Lang thang ngõ ngách Hà Nội - Kỳ 4: Truyền kỳ 'Trai ngõ Trạm, gái Tạm Thương'

06/05/2018 09:33 GMT+7

Ngõ Tạm Thương nổi danh vì có đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan và tích truyền miệng về chuyện tình của mấy anh lính trạm xa nhà cùng những cô gái hay... thương người.

Khi Hà Nội dân cư tập trung đông đúc, người ta đặt tên các lối đi lại nhỏ từ đường, phố vào các cụm dân cư đô thị là ngõ (kiệt). Còn các lối đi lại hẹp từ ngõ vào sâu hơn nữa gọi là ngách (hẻm) để dễ phân biệt.
Ngõ Hà Nội có nhiều chuyện để kể, ngõ của phố chính là nơi dệt ra nét thực đời sống phố thị. Người ta nhớ đến Hà Nội đâu chỉ bởi những danh lam thắng cảnh nổi tiếng hay 36 phố phường đông đúc, đôi khi người ta nhớ về Hà Nội còn bởi những điều giản dị, thân quen ở từng con ngõ, góc phố. Bởi ngõ, ngách nào ở đây cũng chứa một câu chuyện của riêng mình.
Trái ngược với sự ồn ào, náo nhiệt, chen chúc nhau trên khắp các tuyến phố, những con ngõ ở Hà Nội dù lớn hay nhỏ, đều mang nét bình dị và màu sắc riêng.
Nằm lọt thỏm giữa phố Hàng Bông (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) náo nhiệt, con ngõ nhỏ mang tên Tạm Thương từng nổi danh vì có đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan và tích truyền miệng về chuyện tình của mấy người lính trạm xa nhà cùng những cô gái hay... thương người.
VIDEO: Ngõ Tạm Thương ngày ấy - bây giờ
'Trai ngõ Trạm, gái Tạm Thương'
Đây là câu nói được người dân nhắc đến nhiều nhất mỗi khi được hỏi đến cuộc sống của người dân Tạm Thương ngày xưa. Nhưng vì sao lại có câu nói này thì ít ai còn có thể nhớ để giải nghĩa chính xác được.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, 66 Tuổi, sống tại số nhà 25, ngõ Tạm Thương cho biết: “Người xưa truyền miệng rằng Trai ngõ Trạm, gái Tạm Thương để chỉ đặc điểm của người dân trong ngõ này. Bởi dân ở đây  ghê gớm, đanh đá, chua ngoa... nhưng nào phải vậy. Tôi được nghe ông, cha kể lại, ở thời nhà Lý, ngõ Tạm Thương có một kho chứa thóc thuế. Người dân ở đây, con trai được tuyển làm lính gác trông kho, con gái thì làm nghề buôn thóc. Dân làng khác khi đến nộp thóc nghĩ rằng kho thóc đặt ở đây thì dân sẽ được lợi, bớt xén vì vậy nên họ ghét rồi có câu ngạn ngữ kia”.
Con ngõ nhỏ Tạm Thương treo rợp cờ cổ truyền nhân dịp lễ Kỷ niệm ngày sinh của Nguyên Phi Ỷ Lan (ngày 7.3 âm lịch) Ảnh: Lê Nhàn
Bà Nguyễn Thị Thúy Lan, 75 tuổi, sống tại số nhà 4, ngõ Tạm Thương lại kể rằng, trước đây thời Pháp thuộc, ngõ Tạm Thương này là nơi tìm đến vui chơi thường xuyên của nhiều ông lính Pháp. Vì ở đây có những người phụ nữ hành nghề “bán hoa” tức là nghề mại dâm ngày nay. Kể từ đó người đời mới có câu “gái Tạm Thương” là vậy.

