Chống lãng phí - chống 'giặc nội xâm'

Lãng phí đất vàng giữa trung tâm Bình Dương suốt 18 năm

11/11/2024 06:00 GMT+7

Năm 2006, UBND tỉnh Bình Dương thu hồi khu đất 24,8 ha nằm giữa trung tâm TP.Thủ Dầu Một, giao cho công ty bất động sản để xây dựng dự án dân cư. Sau 10 năm, dự án không "nhúc nhích" nên bị thu hồi để xây dựng công viên, nhưng đến nay khu đất vàng vẫn "trùm mền" một cách lãng phí.

Dự án khu dân cư bất động 10 năm

Theo thông tin từ Sở TN-MT Bình Dương, năm 2006, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư, giao cho Công ty TNHH xây dựng - đầu tư - kinh doanh địa ốc Tân Vũ Minh (gọi tắt là Công ty Tân Vũ Minh) khu đất diện tích hơn 24,8 ha nằm trên địa bàn P.Phú Cường (phường trung tâm của TP.Thủ Dầu Một) để xây dựng dự án khu dân cư (KDC) Thế kỷ 21. Dự án được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn cho TP.Thủ Dầu Một.

Sau 10 năm triển khai thực hiện, Công ty Tân Vũ Minh vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, dự án Thế kỷ 21 vẫn chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng... Sau nhiều lần được UBND tỉnh Bình Dương gia hạn, tiến độ của dự án vẫn "giậm chân tại chỗ", chủ đầu tư vẫn không triển khai dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân trong vùng quy hoạch, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về chính sách đất đai nên cơ quan chức năng đề nghị thu hồi.

Lãng phí đất vàng giữa trung tâm Bình Dương suốt 18 năm- Ảnh 1.

Từ dự án KDC Thế kỷ 21 rồi đến công viên Phú Cường, khu đất vàng vẫn “trùm mền” hơn 18 năm

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Theo đề nghị của Sở Xây dựng, ngày 26.12.2016, UBND tỉnh Bình Dương ban hành quyết định bãi bỏ quyết định phê duyệt dự án trước đó; thu hồi khu đất và bàn giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc Sở TN-MT Bình Dương làm chủ đầu tư thực hiện dự án công viên Phú Cường bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

8 năm, công viên vẫn "trùm mền"

Cũng theo thông tin từ Sở TN-MT, quyết định nói trên nhằm giải quyết những tồn tại của dự án, góp phần chỉnh trang đô thị Thủ Dầu Một để phục vụ cộng đồng, không vì mục đích kinh doanh.

Theo dự kiến, dự án công viên Phú Cường được triển khai xây dựng các công trình như hồ điều tiết nước để giảm tình trạng ngập úng ở khu vực P.Phú Cường; xây dựng công viên cây xanh, khu vui chơi; xây dựng các công trình công cộng; khu tái định cư và được thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2019.

Tuy nhiên, kế hoạch này gặp phải nhiều phản ứng, ý kiến trái chiều của người dân ở TP.Thủ Dầu Một vì lý do khu đất rộng 24,8 ha nằm ở vị trí trung tâm, là khu "đất vàng" đúng nghĩa và xung quanh đã có khá nhiều công viên hiện hữu…

Lãng phí đất vàng giữa trung tâm Bình Dương suốt 18 năm- Ảnh 2.

Nhà dân bỏ hoang hóa nhiều năm nay

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Đặc biệt, người dân đặt vấn đề nếu làm khu tái định cư thì sẽ dành cho những người bị thu hồi đất ở chỗ nào, cho dự án nào mới phù hợp, ngang bằng giá trị? Ông P.B.M (76 tuổi, cán bộ hưu trí P.Phú Cường) phản ứng: "Đây rõ ràng là khu đất vàng, nếu làm dự án tái định cư cho người dân bị giải tỏa ở nơi khác đến tái định cư thì quá bất hợp lý, không ngang bằng với giá trị đất bị thu hồi". Cũng theo ông P.B.M, nếu đem khu đất vàng đi làm công trình chống ngập, công viên… thì quá lãng phí và đó là chưa kể sự lãng phí từ 18 năm khu đất bị bỏ hoang.

