Ngôi làng Kampong Ayer với 30.000 cư dân được xem là làng nổi trên nước lớn nhất thế giới hiện nay, mệnh danh là Venice của phương Đông.
Những ngôi nhà ở làng nổi |
Nó có bề dày lịch sử hơn 1.300 năm, kể từ khi những cư dân đầu tiên của đất nước Brunei khai phá và lập nghiệp tại đây.
Rahsi khoảng 25 tuổi, trong trang phục quần jeans áo sơ mi, đầu đội khăn choàng đặc trưng của người Hồi giáo, dắt con gái thong thả đi bộ trên con đường bê tông rộng chừng 3 m nối giữa các ngôi nhà trong làng. Hai mẹ con hướng tới ngôi nhà có mái màu xanh cửa kính kéo mở ngang. Cô bé ôm hai quả bong bóng trên tay, đầu trần giữa cái nắng chang chang. Họ vừa rời taxi nước chở từ đất liền về làng chỉ cách chưa tới 10 phút di chuyển, từ nhà của hai mẹ con có thể nhìn thấy rõ mồn một đường phố bên kia. Taxi nước là những chiếc ca nô phân khối lớn chạy vèo vèo nghếch mũi trên sông.
Làng nổi
|
Bố mẹ và con trai lớn của Rahsi chào đón hai mẹ con, nụ cười rộng mở. Hơi máy lạnh trong ngôi nhà ùa ra ngoài qua cánh cửa mở khiến không gian chợt mát mẻ hơn. Hàng hiên của ngôi nhà kê chiếc ghế xích đu và treo những giỏ hoa phong lan màu tím, nhìn ra mặt sông thoáng rộng. Trong nhà đầy đủ tiện nghi sinh hoạt hiện đại, thậm chí hệ thống nước và chất thải được xử lý riêng dẫn vào đất liền nên không có một chút rác nào xuất hiện trên mặt nước, kể cả chai lọ. Đây là một trong những gia đình điển hình ở làng nổi Kompong Ayer, dáng vẻ hiền lành bình yên song chứa đựng một cuộc sống sung túc của người dân tại quốc gia giàu có thứ 4 thế giới.
Hơn chục nghìn ngôi nhà tại đây, có nhà mang vẻ lụp xụp tiều tụy theo thời gian, cũng có nhà được sơn xanh vẽ trắng sáng sủa hiện đại, một số nhà mang dáng vẻ cổ xưa song dấu ấn hiện đại dễ nhận thấy nhất là chiếc chảo ăng ten nghễu nghện trên mái. Các ngôi nhà được dựng trên những chiếc cột bê tông, nối với nhau bằng hệ thống đường bê tông nội bộ. Những mái nhà chờ thấp thoáng bên sông với hành khách ngồi đợi taxi nước đón rước. Tiếng ca nô chạy ào qua bến sông, nước rẽ sóng và dềnh lên đập vào các chân cột nhà. Phần lớn ngôi nhà ở phía trước đều neo một hoặc hai chiếc ca nô để làm phương tiện đi lại; nếu không thì họ dùng dịch vụ taxi nước.
Phương tiện đi lại của người dân
|
Kampong Ayer được một nhóm nhỏ cư dân đầu tiên của Brunei khởi dựng từ hơn 1.300 năm trước, nằm trên hòn đảo Borneo. Khi ấy, họ chỉ là những người đánh cá bình thường, lập nên ngôi làng trên sông để làm nơi cư ngụ và chốn mưu sinh. Năm tháng qua đi, lịch sử thăng trầm, Kampong Ayer trải qua chiến tranh may mắn vẫn còn tồn tại nguyên vẹn và ngày nay trở thành một di sản văn hóa của Vương quốc Brunei. Quy hoạch kiến trúc của các ngôi nhà cho thấy rất rõ chủ trương bảo tồn ngôi làng của chính phủ nước này. Hầu hết nhà cửa giữ nguyên vẻ thiết kế truyền thống, trừ một vài khu vực được quy hoạch như cụm dân cư với kiến trúc hiện đại hơn.
Làng nổi ngày nay nằm trong lòng thủ đô Bandar, thuộc quận Muara. Hiện chỉ khoảng 1% người dân nơi đây là còn sống bằng nghề đánh bắt, hầu hết mọi người hằng ngày vào thành phố làm việc và chỉ về nhà khi chiều xuống. Một vài người còn làm những nghề truyền thống như thợ mộc (đóng ghe tàu), đồ đồng thủ công... Trữ lượng dầu khí dồi dào mang lại cuộc sống giàu có cho hơn 400.000 cư dân ở đất nước có thu nhập đầu người gần 50.000 USD một năm, phúc lợi xã hội cao, được miễn toàn bộ chi phí giáo dục, y tế, an sinh xã hội... nên gần như người dân không phải lo toan nhiều.
Rahsi cứ mỗi chiều về lại dắt con đi trên con đường bê tông giữa sông để ra bến đón chồng và người thân. Họ chơi đùa trong gió mát lồng lộng, tụ tập dân ở xóm tại tiệm cà phê ngay đầu bến sông để chuyện trò vui vẻ cùng nhau. "Chúng tôi không muốn thay đổi cuộc sống thoải mái như thế này để sang thành phố ở", người phụ nữ cho biết.
Du khách được tiếp đón trong một ngôi nhà ở làng nổi - Ảnh: Hiếu Dũng
|
Nụ cười Vina
Chúng tôi đến Brunei đúng ngày xảy ra vụ khủng bố ở Paris (Pháp). Tôi hỏi Norevinah Jaib (mà đoàn chúng tôi hay gọi là Vina hoặc đùa là Vinamilk, Vina cà phê) - cô hướng dẫn viên người bản xứ của Công ty CP du lịch Thanh niên Xung phong (VYC Travel) nghĩ gì về sự kiện ấy, cô gái mới 22 tuổi chỉ nở nụ cười. Những ngày ở quốc gia Hồi giáo này, đâu đâu chúng tôi cũng gặp những con người hiền hòa, cùng một cảm giác bình an đến thanh thản. Và tôi đã hiểu nụ cười của cô gái, nụ cười của những người Hồi giáo đúng nghĩa yêu hòa bình. Nụ cười quý giá hơn tất cả những thứ được dát vàng trên xứ sở giàu có này.
Hiếu Dũng
|
Bình luận (0)