Lãng phí đầu tư

18/07/2020 06:49 GMT+7

Việt Nam hiện có 22 sân bay đang khai thác, song số sân bay có lãi chỉ đếm trên đầu ngón tay như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng , Cam Ranh... .

Phân nửa sân bay còn lại đều trong tình trạng hòa vốn hoặc phải bù lỗ do lượng khách quá thấp, chỉ đạt 10 - 30% công suất thiết kế. Song, thực trạng này cũng không cản được “mơ ước” có sân bay riêng của nhiều địa phương, ngay cả ở những tỉnh còn nghèo.
Đơn cử với Cao Bằng, lý do tỉnh này đưa ra khi đề xuất xây dựng sân bay cũng vì tỉnh nghèo, chỉ duy nhất có giao thông đường bộ, các loại hình giao thông khác chưa phát triển, cần sân bay để thu hút đầu tư, du lịch và an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, trên thực tế, Cao Bằng chỉ cách Hà Nội 280 km, ưu tiên hàng đầu nên là tập trung phát triển đường bộ cao tốc và mạng lưới kết nối với các địa phương vùng, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, thay vì đầu tư sân bay có đối tượng thụ hưởng không nhiều, hiệu quả kinh tế không cao.
Ngay cả với các sân bay đã được phê duyệt trong quy hoạch, tình trạng sân bay mọc san sát, cách nhau chỉ 100 - 200 km cũng tạo nguy cơ cạnh tranh lẫn nhau rất lớn. Chỉ riêng khu vực Tây Bắc bộ, trong tương lai sẽ có tới 4 sân bay của 4 địa phương sát nhau là Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Sa Pa (Lào Cai) và Điện Biên. Với hình thức đầu tư xã hội hóa, sẽ rất khó cho các dự án sân bay này đạt tới điểm hòa vốn, chưa nói tới có lãi.
Khao khát có sân bay riêng cho “bằng tỉnh bạn” cũng tương tự câu chuyện trước đây tỉnh nào gần biển cũng đổ xô xây cảng biển, tỉnh nào cũng mở trường đại học, cũng làm tượng đài. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, vấn nạn quy hoạch cục bộ địa phương đã trở thành câu chuyện lãng phí đầu tư trầm kha trên nhiều lĩnh vực. Đây là lý do chi phí đầu tư cho hạ tầng của Việt Nam rất lớn nhưng vẫn kém hiệu quả. Dù luôn nhấn mạnh tới phát triển kinh tế vùng, nhưng thực chất vẫn là mạnh địa phương nào địa phương ấy làm, dẫn tới xây dựng tràn lan và đầu tư thiếu trọng điểm.
Trên thực tế, với một số địa bàn trọng yếu đặc biệt, việc xây dựng sân bay sẽ có tác động tốt tới phát triển tổng thể kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, việc cân đối giữa bài toán kinh tế dự án và bài toán phát triển tổng thể cần hết sức chặt chẽ, tránh đi vào vết xe đổ một số địa phương trước đây từng chạy đua xây dựng cảng biển, để rồi cuối cùng xây 10 chỉ dùng được 2, 3; thừa cảng nhỏ mà thiếu cảng lớn...
Nhìn rộng hơn, các quy hoạch phát triển kinh tế ngành cần được xây dựng để tránh tình trạng cục bộ; hướng tới những mục tiêu cao hơn, tập trung định hướng phát triển các sân bay, cảng biển quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh trong khu vực. Không nên vì “nể nang” lẫn nhau để bổ sung quy hoạch tùy tiện, để lại hệ lụy lâu dài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.