Lăng Ông - Bà Chiểu gắn lại trái châu gần 100 tuổi vừa thu hồi sau vụ trộm

13/09/2020 15:38 GMT+7

Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt (hay còn gọi Lăng Ông - Bà Chiểu) vừa cho tiến hành gắn lại trái châu gần 100 tuổi bị mất trộm sau khi được Công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM) bàn giao lại.

Bà Lâm Thị Hoàng Oanh - Trưởng ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt cho biết : “Chiều ngày 2.9, sau khi Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt phát hiện bị mất cắp trái châu gần 100 tuổi, chúng tôi đã nhanh chóng báo cho cơ quan công an. Do vị trí nhà văn bia ở ngay trước mộ Đức Tả quân, là vị trí có camera giám sát do vậy, nên khi mới phát hiện trái châu bị mất, Ban quản lý lăng Ông – Bà Chiểu đã trích xuất camera để tìm kiếm thông tin thủ phạm vào thời điểm trái châu bị đánh cắp. Trái châu này là sản phẩm gốm thuộc dòng gốm Cây Mai của Sài Gòn xưa. Rất buồn là hiện vật bị mất là trái châu làm bằng gốm có niên đại từ năm 1922, lắp trên nóc nhà văn bia giữa đôi rồng trong đồ án "lưỡng long tranh châu”, nằm vị trí trang trọng của lăng".
Ngay sau đó, Công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM) bằng nghiệp vụ đã tiến hành truy tìm bắt được đối tượng. Vào ngày 8.9, Ban quản lý di tích được cơ quan công an báo là đã lấy lại được hiện vật. Tới ngày 11.9 thì cơ quan công an bàn giao lại  trái châu gần 100 tuổi cho lăng để ngày 12.9 tiến hành gắn trở lại trên nhà văn bia - nơi được xây dựng theo tài liệu là có từ năm 1920.

Tiến hành gắn lại trái châu gần 100 tuổi vừa được thu hồi sau khi bị mất trộm ở di tích Lăng Ông - Bà Chiểu

Ảnh: BQL lăng Ông - Bà Chiểu cung cấp

Trả lời PV Thanh Niên, ông Trương Kim Quân - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TP.HCM (Sở VH-TT TP.HCM) cho hay: “Lúc vụ việc xảy ra, Sở VH -TT TP.HCM và Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt liền báo ngay công an Q.Bình Thạnh để gấp rút truy tìm. Khi nhận được lại hiện vật, Sở VH-TT TP.HCM và Ban quản lý cũng đã tiến hành giám định lại hiện vât xem có đúng với nguyên bản hay không và trị giá cổ vật là bao nhiêu để làm căn cứ khởi tố vụ án. Tiếp đó, Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt cũng đã báo cáo và nhờ chuyên gia Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TP.HCM hỗ trợ về chuyên môn để gắn lại vị trí như cũ".
Được biết tối 12.9, Công an Q.Bình Thạnh cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam nghi can trộm cắp trái châu gần 100 tuổi xảy ra tại Lăng Ông - Bà Chiểu và hiện vụ án đang được tiến hành các bước tố tụng theo quy định của pháp luật.

Việc sữa chữa, lắp đặt lại trái châu gần 100 tuổi đã được hoàn thiện vào ngày 12.9

Ảnh: Hoàng Oanh

Ở TP.HCM, lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (hay còn gọi lăng Ông - Bà Chiểu) là một trong những nơi chốn linh thiêng thờ Đức Tả quân và có khu vực đặt lăng mộ của ông và phu nhân, gồm 3 phần chính: nhà bia, lăng mộ và miếu thờ. Tùy từng khu vực khác nhau mà mỗi nơi có một câu chuyện thú vị mà người xưa gửi gắm lại qua từng nét hoa văn, từng hình ảnh và tượng tạc trạm trổ vô cùng độc đáo.
Đức Tả quân Lê Văn Duyệt là nhân vật lịch sử đặc biệt, một trong những vị khai quốc công thần nhà Nguyễn. Ông đóng vai trò quan trọng trong buổi đầu của chính quyền vương triều Nguyễn. Từ một thái giám, ông theo chúa Nguyễn Ánh tham gia xây dựng lực lượng ở Gia Định (1790 - 1802), rồi làm Tổng trấn thành Gia Định 2 lần (1813 - 1816 và 1820 -1832) có uy tín và được dân yêu kính. Khi mất, ông còn được vua Minh Mạng truy phong hàm Thái Bảo. Lăng của ông được xây dựng theo biểu thức của ngôi mộ dành cho công thần bậc nhất lúc bấy giờ ở Nam Bộ và trở thành công trình kiến trúc nghệ thuật vô cùng giá trị, đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1988.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.