Câu nói này không chỉ có nhiều khẩu truyền khác nhau mà còn làm tiêu tốn biết bao giấy mực của giới chuyên gia để đi tìm và giải nghĩa câu nói này.
Cuộc sống trong con ngõ nhỏ
Hiện nay, ngõ Tạm Thương không còn giữ được vẹn nguyên vẻ truyền thống ngày xưa nhưng vẫn giữ riêng cho mình những nét hoài cổ đặc sắc như: những chiếc giếng cổ hàng trăm năm tuổi, ngôi đền Yên Thái - nơi thờ Nguyên phi Ỷ Lan hay truyền thống treo cờ cổ truyền của người dân.
Vào các ngày mùng một đầu tháng, ngày rằm hay những ngày lễ, tết người dân Tạm Thương không đợi ai nhắc cũng tự nhớ mang cờ ra treo và lên đền thắp nhang, cầu khấn để cho tinh thần được thoải mái và an yên.
Ông Trịnh Bá Lưỡng 78 tuổi, trưởng tiểu ban quản lý đình Yên Thái Ảnh: Lê Nhàn
Bên cạnh những nét hoài cổ, ngõ Tạm Thương ngày nay có nhiều đổi khác những căn nhà cao tầng, khang trang mọc san sát nhau, các cửa hàng buôn bán với đầy đủ các loại hàng hóa và đặc biệt nổi tiếng là món nem rán thơm ngon, béo ngậy nổi tiếng với dân sành ăn ở Hà Thành.
Ban ngày, con ngõ khá yên tĩnh, thậm chí rất vắng vẻ. Từ khoảng 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm, Tạm Thương được biết đến như một điểm nhậu bình dân.
Nem chua rán là đặc sản ở ngõ Tạm Thương - một trong những thức quà vặt được ưa chuộng ở Hà Nội Ảnh: Ngọc Nhi
Ông Phạm Văn Dũng (60 tuổi, người dân trong ngõ) cho hay: “Năm 1996, tôi là người đầu tiên bán nem rán ở đây. Khi đó các quán chủ yếu bán phở, bún, rượu... còn nhà tôi thì bán nem rán ở ngoài đường, sau này phố sá đông, người ta cấm bán hàng vỉa hè thì tôi lại mới lùi quán vào trong ngõ này. Thời điểm bán nem chạy nhất là vào mùa đông, tầm 4 - 5 giờ chiều, có những hôm người dân muốn đi vào ngõ cũng không đi được bởi hai bên ngõ đã chật cứng xe của người đến ăn nem”.
Cả con ngõ chỉ dài chừng 800m nhưng có hơn chục quán nem chua mở san sát nhau. Khách đến ăn nem chủ yếu là học sinh, sinh viên đến sau giờ học… có những quán khách đến quá đông mà quán chỉ rộng không đến 10m2 khiến nhiều người đến ăn phải ngồi ghép đoàn hoặc ngồi ra đường, không thì phải đứng chờ. 
Nhộn nhịp buôn bán là thế nhưng khi đi đến Tạm Thương mới biết. Mọi thứ trong ngõ như đọng lại với thời gian bởi người dân Tạm Thương vẫn giữ cho mình sự lịch thiệp, bình dị và chậm rãi của người Hà Nội xưa, khác xa với những xô bồ, ồn ào của phố xá tấp nập ngoài kia.
Một số loại quả và nước uống được bán kèm với nem rán tại quán nem Bà Già Ảnh: Lê Nhàn
Ngõ nhỏ đến tầm chiều lại càng trở nên hẹp hơn bởi nhiều quán phải kê thêm bàn ghế ra đường để có thêm nơi phục vụ thực khách đến ăn nem Ảnh: Ngọc Nhi
Khách Tây ghé qua khám phá con ngõ nhỏ Ảnh: Ngọc Nhi
Bà Nguyễn Thị Thúy Lan chia sẻ về câu chuyện ngõ Tạm Thương xưa và nay Ảnh: Ngọc Nhi
Đình Yên Thái nay trở thành di tích lịch sử văn hóa tâm linh được người dân gìn giữ cho đến ngày nay. Ảnh: Ngọc Nhi
Trong cuốn sách “Đi xuyên Hà Nội” tác giả Nguyễn Ngọc Tiến viết: Có người giải thích, do lính trạm, phu trạm cư ngụ trong ngõ dẫn vào nhà trạm ỷ thế “hỏa tốc” và hộ tống các quan lớn nên hay sừng sộ, hạch sách dân chúng khiến ai nghe tới danh “Trai ngõ Trạm” cũng khiếp sợ.
Còn Tạm Thương là “kho tạm chưa thóc thuế các làng nộp trước khi chuyển vào kho chính trong Thành. Kho tạm này đặt ở làng Yên Thái, gần đền Yên Thái “nơi thờ Nguyên phi Hoàng Thái hậu Ỷ Lan” trong ngõ Tạm Thương ngày nay. Tại kho, dùng nhiều phụ nữ để cân đông và chuyển vận gạo thóc, những người này hay nạt nộ sách nhiễu dân nộp thuế nên gặp những gái Tạm Thương là nhiều người muốn tránh xa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.