Lang thang ngõ ngách Hà Nội - Kỳ 1: Người ta sống sao ở ngõ siêu nhỏ Phố cổ?
03/05/2018 12:14 GMT+7
Xe máy không vào được nhà, mua đồ phải tháo rời, thậm chí, phải thuê xe cẩu để cẩu đồ qua mái nhà hàng xóm rồi mới chuyển được vào trong nhà của mình... đó là những chuyện bi hài trong các ngõ siêu nhỏ ở Hà Nội.
Tự động phát
Đối lập với vẻ ngoài hào nhoáng, phồn hoa ở mặt đường phố cổ là cảnh sinh hoạt chật vật, gò bó của người dân sống trong những con ngõ sâu hun hút, chỉ vừa đủ cho một người đi qua và quanh năm không thấy ánh mặt trời.
Trên khắp các tuyến phố như: Hàng Buồm, Hàng Chiếu, Ngõ Gạch, Lò Xũ... không khó để tìm thấy những ngõ rộng chưa đầy 1 mét, sâu tít tắp vào bên trong, phải bật điện suốt 24/24 thì mới thấy lối đi.
VIDEO: Chuyện bi hài trong những con ngõ nhỏ nhất Hà Nội
|
“Ngõ nhỏ, phố nhỏ ...” là hình ảnh quá đỗi quen thuộc đối với nhiều người dân sinh sống trên khu vực phố cổ Hà Nội. Hầu hết các ngõ này nhìn vào đều xập xệ, xuống cấp, những bức tường ẩm mốc, bong tróc, lối đi tối tăm, quanh năm không thấy ánh mặt trời. Có một điểm chung nữa là trước mỗi cửa ngõ có một hệ thống dây điện, đường ống dẫn nước chằng chịt quấn vào nhau.
Ngõ 86 Hàng Buồm rộng 60cm nhưng sâu đến 20m là không gian sinh hoạt của 4 hộ dân. Đây là một trong những ngõ được người dân ví như “hầm địa đạo” ở thời xưa, bởi nó không chỉ nhỏ hẹp mà còn hạn chế về chiều cao.
|
Bà Lê Thị Nghĩa (56 tuổi, người dân trong ngõ 86 Hàng Buồm) cho biết: “Vì ngõ quá nhỏ nên mỗi khi cho xe ra hoặc vào là mọi người phải ngồi trên xe rồi đi thẳng vào trong chứ không dắt xe được. Khi chọn mua đồ trong nhà như tủ lạnh, máy giặt... khi cần thay đổi cái mới đều phải cân nhắc, áng chừng xem có lọt qua ngõ không thì mới dám mua, còn như mua bàn ghế hay gường tủ những thứ có thể tháo ra được thì sẽ tháo rời ra để vận chuyển vào trong nhà rồi nhờ người đến lắp ”.
Tương tự như ngõ 86 Hàng Buồm, ngõ số 55 Hàng Chiếu còn khiến cho người dân ngột ngạt, khó chịu hơn khi có đến 15 hộ sinh sống. Để tiết kiệm diện tích mọi đồ đạc trong ngõ luôn được mọi người nhắc nhau phải thu xếp gọn gàng, nhiều nhà phải chung nhau một khu sân giếng để sinh hoạt, nấu nướng.
|
Bà Đỗ Thị Thu (52 tuổi, người dân sống trong ngõ) cho biết: “Trước đây, cả ngõ chỉ có 7 hộ. Nhưng giờ nhiều nhà có con lớn lập gia đình nên số hộ tăng lên, ngõ ngày càng thêm chật chội, bí bách, thậm chí không khí cũng bị ô nhiễm theo bởi không gian ngột ngạt và rác thải nhiều".
Vậy nhưng, hai ngõ trên vẫn được xem là rộng so với ngõ được mệnh danh là “ngõ nhỏ nhất Hà Nội” nằm ở số 14, ngõ Gạch. Ngõ này có chiều rộng chưa tới 50cm. Ngõ này không chỉ nhỏ, sâu mà lối đi còn ngoằn nghoèo, gấp khúc nhiều đoạn chỉ vừa đủ cho một người qua lại.
