Lặng thầm nâng bước 'Cho con'

24/04/2021 07:00 GMT+7

' Cuộc sống rộng lớn, đâu đó vẫn có nhiều bàn tay cần một cái nắm tay để vực dậy, vươn lên khỏi những chật vật khó khăn thường nhật. Tôi chỉ góp một chút nhỏ bé để con đường đến trường của các con bớt gập ghềnh', cô Thái Thị Lan, ở P.Đông Lương, TP.Đông Hà (Quảng Trị), bộc bạch.

Cho ước mơ bay xa
Giữa tháng 4.2021, cậu học trò Nguyễn Hữu Lộc (ở KP.Vĩnh Phước, P.Đông Lương, TP.Đông Hà) thực hiện chuyến bay mang theo ước mơ trở thành một bác sĩ giỏi đến với Trường đại học Nghiên cứu y khoa quốc gia Nga. Lộc là con nhà nghèo. Ba mẹ Lộc là nông dân, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, quẩn quanh trên 4 sào ruộng khoán với mỗi năm hai vụ lúa để nuôi con ăn học.

Tôi chỉ góp chút sức mình để giúp đường đến trường của các con bớt gập ghềnh. Nghề giáo được ví như người đưa đò chở chữ sang sông, dù mình không còn đứng trên bục giảng thì vẫn có thể tiếp tục tay chèo bằng một sự tiếp sức phía sau

Cô Thái Thị Lan

“Hai vợ chồng nỗ lực hết sức nhưng cũng chỉ đủ đắp vá qua ngày. Vài năm trước, đứa con út bỗng dưng bị bệnh, tóc rụng sạch trơn, mắt kém. Rồi đứa con thứ 2 không may bị tai nạn, mọi thứ có thể bán được trong nhà đều phải bán đi để cứu con. Cháu Lộc đi học nhưng không được bằng bạn bè, không có điều kiện đi học thêm”, anh Nguyễn Hữu Trụ, ba Lộc, bộc bạch.
Trong chồng chất khó khăn, Lộc may mắn gặp được cô Thái Thị Lan. Đó là chuyện của 3 năm về trước, khi cô Lan lần đầu tiên quyết định tham gia chương trình “Cặp lá yêu thương”. “Một mình đi trên một hành trình sẽ rất dài nên tôi tìm thêm đồng đội. Rồi tôi nhận được sự hỗ trợ của cô Lý - một đồng nghiệp dạy học. Thế là từ đó, chương trình hỗ trợ Lộc đều đặn 500.000 đồng/tháng. Gần 3 năm kể từ ngày đầu tiên gặp Lộc cho tới ngày em tốt nghiệp THPT và nhận quyết định đến theo học ngành y ở xứ sở Bạch Dương theo diện học bổng toàn phần”, cô Lan tâm sự.
Anh Trụ nói, với gia đình anh, cô giáo Lan không chỉ là ân nhân mà còn như một người mẹ, người bà. Hơn 20 năm trước, cô cũng là cô giáo dạy anh. “Hồi ấy hoàn cảnh kinh tế khó khăn, việc học đứt đoạn nhưng tôi vẫn luôn nhớ lời cô động viên. Sau này dù khó vẫn cho con đi học. Hôm cô bảo sẽ hỗ trợ con theo học, cả hai vợ chồng tôi mừng, thao thức không ngủ. Gần 3 năm qua và cả chặng đường phía trước của cháu Lộc vững vàng hơn vì có cô cùng đồng hành, không chỉ là sự hỗ trợ vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần”.

Cô giáo Thái Thị Lan trao học bổng Quỹ “Cho con” cho học sinh nghèo vượt khó

Để đường đến trường của con bớt gập ghềnh

Cô Lan bảo, từ ngày gặp lại cậu học trò cũ Nguyễn Hữu Trụ, chia sẻ khó khăn để tiếp sức cho Lộc cũng là động lực để cô sáng lập Quỹ “Cho con” vào cuối năm 2018. Hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, tâm huyết, yêu nghề và tận tâm với từng học trò, cô quan tâm đến từng hoàn cảnh của học sinh như một người mẹ. Nghỉ hưu, cô lại tiếp tục những việc làm thầm lặng của mình. Dù kinh tế không mấy dư dả, mỗi tháng cô vẫn trích 10% tiền lương hưu cho quỹ.

