Thời gian qua, báo chí lên tiếng phê phán mạnh mẽ những công trình văn hóa hay những hoạt động văn hóa lãng phí. Thế nhưng, nhân danh chuyện xây dựng thiết chế văn hóa, nhân danh những ngày kỷ niệm hay chào mừng, những sản phẩm văn hóa lãng phí, không đem lại ích lợi hưởng thụ văn hóa gì cho nhân dân vẫn tiếp tục ra đời hoặc đang có trong các dự án với những bản dự trù kinh phí lớn, đang xin duyệt y để thực hiện, xây dựng.
Chúng ta đã nói về những cuốn phim truyện được đặt hàng nhân dịp kỷ niệm hay chào mừng các ngày lễ với kinh phí vài chục tỉ đồng, được quảng cáo rôm rả. Thế nhưng, những cuốn phim ấy đưa ra rạp chỉ bán được một vài vé, thậm chí có phim không bán được vé nào. Vậy nhưng trong báo cáo, người ta vẫn ghi nhận “cuốn phim phục vụ được hàng vạn khán giả”. Con số “hồng hào” đó căn cứ vào lượng vé mời phát ra, bất kể người được mời có đi xem hay không. Sau cùng, số phận của chúng là nằm im trong kho lưu trữ.
Với những thiết chế văn hóa, tình hình lãng phí còn nặng nề hơn. Xã nào cũng có trung tâm văn hóa được xây dựng ít nhất vài ba tỉ đồng. Thế nhưng người ta chỉ dùng chỗ đó làm nơi hội họp xuân thu nhị kỳ, hoặc xây xong rồi đóng cửa bỏ đó; sân dùng để phơi nông sản hay cho bò gặm cỏ. Một huyện miền núi ở miền Trung xây một nhà guơl bê tông cốt thép, mái đổ bê tông, đường nét dị hợm khiến bà con dân tộc không đến sinh hoạt, bởi họ chỉ quen với nhà guơl làm bằng gỗ và lợp lá. Một thư viện tỉnh nọ ở phía bắc rộng 8.250 m2, kinh phí xây dựng hàng chục tỉ đồng nhưng không có ai đến đọc sách...
Thực tế thì như vậy nhưng các nơi còn muốn... xây lại, xây thêm. Nhà văn hóa của huyện nọ ở một tỉnh Tây nguyên xây dựng 6 tỉ đồng, bỏ hoang nhiều năm, nay muốn đập xuống xây mới. Một tỉnh nọ ở phía bắc đang dự định xây một văn miếu, dự toán kinh phí đã lên đến 271 tỉ đồng. Nhiều người làm công tác văn hóa đã lên tiếng đề nghị xem lại dự án quá đỗi tốn kém, quá đỗi lãng phí này. Một nhà hát cải lương ở một thành phố lớn xây dựng trên 70 tỉ đồng, không dùng được, phải sửa chữa lại nhưng vẫn chưa dùng được. Trong khi đó, những nghệ sĩ cải lương vẫn không có sân khấu diễn; đành phải đi hát ở đình, ở làng, ở xã để vừa giữ tổ nghiệp vừa tự động viên mình đừng... xuống cấp.
Bản thân khái niệm văn hóa luôn mang lại vẻ sáng vẻ đẹp, niềm vui niềm tin. Nay ta làm ra những sản phẩm văn hóa không có người chịu thưởng ngoạn, làm ra những công trình văn hóa không có người lui tới thì việc làm ấy nhắm vào mục đích gì? Nhân dân có quyền hoài nghi ý đồ của những người thực hiện các sản phẩm và các công trình ấy. Lãng phí trong văn hóa là rất lớn, phổ biến ở nhiều địa phương. Nếu các nơi tỉnh táo dành nguồn kinh phí ấy đầu tư cho giáo dục, cho y tế hay cho hạ tầng cơ sở thì nhân dân được hưởng phúc lợi thực tế hơn nhiều.
Bình luận (0)