Những khu "đất vàng" mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước thèm thuồng bị bỏ hoang nhiều năm, có chỗ được quây tạm để bán bia hơi, giữ xe, cho thuê ki ốt...; những cơ quan đã chuyển địa điểm mới nhưng không chịu "nhả" địa điểm cũ ở vị trí đắc địa; những cao ốc văn phòng ngàn tỉ vừa xong đã không sử dụng được; những dự án dang dở, những tòa nhà sử dụng không đúng công năng, mục đích hay cho thuê với giá bèo...
Có thể thấy, nguồn lực công đang bị lãng phí dưới rất nhiều hình thức. Đáng nói là trong khi khối tài sản khổng lồ không được khai thác, sử dụng đúng mục đích, gây lãng phí hàng triệu, hàng tỉ USD thì rất nhiều công trình trọng điểm, cấp bách lại đang trong tình trạng đói vốn. Đơn cử việc các quận có vị trí cao nhất tại TP.HCM trở thành "rốn" ngập gây lo ngại cho dư luận được nêu ra trong tuần qua sau những cơn mưa lớn thì một nguyên nhân quan trọng cũng là do thiếu vốn xây dựng hệ thống cống thoát nước đồng bộ.
12 dự án hạ tầng trọng điểm của TP.HCM cũng đang khát vốn đang xin cơ chế để kêu gọi vốn. Theo tính toán, đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng tại TP.HCM lên tới hơn 500.000 tỉ đồng, thế nhưng ngân sách của TP.HCM chỉ đáp ứng được 31,8%. Ấy thế mà ở hầu hết các quận, huyện trên địa bàn, tình trạng sử dụng lãng phí đất công vẫn diễn ra tràn lan.
Tại sao lại có chuyện phi lý đến như vậy? Vì sao "đất vàng" lại bị sử dụng lãng phí trong khi mặt bằng luôn là vấn đề quan trọng nhất đối với bất cứ doanh nghiệp nào? Có nhiều lý do nhưng tất cả đều xuất phát từ "của công". Đa số đất công có giá cho thuê thấp hơn nhiều so với giá thị trường nên các đơn vị được giao đất tìm cách cho thuê lại với giá cao hơn để hưởng chênh lệch. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát còn lỏng lẻo, yếu kém nên việc sử dụng lãng phí, sử dụng sai mục đích hay đất bỏ hoang kéo dài với cả trăm ngàn mét vuông.
Đất đai là tài sản của quốc gia, là nguồn lực của nền kinh tế. Trong khi, nguồn lực của chúng ta thì có hạn thì việc công ty này bỏ hoang dự án cũng đồng nghĩa với rất nhiều công ty khác không có cơ hội để đầu tư kinh doanh. Hàng trăm ngàn mét vuông đất bị lãng phí thì cũng có hàng ngàn, hàng vạn doanh nghiệp, người dân đang phải làm chui, sống chui ở những nơi tạm bợ. Đáng nói là hằng năm, chúng ta đang phải vay nợ nước ngoài và gánh nợ gốc - lãi đang là gánh nặng cho ngân sách nhà nước thì việc lãng phí tài sản công nói chung và đất công nói riêng là điều không thể chấp nhận. Vì vậy, việc rà soát, thu hồi để bán đấu giá đất công đang bị sử dụng lãng phí cần phải làm quyết liệt và mạnh tay hơn nữa. Bởi việc này thực tế là đã đặt ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để.
Đã đến lúc phải chấm dứt việc ngân sách thiếu vốn, dự án khát vốn trong đất công lại bị sử dụng lãng phí.
Bình luận (0)