Lặng thầm trên những chuyến tàu tết

26/01/2025 06:00 GMT+7

Nhiều nhân viên ngành đường sắt hàng chục năm trời không được đón giao thừa ở nhà, họ ở lại, làm việc trên những chuyến tàu tất tả ngược xuôi ngày tết để đảm bảo an toàn cho hành khách về quê đoàn viên với gia đình.

Rộn ràng từ những ngày cuối tháng chạp đến gần nửa tháng giêng, mỗi toa trên chuyến tàu tết đều ăm ắp nỗi nhớ quê nhà, niềm háo hức chờ đón khoảnh khắc đoàn viên hoặc cảm xúc bịn rịn khi rời quê hương đi làm ăn xa. Và có nhiều người vẫn miệt mài làm việc trên những chuyến tàu đặc biệt đó để hàng ngàn hành khách được an toàn trong suốt hành trình về quê, đoàn viên cùng gia đình. Trong đó, có 25 nhân viên của đoàn tàu khách SE30, đoàn tàu cập tại ga Quy Nhơn (Bình Định).

Những chuyến tàu xuyên tết

Tàu vút qua ga Dĩ An (Bình Dương). Phố hoa rực rỡ, rộn bừng sắc xuân. Dáng người mẹ già khoác áo ấm, đội nón lá, vai gánh mớ rau, tay khệ nệ giỏ trầu cau, vài trái cây hái từ vườn sau bao ngày vun xới; những cô hàng xén cấp tập buôn… lướt qua ô cửa kính khiến lòng người háo hức. Ai cũng muốn về nhà thật nhanh.

Ở góc xa, khi khung cảnh ngày giáp tết vun vút chạy trong những đôi mắt háo hức về nhà thì anh Nguyễn Cường, trưởng tàu SE30, ngồi yên tĩnh lặng lẽ. Dường như sâu trong đáy mắt kia đang chan chứa, lấp lánh những cảm xúc, vừa như tự hào, vừa như bồi hồi. Tôi tìm cách tiếp cận bằng cách theo chân anh đi dọc các toa tàu, kiểm tra từng vị trí ngồi và an toàn của hành khách.

Lặng thầm trên những chuyến tàu tết- Ảnh 1.

Nhiều nhân viên ngành đường sắt chọn ở lại làm việc trên các chuyến tàu tết để phục vụ hành khách

ẢNH: MỊ DUNG

Ngày thường, anh Cường làm việc trên tàu SNT2/1 và SE8/7, còn tàu SE30/29 là tàu tăng cường, chỉ có vào dịp lễ tết khi nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao. Từ ngày 17.1 - 9.2, 2 chuyến tàu SE29, SE30 chạy tuyến TPHCM - TP.Quy Nhơn và ngược lại sẽ hoạt động. Mùa tết này, anh Cường đi tổng cộng 11 chuyến. Cứ sáng về, tối lại đi, gọi vui là "bao tàu tất cả các mùng".

"Làm nghề hai mươi mấy năm, hầu như tôi đón tết trên tàu. Nói thật lòng, đưa bà con về quê ăn tết, đoàn tụ, sum họp cùng gia đình là niềm vui của người làm ngành đường sắt. Trên tàu hôm nay có 25 nhân viên, phục vụ 12 toa xe chở khách, 1 xe hàng cơm và 1 xe công vụ. Mỗi dịp tết đến, lại nhớ gia đình da diết. Nhưng nghĩ đến hàng trăm hành khách đang háo hức về quê sum họp, chúng tôi lại thấy mình cần phải có mặt ở đây. Công việc của chúng tôi là đảm bảo an toàn cho mọi người, đó là trách nhiệm và niềm tự hào", anh Nguyễn Cường chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Tường Quy, một nhân viên phục vụ trên tàu, đôi mắt ươn ướt khi nhắc về gia đình ở quê nhà. Chị tâm sự: "Năm nào cũng vậy, tết đến là tôi lại nhớ mâm cơm tất niên cùng gia đình. Nhưng khi nhìn thấy những nụ cười trên gương mặt hành khách, tôi thấy mình thật may mắn. Được phục vụ mọi người cũng là một niềm vui. Mặc dù xa nhà nhưng tôi luôn cảm thấy ấm áp khi được đồng hành cùng các đồng nghiệp và hành khách".

