Tuy không phải là một làng nghề chính thống nhưng từ lâu, nơi đây đã được thị dân quen gọi là làng trồng rau nhút. Tận dụng những ao nước để không, cải tạo ruộng xấu, nhiều người tứ xứ tìm về đây và mưu sinh bằng cách trồng rau. Tuy cực nhọc, vất vả, thức khuya dậy sớm nhưng công việc này đã mang đến cho họ nguồn thu nhập ổn định, chăm lo cho gia đình.
Không có ngày nghỉ tết
Đến phường Thạnh Xuân từ sáng sớm, chúng tôi theo chân những người “nông dân thành phố” đi hái rau nhút. Những cây rau nhút xanh non được người dân hái rồi quăng lên sát bờ để sơ chế ngay tại chỗ. Ở đây, mọi người phân chia công việc cho nhau theo từng công đoạn, người hái, người sơ chế, người chất lên xe. Theo lời họ thì làm như vậy để kịp mang rau đi bỏ mối, tránh để trời trưa nắng lên cao, rau sẽ bị héo vài phần.
Trầm mình dưới nước, ông Nguyễn Văn Bốn (49 tuổi) với giọng lên nói với chúng tôi: “Rau nhút là loại rau có rễ nằm sâu dưới nước, còn thân rau thì mọc bò trên mặt nước. Loại này sinh trưởng tốt trong thời tiết nắng nóng, ít mưa, cứ tầm 10 ngày là có thể thu hoạch. Rau nhút được dùng làm nguyên liệu cho nhiều món ăn, nhất là các món lẩu, canh chua, canh cá… vì có mùi thơm đặc trưng. Nhưng với ai ăn lần đầu có thể sẽ không quen và cảm thấy mùi vị hơi hắc trong cổ họng”.
Theo ông Bốn, nghề trồng rau nhút ở khu vực Q.12 hình thành theo kiểu người trồng trước chỉ cho người trồng sau, dần dần nơi đây trở thành “làng rau nhút”. Ở TP.HCM, hầu như chỉ có nơi này là trồng được nhiều rau nhút do tính chất của đất và có nhiều ao ruộng.
Ông Bốn gắn bó với nghề trồng rau nhút từ năm 2002. Thời gian đầu, vì không có ruộng đất nên ông đi làm thuê cho người ta. Vài năm sau để dành được một số vốn nên thuê 3 mẫu đất trống rồi tự trồng rau nhút mưu sinh.
Người đàn ông tâm sự, nghề trồng rau nhút rất vất vả vì quanh năm trầm mình dưới nước, không có ngày nghỉ tết, nghỉ lễ. Càng vào mùa lễ hội, nông dân lại càng phải làm việc ngày đêm để kịp cung ứng rau cho các chợ đầu mối, nhà hàng, khách sạn tiệc cưới…
Hiện nay, rau nhút đã qua sơ chế được bán với giá từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg, tùy theo độ to, nhỏ. Trung bình mỗi ngày, ông Bốn thu hoạch được tầm 30 - 50 kg, mùa cao điểm thì có thể lên đến 100 kg.
“Nông dân chúng tôi bây giờ chỉ mong thời tiết cận Tết Nguyên đán thuận lợi để có rau bán. Rau nhút nếu gặp mưa dài ngày sẽ bị chết nên nhà nông cũng lo lắng. Tuy nhiên, đợt này khi an toàn giao thông siết chặt, các quán nhậu hay lấy rau chỗ tôi vắng khách nên cũng giảm số lượng đáng kể. Năm nay kinh tế lại khó khăn, nhìn chung thu nhập của bà con đã giảm nhiều so với các năm trước”, người đàn ông nói.
So với trồng lúa hay các loại nông sản khác thì trồng rau nhút có phần vất vả hơn vì phải ngâm mình dưới nước liên tục. Nhưng đổi lại, loại rau này mang đến thu nhập cho người dân đều đặn, không cần theo mùa vụ.
Kéo một tảng rau nhút dài vào sát bờ, ông Bốn tháo nón và dừng lại ít phút để nghỉ ngơi. Ông cười nói: “Làm nghề này thì không mong mùa tết, vì tết cũng phải đi làm, cùng lắm, chúng tôi chỉ nghỉ ngày 30, mồng 1. Vì rau nhút để lâu không hái sẽ bị hỏng, mà hỏng một đám thì sẽ lan dần ra các đám rau xung quanh”.
Mẹ trồng rau nhút, con đến giảng đường
Chúng tôi dừng lại ở ruộng rau nhút của bà Lê Thị Nga (52 tuổi), người có thâm niên hơn 20 năm trong nghề. Ngồi sát bờ sơ chế đống rau nhút, bà Nga tự hào kể với chúng tôi rằng công việc này đã giúp bà nuôi con học hành đến nơi đến chốn.
Bà Nga quê ở Bắc Giang, vào Nam sinh sống từ thời con gái. Gắn bó với ruộng rau nhiều năm, bà nói mình yêu và hạnh phúc khi được làm công việc này. “Nghề này vất vả, khó làm giàu, chỉ vừa đủ sống nhưng tôi vẫn vui. Vì được làm công việc tự do, tự mình làm chủ, hôm nào mệt thì mình nghỉ chứ không phải lo lắng chuyện chấm công. Thân con gái ngâm mình dưới nước dài ngày nên lúc trước tay, chân tôi thường bị phồng rộp, ngứa ngáy. Về sau khi lấy chồng, chồng tôi đảm nhận việc hái rau còn tôi chỉ ngồi trên bờ để sơ chế”, bà Nga nói.
Trừ đi các chi phí, công chăm sóc, thu hoạch, mỗi tháng gia đình bà Nga thu nhập được hơn 10 triệu đồng từ công việc trồng rau nhút.
Tay thoăn thoắt sơ chế rau, bà kể với chúng tôi bằng vẻ mặt đầy hãnh diện: “Đứa con lớn của tôi nay là sinh viên, giỏi giang và thương ba mẹ nhiều. Vợ chồng tôi vất vả cả đời, chỉ mong con được học hành đàng hoàng, tử tế, về sau có công việc nhẹ nhàng. Làm nông dân vất vả nên tôi nhất quyết không để con cái phải khổ như mình. Chúng tôi chịu khó làm thêm vài giờ để con có được tương lai tươi sáng hơn”.
Theo bà Nga, nghề trồng rau nhút không khó nhưng phải chịu khó chăm sóc. Những ngày không thu hoạch, nhà nông cũng phải vớt bèo, bón phân, nhặt rau chết.
Thời điểm TP.HCM vào mùa mưa, công việc trồng rau nhút lại càng thêm nhọc nhằn. Tết đến xuân về, người dân mong ngóng một mùa rau bội thu, bán được nhiều để sắm sửa chút kẹo bánh, bộ quần áo mới hay sơn sửa lại ngôi nhà.
Bình luận (0)