Theo quan sát của PV Thanh Niên cách dự án xây dựng công viên Phú Cường trong phạm vi chưa đến 1 km, có khá nhiều công viên khác đang hoạt động như: công viên Thủ Dầu Một; công viên Nguyễn Du, trước cổng chùa Bà; công viên Phú Cường cũ (bến xe Phú Cường cũ); công viên Bạch Đằng; công viên cạnh UBND TP.Thủ Dầu Một (Trung tâm hoạt động thanh niên cũ); công viên cạnh trụ sở UBND P.Phú Cường cũ…

Khốn khổ sống "chui" trong khu đất vàng

Theo hồ sơ giải tỏa của Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Thủ Dầu Một, dự án Thế kỷ 21 có 254 hộ gia đình và cá nhân thuộc diện giải tỏa bồi thường về đất và tài sản trên đất đối với tổng diện tích trên 16 ha (diện tích còn lại gần 9 ha là đất do nhà nước quản lý và đất giao thông, thủy lợi…).

Khoảng năm 2008, chủ đầu tư là Công ty Tân Vũ Minh đã thương lượng, giải tỏa được khoảng 87 hộ dân. Số hộ này đã đồng ý giao đất cho chủ đầu tư, nhưng chưa được bố trí tái định cư. Trong thời gian chưa có đất tái định cư, chủ đầu tư hứa hẹn hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho mỗi hộ dân số tiền 2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, một người dân nằm trong khu quy hoạch "treo" cho biết: "Chủ đầu tư chỉ hỗ trợ được 2 - 3 tháng đầu, rồi sau đó các hộ dân không tiếp tục được nhận tiền hỗ trợ".

Một thời gian dài không nhận được tiền hỗ trợ, cuộc sống của nhiều người lâm vào cảnh thiếu thốn, khổ sở vì phải đi thuê nhà trọ để ở. Sau đó, một số người dân đã quay lại khu nhà cũ của mình trong dự án để tiếp tục sinh sống qua ngày cho đến nay.

Những hộ còn lại, do chưa được giải tỏa, đền bù nên cố gắng bám trụ trên căn nhà, mảnh đất của mình nằm trong quy hoạch "treo", cũng lâm vào tình cảnh éo le không kém. Do đất nằm trong quy hoạch nên người dân không được mua bán, xây dựng, sửa chữa dẫn đến tình trạng nhiều căn nhà xuống cấp trầm trọng, đường sá không được tu bổ, đi lại khó khăn, nguy cơ mất an toàn cao.

"Sinh sống ở giữa lòng TP.Thủ Dầu Một nhưng gần 20 năm qua chúng tôi vẫn phải đi đường đất, mùa nắng thì bụi bẩn, mưa thì sình lầy… muốn bán để đi nơi khác cũng không được mà ở lại cũng chẳng xong", một người dân bức xúc. (còn tiếp)

Trả lời Thanh Niên về nguyên nhân dự án công viên Phú Cường chưa được triển khai, lãnh đạo Sở Xây dựng Bình Dương cho biết do chưa có nhà thầu nào đăng ký tham gia đầu tư xây dựng.

Liên quan đến ý kiến của người dân về sự lãng phí khi đem khu đất vàng xây dựng công viên, hồ điều tiết, tái định cư..., vị lãnh đạo này cho biết: "Hiện nay dự án công viên Phú Cường vẫn đang trong giai đoạn quy hoạch tổng thể 1/2.000, chưa được quy hoạch chi tiết 1/500 nên mục đích xây dựng các công trình chưa được cụ thể…".

Như vậy, sau 18 năm từ khi được chấp thuận chủ trương cho đến nay, khu đất vàng ngay giữa lòng TP.Thủ Dầu Một vẫn tiếp tục bị "trùm mền".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.