Mấy hôm nay báo chí và dư luận bàn tán gay gắt xung quanh chuyện Festival đờn ca tài tử Bạc Liêu “đốt” của nhà nước hàng ngàn tỉ đồng vào những công trình vô bổ. Lãng phí quá, đúng vậy! Nhưng thiết nghĩ, đằng sau câu chuyện hội hè này, không đơn thuần chỉ là vấn đề lãng phí.
|
Phải kể đến nhà hát Ba nón lá trị giá 222 tỉ đồng; biểu tượng đờn kìm 20 tỉ đồng; quảng trường Hùng Vương 118 tỉ đồng; cột cờ quảng trường 383 triệu đồng; hệ thống đèn pha cao áp 3,7 tỉ đồng; hệ thống màn hình thông tin bằng đèn LED 3,4 tỉ đồng; hệ thống cây xanh khu vực quảng trường 4,5 tỉ đồng; sân phun nước nghệ thuật âm sàn và biểu tượng ba dân tộc 6,7 tỉ đồng…
Giới quan sát và dư luận lắc đầu với những công trình không sinh ra cơm, ra gạo mà trái lại còn đánh đổi miếng ăn, làm hao hụt tinh thần người dân. Bởi lẽ, sau khi “đốt tiền nấu trứng” hơn 2.000 tỉ đồng, tỉnh Bạc Liêu… hết tiền xây đường, xây trường, xây bệnh viện, hay mở rộng các tuyến điện thắp sáng.
Tôi từng làm việc cho một doanh nghiệp truyền thông - sự kiện, chuyên tổ chức lễ hội, công trình kỷ niệm… cho các cơ quan, tổ chức tại một số nơi, trong đó có khu vực miền Tây (ĐBSCL). Do làm trong bộ phận thiết kế - đề xuất chương trình nên vô tình tôi biết những chiêu trò đằng sau những cuộc vui mang tiếng “tổ chức cho dân”. Quy trình duyệt các chương trình lễ hội, lễ kỷ niệm hiện nay có một lỗ hổng “chết người”, chính là thiếu sự giám sát của quần chúng.
Cơ chế tài chính theo kiểu “xin-cho”, nhưng hoạt động theo kiểu địa phương độc lập và tự quyết vô tình đưa vào tay những người có quyền quyết định toàn bộ quyền lực. Cùng với việc thiếu sự giám sát của quần chúng đã dẫn đến chính quyền địa phương có thể đơn phương chỉ định đơn vị thực hiện chương trình - quyết định lợi nhuận nằm trong tay nhà thầu nào.
Vấn đề tiêu cực ngay lập tức xảy ra khi những công trình, dự án, chương trình chung của dân sẽ mang lại khoản lợi khổng lồ cho các doanh nghiệp được chọn thực hiện, tổ chức. Vậy nên, phía đơn vị đứng ra tổ chức (công ty tổ chức) sẵn sàng “lại quả” một tỉ lệ hoa hồng dựa trên quy mô chương trình về lại cho các quan chức. Có khi, số tiền lên tới hơn 10% tổng kinh phí dựa theo hóa đơn thanh toán.
Để “khỏa lấp” số tiền dôi ra, đơn vị tổ chức sự kiện “kê giá” cao hơn giá thị trường. Một ca sĩ tham gia chương trình phải chi có khi đến hàng trăm triệu, trong khi thật ra phía tổ chức chỉ tốn chưa tới một phần ba số tiền đề xuất. Một màn hình LED chỉ tốn vài chục triệu, trong khi trong bảng dự chi lên đến hàng trăm triệu. Mỗi thứ, đơn vị tổ chức “cắt xén” một ít để lấy tiền “bồi dưỡng” cho lãnh đạo.
Mới đây, trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc tiếp xúc cử tri tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Tổng bí thư phát biểu: “Các cử tri nhấn mạnh phải coi trọng đến việc chống lãng phí, điều này rất đúng. Có khi lãng phí còn hại hơn cả tham nhũng.” Cái đáng sợ của lãng phí không chỉ dừng ở hệ lụy “hao tiền tốn của”, mà chính là ở chỗ người ta có thể “núp bóng” lãng phí, chịu dân phàn nàn vài ba câu, để rồi bỏ túi tiền tỉ. Hơn nữa, tham nhũng núp bóng lãng phí là chuyện “ai cũng đoán biết” nhưng không phải ai cũng chứng minh được.
Vậy nên, để chống lãng phí-ngăn tham nhũng thì phải quay lại vấn đề đầu tiên - “hoạt động giám sát tài chính, phê duyệt tài chính” - mà Quốc hội là chủ thể quan trọng.
Phạm Văn*
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một công chức đang sống và làm việc tại TP.HCM
>> Khánh thành nhiều công trình dịp Festival Đờn ca tài tử
>> Festival đờn ca tài tử lần đầu tiên được tổ chức tại Bạc Liêu
>> Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014: Nhiều hoạt động sôi nổi, độc đáo
>> Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất năm 2014: Bạc Liêu đã sẵn sàng
Bình luận (0)