Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 4: Bến xe, âu thuyền xây xong để... ngó !

10/04/2014 03:00 GMT+7

Nhiều bến xe tiền tỉ tại Quảng Nam đang trong tình cảnh “cầm hơi”. Trong khi đó, để cứu các khu neo đậu khỏi tình cảnh vắng bóng tàu thuyền, ngành chức năng tỉnh này tiếp tục đổ hàng chục tỉ đồng đầu tư bổ sung, nâng cấp.

Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 4: Bến xe, âu thuyền xây xong để... ngó !
u thuyền Hồng Triều không phát huy tác dụng khi có bão lớn - Ảnh: Hoàng Sơn

Xe khách “lơ” bến

Trên khu đất rộng khoảng 2,6 ha, chúng tôi chỉ thấy vài chiếc xe khách đậu rải rác để sửa chữa nhỏ. Những khu vực xe nằm chờ, xe chuẩn bị xuất bến… tuyệt nhiên không có một xe nào hiển hiện. Đó là một ngày hoạt động của Bến xe (BX) Tam Kỳ, nằm ngay cửa ngõ tỉnh lị Quảng Nam về phía bắc. Là BX khách liên tỉnh đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn loại 2, tổng kinh phí trên 12 tỉ đồng, nhưng suốt từ 2006 đến nay chưa một ngày BX khai thác được một nửa công suất thiết kế.

Theo Ban quản lý (BQL) BX, trước đây có 2 đơn vị cho xe vào bến để khai thác tuyến Quảng Nam - TP.HCM với tất cả khoảng 10 đầu xe. Nhưng rồi do cạnh tranh không lại với những nhà xe khác hoạt động trên tuyến, các đầu xe “chết dần chết mòn”.

Đầu tư bổ sung hơn trăm tỉ

Ông Nguyễn Hồng Lam, Phó giám đốc BQL dự án NN-PTNT, cho hay để khắc phục hạn chế của âu thuyền Hồng Triều thì phải nâng cao trình đỉnh kè từ 1,8 m lên 2,5 m, tránh việc nước lũ làm ngập khu neo đậu, trồng cây để chắn gió và xây dựng thêm cảng cá Hồng Triều để tăng hiệu quả, với kinh phí ước khoảng 43 tỉ đồng. Với âu thuyền An Hòa, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam cũng đang chuẩn bị lập dự án đầu tư bổ sung. “Đơn vị tư vấn lập dự án đang tính toán nên chưa ra quy mô, nhưng hỏi qua thì tôi được biết kinh phí bờ kè, đê chắn sóng, đường công vụ phải đầu tư ở khoảng 100 tỉ đồng nữa…”, ông Lam nói.

Bến vốn đã vắng, chỉ trông chờ vào những tuyến buýt nội tỉnh thì vài năm trở lại đây các chủ xe buýt cũng bỏ bến. Đặc biệt, nguồn thu của BX này hụt nghiêm trọng từ khi tuyến xe buýt sầm uất nhất là Tam Kỳ - Đà Nẵng không vào bến. “Chỉ còn lại tuyến Tam Kỳ - Núi Thành và một số tuyến khác với khoảng 60 lượt xuất bến/ngày. Các tuyến buýt khác chạy cả 100 lượt/ngày thì đã bỏ bến. Tết vừa rồi, hành khách vào mua vé để đi các tỉnh miền Nam nhưng không có phương tiện phục vụ. BX các nơi người ta xuất bến ít nhất 500 lượt xe/ngày. Tôi ngồi đây thấy mà sốt cái ruột…”, ông Nguyễn Ngọc Châu, Giám đốc BQL BX Tam Kỳ, than thở.

Bi đát hơn, BX Bắc Quảng Nam tại xã Điện An (H.Điện Bàn) được đầu tư khoảng 15 tỉ đồng chỉ lèo tèo vài phương tiện ra vào mỗi ngày, kéo dài từ 2009 đến nay.

