Thật ra, câu chuyện “phía sau” sách giáo khoa âm ỉ từ lâu lắm. Giáo viên, phụ huynh... nhận biết, ca thán những lần thay sách giáo khoa… Thực trạng đó như con sâu gặm nhấm niềm tin vào giáo dục.
Chỉ trong 6 năm, giá trị lãng phí tạm tính từ sách giáo khoa lên tới gần 2.400 tỉ đồng, nguyên nhân do sách được thiết kế có thể viết vào dẫn tới không thể dùng lại, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ |
đào ngọc thạch |
Nhưng lần này khác, có dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ GD-ĐT và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong việc in ấn, phát hành sách bài tập được Thanh tra Chính phủ nêu ra trong kết luận thanh tra. Chỉ một giai đoạn từ năm 2014 đến tháng 8.2019, Thanh tra Chính phủ xác định - do sách cũ không dùng lại được vì bị viết, vẽ và làm bài tập trực tiếp vào đó - giá trị lãng phí là 2.374 tỉ đồng (con số làm tròn). Và, đây chỉ mới là… tạm tính!
“Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường”, “lạm dụng vị trí độc quyền sách giáo khoa”, dấu hiệu “lợi ích nhóm” được Thanh tra Chính phủ gọi tên trước những sai phạm liên quan câu chuyện sách giáo khoa của hai đơn vị: Bộ GD-ĐT và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Trong công bố “Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2021”, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam than khó, kể khổ; một lãnh đạo của đơn vị này đã nói: “Phục vụ là mục đích, kinh doanh là phương tiện”. Vì thế, dư luận rất mong Bộ Công an và các ngành chức năng sớm vào cuộc theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, nhất là dấu hiệu “lợi ích nhóm”.
Là nhà giáo, những người liên quan trực tiếp đến việc sử dụng sách giáo khoa, chúng tôi có những đề xuất để không còn tình trạng lợi dụng việc sử dụng sách giáo khoa của học sinh để mang lại lợi ích nhóm.
Cần thanh tra toàn diện, mở rộng thời gian thanh tra về trước năm 2014, tập trung vào các đợt đổi mới chương trình, cải cách. Những lần thí điểm phân ban THPT, bao nhiêu là sách giáo khoa, sách bài tập, sách giáo viên từ thí điểm (hẹp) đến thí điểm (mở rộng) rồi đại trà, bình quân mỗi khối lớp tạm tính khoảng 1 triệu học sinh, vị chi hàng chục triệu sách giáo khoa tương ứng. Ở bậc tiểu học, THCS cũng cần làm rõ, cả năm 2014 trở về trước. Nếu có toan tính “lợi ích nhóm” thì đây quả là “thị trường béo bở”.
Sách giáo khoa gắn liền với học sinh trong 12 năm đèn sách nhưng lại có nhiều bất bình liên quan về giá và sự lãng phí. Nhưng vì sao tư lệnh ngành giáo dục từng thời kỳ, các đơn vị tham mưu chậm khắc phục? Cần truy tận gốc, làm rõ nguyên nhân, cá nhân - tổ chức nào phải chịu trách nhiệm? Sai phạm trên diện rộng, diễn ra trong thời gian dài, tác động sâu sắc đến học tập và đời sống của rất nhiều học sinh, phụ huynh, thầy cô, dù đó là ai, vào thời kỳ nào, cần phải chịu trách nhiệm.
Giá sách giáo khoa mới tăng gấp nhiều lần sách cũ |
đào ngọc thạch |
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, do sách giáo khoa không dùng lại được gây lãng phí hàng nghìn tỉ đồng. Số tiền đó, có thể xây hàng nghìn phòng học, nay bị lãng phí do vun vén lợi ích và lãng phí trên mồ hôi, nước mắt do phải chạy vạy tiền trường của một bộ phận phụ huynh – có thể xem là tội ác.
Nhà giáo chúng tôi, đông đảo người dân đang dõi theo vụ việc và mong muốn "thà một lần đau" để thực sự vun trồng cho giáo dục sự liêm chính.
Bình luận (0)