Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 11: Làm sai, lãng phí phải đền bù!

19/04/2014 00:00 GMT+7

Trao đổi với Thanh Niên về loạt bài Lãng phí ở tỉnh nghèo, lãnh đạo hai bộ Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư tỏ ra vô cùng bức xúc, xót ruột. Tuy nhiên, khi đề cập tới trách nhiệm, các lãnh đạo này đều cho rằng vì lỗ hổng chính sách, cũng như sự lỏng lẻo của khâu kiểm tra, giám sát nên khó xử lý.

>> Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 10: Đầu tư tiền tỉ, dân vẫn 'khát' nước
>> Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 9: Những công trình... dân chê
>> Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 8: Nhà tang lễ thành nơi... nuôi heo

Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 11: Làm sai, lãng phí phải đền bù! 
Ông Bùi Hà - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân - Ảnh: Hương Giang

Là cơ quan đầu mối phân bổ vốn, cũng như chịu trách nhiệm giám sát, thẩm định các dự án đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách, trái phiếu, các chương trình mục tiêu… Ông Bùi Hà, người phát ngôn Bộ KH-ĐT (Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân) nói: “Câu chuyện này không còn mới, hai năm trở lại đây khi Chỉ thị 1792 của Bộ ra đời về chấn chỉnh đầu tư công đã hạn chế được rất nhiều”.

Theo ông Hà, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này đầu tiên ở khâu quy hoạch dự án, cân đối nguồn vốn.

Có một tình trạng rất nhiều địa phương vốn không có, nhưng cứ muốn vẽ ra nhiều dự án dẫn tới dàn trải, lãng phí?

 

Chế tài ở đây như tôi đã nói nếu làm sai, lãng phí thì phải đền bù. Còn đầu tư để thất thoát vốn, sai phạm thì phải xử lý hình sự. Còn như trước kia anh làm sai, làm ẩu không phải đền, gây lãng phí vô cùng

Đúng vậy. Khi Bộ KH-ĐT phân bổ chúng tôi căn cứ vào mục tiêu các chương trình, ngân sách để giao vốn. Nhưng địa phương lẽ ra làm 3 công trình thì họ lại làm thành 7 - 8 cái. Chúng tôi nói không làm được nhưng họ trả lời vốn T.Ư phân từng này còn lại địa phương quyết định dự án, cân đối thêm nguồn. Nói vậy, chứ thực tế địa phương có rất ít mà đa phần không có nên dẫn tới tình trạng xây dựng dở dang, làm cái này thiếu cái kia, không đồng bộ, không hiệu quả.

Dự án không hiệu quả nhìn thấy rất rõ ngay từ đầu, nhưng điều lạ là rất nhiều địa phương vẫn cứ cố làm. Có phải do lợi ích nhóm hay tư duy nhiệm kỳ lấy thành tích không, thưa ông?

Địa phương nào cũng muốn nhiều dự án, đó là căn bệnh tư duy nhiệm kỳ. Anh mới lên đảm nhiệm vị trí mới muốn quyết dự án này, dự án kia để nhiệm kỳ của mình có dấu ấn. Nếu làm được thì rất tốt, nhưng ông mới lên chỉ muốn làm cái mới, còn cái cũ cứ bỏ đó nên dẫn tới tính toán không kỹ. Lãnh đạo tỉnh, huyện quyết đầu tư dự án rất đơn giản. Nhìn cánh đồng, các lãnh đạo thấy cần làm một con đường chạy qua; về huyện, xã hứa làm nhà văn hóa, kênh mương… giơ tay là xong. Chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án dễ quá không thẩm định chặt chẽ nên không hiệu quả, lãng phí.

Bộ là nơi phân bổ vốn, có chức năng giám sát, thẩm định dự án. Vậy có thanh tra, kiểm tra phát hiện các công trình bỏ hoang, lãng phí này không?

Hiện nay quy định đầu tư phân cấp cho các địa phương. Chúng tôi có cơ quan giám sát, thẩm định nhưng báo cáo chủ yếu tổng hợp từ các địa phương mang tính hành chính là chủ yếu. Đối với lực lượng thanh tra họ làm từng sự việc, vụ án cụ thể. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng có các chương trình giám sát riêng. Rất nhiều công trình lãng phí qua kiểm tra, kể cả trên báo chí, nhưng đáng tiếc lại không xử lý được ai. Do quy định của pháp luật quá chung chung, nói chỗ này chỗ kia phải chịu trách nhiệm nhưng thực tế không làm rõ được trách nhiệm của từng cá nhân. Ngay cả chế tài cũng không có nên không xử được.

Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 11: Làm sai, lãng phí phải đền bù! 2 

Tại sao lại không quy trách nhiệm, không xử lý được ai, phải khắc phục việc này như thế nào?

Hiện nay Quốc hội đang cho ý kiến về luật Đầu tư công. Trong đó quy định rất rõ trách nhiệm của người phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án. Đặc biệt, có chế tài cụ thể. Trước kia phê duyệt dự án quan trọng quốc gia mới phải thông qua chủ trương đầu tư, nhưng sau này tất cả các dự án đều phải được duyệt chủ trương trước. Ai phê duyệt phải có trách nhiệm cả về tài chính. Nếu quyết sai dẫn đến dự án không hiệu quả, lãng phí phải đền bù thiệt hại bằng tiền. Tất nhiên việc đền như thế nào, ra sao phải xem xét tính toán kỹ. Khi phân rõ như vậy sẽ đụng chạm quyền lực, lợi ích ghê gớm vì quyền lực giảm đi, trách nhiệm tăng lên. Nhưng để bịt lỗ hổng này thì dứt khoát phải gắn với trách nhiệm từng cá nhân.

Vậy còn cơ chế phân bổ vốn thì sao, thưa ông?

Khi luật thực thi, các quy chế đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án sẽ rất chặt chẽ ở từng khâu một. Nếu dự án không cân đối được nguồn vốn không cho đầu tư. Không có chuyện vẽ dự án để làm. Đã quyết định đầu tư rồi thì nhiệm kỳ mới cũng phải làm cả những dự án cũ của nhiệm kỳ trước.

Theo ý ông, quan trọng nhất vẫn là chế tài phải mạnh tay?

Đúng vậy. Chế tài ở đây như tôi đã nói nếu làm sai, lãng phí thì phải đền bù. Còn đầu tư để thất thoát vốn, sai phạm thì phải xử lý hình sự. Còn như trước kia anh làm sai, làm ẩu không phải đền, gây lãng phí vô cùng.

Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm

Đối với các công trình hiện nay thường có hai ông chủ gồm chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, UBND các tỉnh và Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính. Nhưng về trách nhiệm, trước hết phải là chủ đầu tư. Anh là chủ đầu tư làm từ A đến Z, nếu không hiệu quả thì anh phải chịu trách nhiệm. Còn nếu để chồng lấn nhiều chủ chắc chắn sẽ lại đổ lẫn trách nhiệm cho nhau.

Ông Phạm Đức Hồng, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính

Có cơ chế để dân tham gia giám sát từ đầu

Phải phân cấp hợp lý hơn, phân quyền mạnh hơn cho các địa phương được tự quyết các công trình đầu tư và gắn trách nhiệm cụ thể hiệu quả của từng dự án được quyết định đó. Ai vi phạm, quyết định đầu tư lãng phí thì tùy theo mức độ mà xử lý hành chính, xem xét trách nhiệm chính trị, kinh tế, nặng thì truy cứu hình sự.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế để người dân tham gia giám sát đầu tư, từ khâu quy hoạch đến chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện. Đi liền với đó là cơ chế tiếp nhận ý kiến người dân. Chẳng hạn, với những công trình dân sinh thiết yếu, tổ chức họp dân, có đại diện từng gia đình để lấy ý kiến, nếu trên 70% đồng ý thì mới đầu tư.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH

Phân định rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể

Theo cơ chế hiện hành, muốn phân bổ vốn một dự án, về nguyên tắc các sở ngành chức năng phải trình qua UBND. UBND trên thực tế cũng phải xin ý kiến Tỉnh ủy, sau đó mới trình ra HĐND quyết. Nếu một công trình đã được quyết qua nhiều tập thể như vậy thì khi phát hiện sai phạm, thất thoát, rất khó xử lý trách nhiệm người quyết định đầu tư. Vì vậy, hướng tới đổi mới về tổ chức bộ máy phải tính đến quy định thẩm quyền của tập thể đến đâu, thẩm quyền người đứng đầu đến đâu. Khi gắn trách nhiệm cá nhân trong quyết định đầu tư thì cá nhân đó buộc phải lắng nghe các góp ý của nhân dân, thậm chí còn phải chủ động xin ý kiến của các cấp ngành, các đối tượng liên quan, lắng nghe nhiều chiều để có quyết định đúng đắn.

Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH

Bảo Cầm
(ghi)

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.