Theo Sở GTVT Quảng Nam, toàn tỉnh có tất cả 19 BX đã được công bố (gồm 1 BX loại 2; 4 BX loại 4; 3 BX loại 5 và 11 BX loại 6). Tuy nhiên, không chỉ 2 BX lớn ở 2 đầu tỉnh lâm cảnh “vắng như chùa Bà Đanh” mà các BX huyện cũng ế ẩm không kém. Nguyên nhân chủ yếu do mật độ các bến cấp huyện được mở tuyến liên tỉnh quá dày. Trước thực trạng này, Sở GTVT Quảng Nam đã kiến nghị UBND tỉnh xã hội hóa BX Bắc Quảng Nam, nhưng cũng không khắc phục được tình trạng đìu hiu trước đó. BX phải “kiêm” thêm chức năng mời gọi thuê mặt bằng để buôn bán, chứa vật liệu…

Theo tìm hiểu của PV, 2 BX cấp tỉnh từng được quy hoạch ở những vị trí thuận lợi hơn. Theo đó, BX Bắc Quảng Nam đặt tại Tứ Câu (xã Điện Ngọc, H.Điện Bàn), BX Tam Kỳ được đặt ở gần xã Tam Xuân (H.Núi Thành). Tuy nhiên, quy hoạch này không được thực hiện. Nhiều nhà xe cho biết nếu các BX được đặt vào vị trí quy hoạch đã nêu thì không đến nỗi thê thảm và lãng phí như bây giờ.

“Công trình trọng điểm về lãng phí”

Cũng tại Quảng Nam, nhiều âu thuyền quy mô lớn không chỉ kém hiệu quả mà còn trở thành nỗi khiếp sợ của nhiều ngư dân. u thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, H.Duy Xuyên) là một điển hình. Ông Nguyễn Viết Trị (52 tuổi), người sống cạnh âu thuyền này, cho biết bão có sức gió từ cấp 8 trở lên là tất cả tàu thuyền đều tháo chạy vào những rừng dừa nước tại Cẩm Thanh (Hội An) hoặc Bình Giang (Thăng Bình) để neo đậu. “Tôi chứng kiến khi nhiều cơn bão lớn chuẩn bị vào, khu neo đậu này gần như trống không, tàu thuyền sơ tán hết… Khu neo đậu tránh bão mà bão đến tàu thuyền đi hết thì làm gì?”, ông Trị bức xúc.

Nhiều ngư dân cho hay sở dĩ họ “né” âu thuyền là do sợ gió giật gây va đập, hư hỏng thân tàu.

Theo BQL dự án NN-PTNT (thuộc Sở NN-PTNT Quảng Nam), âu thuyền Hồng Triều được đầu tư gần 44 tỉ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu neo đậu khoảng 1.000 tàu có công suất đến 350 CV. Công trình được đưa vào sử dụng từ 2009 đến nay. Ông Nguyễn Tấn Nam, Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa, cho biết khi chưa được đầu tư xây dựng, khu vực âu thuyền bây giờ có một cánh rừng dừa nước chắn gió ở phía bắc nên người dân vẫn an tâm cho thuyền vào neo đậu. “Nhưng sau khi làm xong âu thuyền thì rừng dừa nước không còn, phía bắc âu thuyền trở nên trống trải. Bão số 11 năm 2013, tàu thuyền chạy hết khỏi khu tránh trú vì quá sợ”, ông Nam nói thêm.

Nhiều cử tri H.Núi Thành cũng bức xúc về sự lãng phí trong đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão An Hòa trên địa bàn (tổng mức hơn 60 tỉ đồng). Do âu thuyền không có đê chắn sóng nên khi có bão ngư dân không dám đưa tàu vào vì sợ bị va đập. Ngoài ra, hiện âu thuyền này đang bị bồi lấp khiến tàu công suất lớn ra vào khó khăn, dễ mắc cạn. Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa 8 (cuối năm 2013), một cử tri đã bức xúc gay gắt về sự lãng phí quá lớn của âu thuyền này và gọi đây là một “công trình trọng điểm về lãng phí”.

Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.