Bà Đặng Thị Huệ (56 tuổi, người dân sống trong ngõ 14 ngõ Gạch) cho biết, trước đây ngõ này nhỏ nhưng không hẹp đến vậy. Vài năm trở lại đây, một số hộ gia đình ở phía ngoài mặt đường có điều kiện xây lại nhà rồi mỗi nhà lấn thêm một chút nên giờ ngõ nhỏ đến mức xe máy cũng chui không lọt được nữa, tất cả các hộ đều phải gửi xe ở ngoài.
|
|
Bi hài trong sinh hoạt
Bà Nguyễn Thị Lan (64 tuổi, bán hàng nước trước ngõ 55 Hàng Chiếu) cho biết vì nhiều người mở hàng buôn bán như: sửa xe, hàng ăn, hàng nước... nên ngoài một số người đi bán ở các địa điểm khác thì chỗ vỉa hè ở trước ngõ một ngày sẽ được chia làm 3, 4 ca.
Buổi sáng và buổi trưa sẽ dành cho những người bán hàng ăn, đến buổi chiều thì đến lượt bà Lan dọn hàng nước và một người nữa bán bánh mì.
Chuyện bi hài trong các con ngõ nhỏ không chỉ dừng lại ở việc chia nhau giờ làm kiếm miếng cơm, manh áo, đợi chờ nhau mỗi khi tắm, giặt hay việc nhường cho nhau lối đi... mà ở ngõ 14 câu chuyện "giải quyết người chết" cũng khiến nhiều người phải ngạc nhiên.
“Từ khi ngõ nhỏ lại, việc sinh hoạt trở nên khó khăn hơn, nhất là những lúc gia đình cần mua thêm thứ gì đó lớn lớn không cho lọt qua ngõ được, phải thuê xe cẩu, cẩu đồ qua mái nhà hàng xóm phía trước rồi mới chuyển vào trong nhà mình. Khổ sở nhất là nhà nào có người ốm lúc hấp hối là không để ở nhà được phải mang ra viện ngay chứ để chết ở trong nhà. Không đâu xa, như mẹ chồng tôi trước đây con cái phải cõng cụ từ trong nhà chạy đầu đường vì cáng cấp cứu không lọt qua ngõ được”, bà Đặng Thị Huệ chia sẻ.
|
|
Một người dân khác trong ngõ cho biết, vì sự khác biệt đó mà có rất nhiều vị khách nước ngoài khi đi qua ngõ Gạch sẽ ghé vào ngõ 14 để tham quan, chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói cho đến một hôm có một người phụ nữ nước ngoài mang thân hình quá khổ nhưng vẫn muốn chen vào xem bằng được, khi vào ngõ người này phải đi ngang người thì mới lọt được vào bên trong ngõ.
Ở trong cảnh chật chội như vậy, nhiều người cũng không khỏi lo sợ. Bà Đặng Tuyết Liên (61 tuổi, nhà trong ngõ 55 Hàng Chiếu) chia sẻ: “Sắp tới là mùa hè, sợ nhất là bị mất điện, mất nước, mỗi lần mất điện là cả xóm không thấy lối mà đi... Dù từ trước đến nay chưa từng xảy ra nhưng tôi vẫn lo không may bị chập điện hay cháy nổ bởi đường dây điện ở ngõ chằng chịt, chồng chéo lên nhau rất nguy hiểm”.
Nhìn các cháu nhỏ chạy nhảy, vui đùa trong không gian nhỏ hẹp trước ngõ, bà Đỗ Thị Thu thổn thức: “Nếu bây giờ có một điều ước, tôi chỉ ước có một vị đại gia nào đó đến mua được hết cả con ngõ này, để mọi người được chuyển đi một nơi khác có điều kiện sống tốt hơn”.
Bình luận (0)