Mời bạn đọc gửi bài tham gia cuộc thi viết Sống đẹp do Báo Thanh Niên tổ chức
với tổng giải thưởng 260 triệu đồng

Câu chuyện phản ánh trong bài dự thi phải là người thật, việc thật. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng để cho cuộc sống ngày một tốt hơn, góp phần lan tỏa những câu chuyện đầy tính nhân văn (nhận bài từ ngày 26.3 đến hết 31.7.2021).
Thể loại: ký sự, phóng sự hoặc ghi chép.
Giải thưởng dành cho tác giả có bài viết dự thi:
1 giải nhất: 30.000.000 đồng.
2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng.
3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng.
5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
5 nhân vật được vinh danh do Ban tổ chức và bạn đọc bình chọn: 30.000.000 đồng/trường hợp.
Bài dự thi gửi qua địa chỉ email chương trình: [email protected], Hoặc bằng thư qua đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi viết Sống đẹp).
Độc giả có thể xem thể lệ chi tiết tại địa chỉ: bit.ly/cuocthivietsongdep
Cũng với việc kêu gọi các nhà hảo tâm, cô còn tìm đến tận các trường, các địa bàn xa xôi từ miền ngược đến miền xuôi để xác minh, thăm hỏi, hỗ trợ học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó, các hoàn cảnh mồ côi... tiếp thêm động lực cho các em đến trường. Với những điểm gần, cô tự mình chạy xe máy, xa hơn thì cô thường nhờ đến con trai mỗi lúc con có thời gian rảnh. Chi phí cho các chuyến khảo sát và trao học bổng đó cô tự bỏ ra. “Mình làm việc gì cũng phải tận tâm, tìm hiểu kỹ để không chỉ hỗ trợ kịp thời mà quan trọng nhất là đúng đối tượng, để sớt chia thiệt thòi, gian khó cùng các em”, cô Lan trải lòng.
Cô Lan kể, ban đầu khi mới thành lập Quỹ “Cho con”, sức lan tỏa còn hạn hẹp nên đa số các suất học bổng cô đều phải... rút tiền túi để bù. Từ khoảng 10 trường hợp được quỹ hỗ trợ khi vừa mới thành lập, đến nay, chỉ sau hơn 2 năm, quỹ đã tiếp sức cho 113 hoàn cảnh học sinh nghèo khó, mồ côi được tiếp tục đến trường. Mỗi suất 10 triệu đồng. Trong đó nhiều em được nhận học bổng lần 2. Ngoài ra có 20 học sinh được nhận hỗ trợ hằng tháng từ 500.000 - 1 triệu đồng.
“Tôi rất vui khi hỗ trợ được nhiều em học sinh khó khăn tưởng chừng phải nghỉ học lại được tiếp tục đến trường để viết tiếp ước mơ của mình. Có một niềm vui khác nữa là các thế hệ học trò cũ của tôi đã trưởng thành, nay biết về quỹ đã chung tay, đồng hành cùng tôi để san sẻ khó khăn với các thế hệ đi sau”, cô Lan nói.
Lặng thầm tiếp sức cho hàng trăm hoàn cảnh khó khăn đến trường, bằng tấm lòng của một người mẹ và tình yêu với nghề giáo, cô Lan nói: “Tôi chỉ góp chút sức mình để giúp đường đến trường của các con bớt gập ghềnh. Nghề giáo được ví như người đưa đò chở chữ sang sông, dù mình không còn đứng trên bục giảng thì vẫn có thể tiếp tục tay chèo bằng một sự tiếp sức phía sau. Cũng từ thông điệp này, tôi mong có nhiều cánh tay nâng đỡ để nhiều hoàn cảnh khó khăn được viết tiếp ước mơ con chữ của mình”.
,truyền cảm hứng , nhân ái, sống đẹp
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.