Nhiều người bất bình khi ông Nguyễn Trọng Hổ, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT, mới đây nói rằng ông không ngạc nhiên về kết quả bết bát này vì nữ kình ngư Ánh Viên “đã tới ngưỡng” và chỉ còn phù hợp với mục tiêu tranh huy chương ở khu vực, thay vì kỳ vọng thêm vào cô ở những đấu trường đẳng cấp hơn. Nói như ông Hổ có nghĩa khoản kinh phí gần 200.000 USD đầu tư cho Ánh Viên sang Mỹ tập huấn chỉ thu về 7 - 8 tấm HCV SEA Games?
Đây là điều hết sức trái khoáy vì trong câu chuyện đầu tư cho Ánh Viên, Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT đã không thể hiện được vai trò đồng hành và giám sát của mình. Mọi chuyện gần như khoán hết cho “thầy ruột” của Ánh Viên là ông Đặng Anh Tuấn lo từ ăn ở, tập luyện, bố trí thi đấu và sinh hoạt. Thậm chí chỉ nghe báo cáo một chiều nên khi xảy ra sự cố, ngành TDTT loay hoay không thể điều chỉnh được chiến lược đầu tư cho đúng hướng.
Nếu biết Ánh Viên đã “chạm ngưỡng” từ trước thì lẽ ra Vụ Thể thao thành tích cao phải tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục TDTT có những tính toán lại quyết liệt và phù hợp hơn, thay vì cứ chăm chăm đầu tư cho Ánh Viên mà quên đi nhiều tài năng khác rất cần được chăm sóc một cách đặc biệt khi họ cũng nằm trong danh sách những VĐV cần được đầu tư trọng điểm cho Olympic, ASIAD hay các giải châu lục, thế giới.
Ngay chuyện sau giải vô địch thế giới, ngành TDTT “bất lực” để thầy trò Ánh Viên đi Mỹ tiếp như kiểu phó mặc và nói rằng “sợ” ảnh hưởng đến quy trình và điểm rơi phong độ của “tiểu tiên cá” cũng đang gây tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng nếu năm 2019 chỉ còn lại mục tiêu SEA Games thì có nhất thiết phải tiêu tốn thêm kinh phí để thầy trò Ánh Viên đi Mỹ hay không, hay chỉ cần tập trung huấn luyện trong nước như kình ngư trẻ Nguyễn Huy Hoàng cũng dư sức có phong độ tốt giành nhiều HCV.
Tiền mà ngành TDTT đang đầu tư cho các tài năng thể thao chính là tiền thuế của dân, cần phải được trân quý và sử dụng hợp lý. Không nên vì một sức ép hay tác động nào đó có thể từ thầy của Ánh Viên mà gây tiêu tốn không cần thiết. Trước Ánh Viên, từng có Hoàng Quý Phước, Trần Duy Khôi, Lâm Quang Nhật, Nguyễn Diệp Phương Trâm… đều được đánh giá là tài năng đặc biệt có thể tạo nên những màn đột phá ngoạn mục vào các đấu trường châu Á, thế giới nếu được đầu tư đến nơi đến chốn. Nhưng cách làm loay hoay, bất ổn của ngành TDTT không chỉ gây tốn kém tiền của mà còn làm lãng phí.
Bình luận (0)