Làng nghề truyền thống vào vụ tết: Nhộn nhịp làng bún Tiến Vua

24/01/2024 07:26 GMT+7

Làng nghề truyền thống bánh, bún An Thái (xã Nhơn Phúc, TX.An Nhơn, Bình Định) tồn tại hàng trăm năm qua, được thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau trong từng gia đình người dân nơi đây. Dịp cận Tết Nguyên đán là thời điểm làng nghề bánh, bún An Thái tất bật, nhộn nhịp.

BÚN SONG THẰN TIẾN VUA

Cách TP.Quy Nhơn khoảng 34 km về hướng tây bắc, dọc theo bờ sông Kôn, An Thái không chỉ nổi tiếng là cái nôi võ cổ truyền Bình Định mà còn là làng nghề có truyền thống lâu đời nhất Bình Định. Từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, làng nghề An Thái được biết đến là một đô thị sầm uất với các nghề thủ công rất phát triển như: rèn, đúc kim loại, mộc, giấy, bún, bánh, dệt lụa, nhuộm... nhưng hiện nay chỉ còn nghề bún, bánh tồn tại và phát triển thành thương hiệu.

Ở An Thái có rất nhiều đặc sản gắn liền với truyền thống làng nghề như: bánh tráng An Thái, bún số 8, bún gạo vắt tròn, bún dong (bún củ chuối), bún gạo giả mì, bún bột mì ta, bánh phở, và đặc biệt là bún đậu xanh Song Thằn. Trong đó, nổi tiếng nhất là bún Song Thằn, hay còn gọi là bún Tiến Vua.

Làng nghề truyền thống vào vụ tết: Nhộn nhịp làng bún Tiến Vua- Ảnh 1.

Bún Song Thằn là loại bún nổi tiếng nhất của làng nghề An Thái

Theo ông Võ Văn Tâm (71 tuổi, ở làng nghề An Thái), bún Song Thằn nổi tiếng vì có hương vị thơm ngon đặc biệt và giá trị dinh dưỡng cao. Đây là loại bún thượng hạng, rất bổ dưỡng. Thời phong kiến các quan lại địa phương đều mang bún Song Thằn lên tiến vua, do đó còn được gọi là bún Tiến Vua.

Còn tên gọi "song thằn" (hay "song thần") bắt nguồn từ "song thằng" (nghĩa là hai sợi dây song song). Ban đầu, bún có tên gọi "song thằng", do khi làm bún, người ta kéo một lúc hai sợi bún song song; về sau, bị đọc chệch thành "song thằn".

Hiện nay, bún An Thái chia làm 3 loại: bún mì, bún gạo và bún Song Thằn. Mỗi loại có giá thành khác nhau.

TRẮNG ĐÊM LÀM BÚN

Những ngày cuối năm, nhu cầu sử dụng bún của người dân tăng cao, đây cũng chính là thời điểm làng nghề An Thái nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Đến làng nghề An Thái, không khó để bắt gặp những cuộn bún trắng tinh, những chiếc bánh tráng dài như dải lụa được phơi trên vỉ tre dưới nắng gió trên bãi cát vàng sông Kôn, tạo nên một khung cảnh hết sức bình yên và thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan.

Tuy nhiên, để có được những vỉ bún, bánh đẹp, chất lượng, người dân phải thức xuyên đêm thực hiện. Tranh thủ những ngày không mưa, cứ khoảng 23 giờ là làng nghề An Thái bắt đầu vào việc, người dân tất bật với các công đoạn chuẩn bị sơ chế bún, cho ra các sản phẩm. Phải đến tận rạng sáng, khi những vỉ bánh được mang ra phơi ở ven bờ sông Kôn thì người dân mới yên tâm nghỉ ngơi.

Làng nghề truyền thống vào vụ tết: Nhộn nhịp làng bún Tiến Vua- Ảnh 2.

Những vỉ bún của làng An Thái phơi dọc bờ sông Kôn

Thanh Quân

Có hơn 40 năm kinh nghiệm làm bún, bà Phùng Thị Sen (62 tuổi, ở làng nghề An Thái) cho hay nghề bún không quá khó, các công đoạn làm bún không quá cầu kỳ, nhưng mỗi cơ sở, mỗi hộ dân đều có bí quyết riêng. "Muốn bún ngon thì quan trọng vẫn là chất lượng gạo dẻo, thơm. Bột gạo phải ngâm, xay nghiền thật kỹ, ngâm lọc đúng và đủ thời gian", bà Sen nói.

Riêng để làm ra 1 kg bún Song Thằn thì phải tốn 5 kg hạt đậu xanh. 5 kg đậu xanh hạt được xay và chắt lọc nước nhiều lần cho ra 1,2 kg bột đậu xanh tinh chất trắng tinh, rồi đem nhồi rê làm thành 1 kg bún Song Thằn khô. Thời tiết cuối năm hay thất thường nhưng nếu trời nắng, bình quân mỗi ngày mỗi gia đình sản xuất được hơn 1 tạ bún. Để có đủ số lượng bún bán trong dịp tết, nhiều gia đình phải thuê thêm người phụ giúp.

Chị Tướng Thị Huyền Anh (ở làng nghề An Thái) cho biết: "Dịp tết, cơ sở chế biến trên 1 tấn gạo/ngày, cho ra 800 kg bún khô. Sản phẩm làm ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Cơ sở có 16 lao động, thu nhập 150.000 - 200.000 đồng/người/ngày".

Nhờ vào sự chỉn chu từ khâu chuẩn bị cho đến thực hiện nên bún An Thái nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà còn xuất đi các tỉnh lân cận như Gia Lai, Kon Tum, thậm chí được xuất bán qua Lào, Campuchia.

Hiện nay, người dân thôn An Thái, xã Nhơn Phúc, TX.An Nhơn còn tập trung mở rộng sản xuất các loại bún khô, bánh tráng cung cấp cho thị trường nhiều nơi, qua đó phát triển kinh tế gia đình và tạo việc làm cho nhiều người. Nhờ vậy, giúp cho làng nghề truyền thống này ngày càng phát triển, không bị mai một như những làng nghề truyền thống khác. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.