnh Văn Khuê (51 tuổi), một người thợ se nhang ở Lê Minh Xuân, chúng tôi được biết, cận tết, làng nhang tấp nập khách du lịch và người trẻ đến quay phim, chụp hình.

Làng nghề ở TP.HCM mùa tết: Làng nhang Lê Minh Xuân 100 năm tuổi- Ảnh 5.

Bà Khuê cho biết, tùy theo loại và chiều dài cây nhang, giá sẽ dao động từ 27.000 - 47.000 đồng/thiên nhang

ẢNH: THÁI THANH - HOÀI NHIÊN

Dường như đã quá quen với ống kính, bà Khuê dặn dò chúng tôi: "Phải chụp hình lúc tôi đang làm việc thì mới tự nhiên và không gượng gạo". Bà Khuê làm nhang ngót nghét 30 năm, trong nhà chỉ có một mình bà và một máy bắn nhang duy nhất, hoạt động hết công suất ngày đêm.

"Hồi trước làng nhang chúng tôi chỉ tập trung vào sản xuất, đa số khách mua đều là mối quen biết từ lâu. Nhưng hiện nay, nhiều hộ gia đình có con cái hiểu biết công nghệ nên hỗ trợ đăng lên mạng xã hội. Từ đó mà nhiều người biết đến, còn trực tiếp đến đây để chứng kiến công đoạn sản xuất. Nhang của tôi làm là nhang thô, nhiều mối lái mua về rồi tự tẩm thêm mùi hương và đóng gói bao bì độc quyền", bà Khuê nói, tay vẫn thoăn thoắt bó những thiên nhang lại rồi xếp vào bao.

Làng nghề ở TP.HCM mùa tết: Làng nhang Lê Minh Xuân 100 năm tuổi- Ảnh 6.
Làng nghề ở TP.HCM mùa tết: Làng nhang Lê Minh Xuân 100 năm tuổi- Ảnh 7.

Nhang thô sẽ được bó thành từng thiên để bỏ mối sỉ khắp nơi 

ẢNH: THÁI THANH - HOÀI NHIÊN 

Bà Khuê tâm tình thêm, làng nhang Lê Minh Xuân giống như chiếc cầu nối, giúp chuyển tải những lời thỉnh cầu, ước nguyện của người dân đến với tổ tiên, trời phật. Hòa vào dòng phát triển chung, hiện nay, số hộ làm nhang ở làng không còn nhiều như trước. Nhưng đổi lại là có thêm nhiều xưởng nhang với quy mô lớn được xây dựng.

Riêng bà Khuê thì làm nhang chỉ để đủ ăn, đủ mặc, hơn hết là bà được làm công việc mình yêu thích. Bà chia sẻ, khi đã có tuổi, con cái khuyên bà nên nghỉ ngơi an dưỡng nhưng bà một mực không chịu. 

Bà cười nói: "Ở không buồn chân buồn tay, lại không có tiền. Tôi làm nhang một mình, không áp lực thời gian, số lượng gì cả, thấy mình khỏe bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Bây giờ chủ yếu bán cho mối quen, những người hay mua nhang về bán lẻ quanh đây, không ai là không biết đến tôi".

Dẫn lối cho chúng tôi đến khu vực sân phơi, bà Khuê chỉ tay vào những bó "hoa nhang" đều tăm tắp rồi nói, đây chính là nơi chụp hình đẹp nhất khi đến làng nhang. Những thiên nhang khi phơi sẽ được xòe ra như bông hoa, để đảm bảo đều và lên màu cho đẹp. Phơi nhang phải chăm quan sát thời tiết, vì trời mưa thì nhang sẽ hỏng, còn nếu không đủ ánh nắng thì nhang sẽ ngả màu thâm, không tươi đều.

Làng nghề ở TP.HCM mùa tết: Làng nhang Lê Minh Xuân 100 năm tuổi- Ảnh 8.

Những bó nhang được người dân phơi dưới ánh nắng để lên màu đẹp và chuẩn

ẢNH: THÁI THANH - HOÀI NHIÊN

Dịp Tết Nguyên đán, trên bàn thờ gia tiên không thể thiếu đi mâm ngũ quả và nén nhang để bày tỏ lòng thành kính. Đó cũng là một trong những giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc đang được người Việt bảo tồn, gìn giữ. Những người thợ làm nhang ở Lê Minh Xuân đã góp phần lưu giữ nét đẹp truyền thống này, đặc biệt là dịp lễ tết và những hoạt động tín ngưỡng khác.

Càng về chiều, khung cảnh làng nhang Lê Minh Xuân càng thêm rực rỡ trong ánh nắng hoàng hôn. Chúng tôi rời làng khi những bó nhang đã được sắp xếp gọn gàng để chuẩn bị giao đi khắp nơi, mang theo sắc đỏ và hương thơm đặc trưng của làng nhang Lê Minh Xuân đến từng gia đình trong dịp tết sum vầy.

Vừa qua, Sở Du lịch TP.HCM đã công bố làng nhang Lê Minh Xuân là một trong 10 điểm check in thú vị ở TP.HCM. Do quy mô làng nghề có chiều hướng thu hẹp dần nên việc xây dựng làng se nhang trở thành điểm du lịch có thể góp phần bảo tồn làng nghề và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.