Cứ đúng lệ, vào khoảng từ 20 tháng Chạp âm lịch, người dân làng Tân Cổ, chuyên nuôi cá ông Công, ông Táo lại tất bật bắt cá bán cho các thương lái khắp nơi về lấy hàng. Năm nay, do đợt lũ lụt hồi trung tuần tháng 10.2017 gây thiệt hại nên lượng cá bán ra ở làng Tân Cổ chỉ bằng khoảng 50% lượng cá của các năm trước.
Sáng 7.2 (tức 22 tháng Chạp âm lịch), chúng tôi có mặt tại làng Tân Cổ, bắt gặp không khí nhộn nhịp của người dân nơi đây. Khắp các con đường ở làng Tân Cổ và các ao nuôi của người dân nhộn nhịp cảnh người bán kẻ mua.
|
Giá cá bán dịp ông Công”, ông Táo năm nay lại đắt gấp đôi mà các thương lái vẫn giành nhau mua. Cụ thể, năm ngoái, giá cá chép đỏ, loại từ 50-70 con/kg có giá từ 70.000 - 90.000 đồng/kg, thì năm nay giá tăng lên tới 150.000 đồng/kg.
|
Bà Lê Thị Thu (53 tuổi, ngụ tại thôn Tân Cổ, xã Quảng Tân), cho biết, mọi năm gia đình bà nuôi được từ 200-300 kg cá chép để bán, nhưng năm nay lũ lụt làm tràn ao, cá chết và trôi ra ngoài nên chỉ còn gần 100 kg. “Cũng may, năm nay cá bán được giá, vớt vát được chút đỉnh, chứ nếu giá bán giống mọi năm thì chắc gia đình cũng không đủ công nuôi”, bà Thu nói.
|
Ông Lê Hữu Như (60 tuổi, ngụ làng Tân Cổ, xã Quảng Tân) cho biết, cả thôn có khoảng 120 hộ nuôi cá để bán dịp tết ông Công, ông Táo. “Nhiều gia đình trông chờ vào dịp này để bán cá lấy tiền tiêu tết, lo cho con cái ăn học. Cũng có nhiều gia đình khá giả lên từ nghề nuôi cá này”, ông Như nói.
|
Không chỉ những thương lái ở Thanh Hóa, những ngày này, nhiều thương lái ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hà Nội... cũng tìm về làng Tân Cổ để mua cá, bởi cá chép ở đây được đánh giá là rất đa dạng về chủng loại lại khỏe, đẹp... có thể thích nghi khi vận chuyển đi xa.
|
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Bá Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Tân, cho biết nuôi và làm cá giống nước ngọt là nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân nơi đây. Khoảng 20 năm nay, việc phát triển thêm nghề nuôi cá ông Công, ông Táo đã đem lại thu nhập cao cho người dân.
Bình luận (0)