Trong số những hành khách trên tàu, có ông Hữu Toàn đang trên đường về quê thăm mẹ già. Ông Toàn chia sẻ: "Về Quy Nhơn với tôi là một niềm hạnh phúc lớn. Tôi bay từ Mỹ về TP.HCM và lần này tôi muốn về quê mẹ, thăm bà con lối xóm ở Bình Định. Đi đâu thì cũng về nơi chôn nhau cắt rốn mới thấy ấm áp nghĩa tình. Tôi rất cảm ơn các nhân viên ngành đường sắt đã làm việc vất vả để chúng tôi có thể về nhà đón tết".

Bạn Diệu Lý, một sinh viên, cũng bày tỏ sự biết ơn đến các nhân viên trên tàu. Bạn Lý nói: "Mình có anh trai cũng làm ngành đường sắt, tết không về quê được nên tranh thủ anh em gặp nhau trên tàu luôn. Cảm ơn những hy sinh thầm lặng của nhân viên đường sắt".

Ấm áp những chuyến tàu tết 

Theo anh Cường, đêm giao thừa, nhân viên trên tàu thường làm lễ cúng nho nhỏ, vì ai cũng coi tàu là nhà. Cũng sửa soạn mâm trái cây, bánh kẹo rồi cùng hành khách đón giao thừa trên tàu.

"Có những hành khách nước ngoài được mời xuống toa căn tin đón tết. Họ bất ngờ lắm. Họ nói thật thú vị về tết cổ truyền Việt Nam, lại còn đón trên tàu mới lạ lùng nữa chứ", anh Cường nói.

Lặng thầm trên những chuyến tàu tết- Ảnh 2.

Bữa cơm của các nhân viên ngành đường sắt trong chuyến tàu giáp tết

ẢNH: MỊ DUNG

Anh Nguyễn Văn Dũng (quê H.Nông Cống, Thanh Hóa), Phó tàu khách đoàn tàu SE30, có hơn 13 năm gắn bó với ngành đường sắt. Từ khi làm nghề này, chưa năm nào anh được đón tết ở nhà. "Năm đầu tiên, 2 vợ chồng đi tàu đêm giao thừa, ông bà đều động viên cố gắng. Nam giới cứng rắn, còn vợ rưng rưng nhớ nhà, nhớ cha mẹ. Nhưng đó là hồi còn mới vào ngành, chứ bây giờ thì không còn khóc nữa, lâu rồi cũng chai sạn", anh Dũng cười hề hề.

Vợ anh Dũng công tác trên tàu TN56 đi từ Sài Gòn - Hà Nội, các con gửi về ông bà ngoại để đón tết. "Đã nhiều năm rồi, tuy vất vả nhưng hành trình đưa hành khách về quê hương trên những chuyến tàu tết cũng đầy dư vị và luôn ấm áp. Vợ chồng tôi bàn nhau chọn thời gian thấp điểm, khách ít sẽ xin nghỉ phép về quê 2 bên nội ngoại, thăm họ hàng", anh Dũng chia sẻ. 

Đêm về khuya, khung cửa sổ mờ hơi nước, chị Tường Quy lặng lẽ nhìn ra ngoài. Ánh đèn của những ngôi nhà ven đường loang loáng. Chợt tiếng chuông điện thoại vang lên, chị đứng nép vào ô cửa, bắt máy, tiếng tàu át tiếng chị. Tôi chỉ nghe bập bõm: "A lô. Má hả? Má mặc cái áo ấm con gửi về chưa? Đẹp không má ? Dạ, năm nay con không về tết được, chừng nào khách vắng con sẽ xin phép. Má đừng buồn nhen, qua tết con về thăm má..."

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.