Trong không gian gợi nhớ những hàng phở xưa, tại đình làng Vân Cù sáng nay 15.3, những công cụ, nguyên liệu để làm nên món phở được trưng bày. Khắp nơi là tiếng dao, tiếng thớt thái thịt, thái rau xen lẫn tiếng nói, tiếng cười... Hương vị của hoa hồi, quế, đinh hương, hạt rau mùi và thảo quả… tạo nên mùi nước dùng nồng nàn, bốc khói thơm nức, lan tỏa khắp khuôn viên đình làng.
Tại đây, người Vân Cù đã cùng nhau kể câu chuyện về phở, chia sẻ hành trình mang phở đi muôn nơi và tự hào biểu diễn những tinh hoa của nghề phở đến với công chúng.
Festival Phở 2024 với người dân làng Vân Cù không chỉ là cơ hội quảng diễn nghệ thuật ẩm thực của địa phương mà còn là nơi mọi người được gửi gắm niềm yêu thương, niềm tự hào về một món ăn mang hồn cốt của dân tộc Việt.
Chia sẻ tại lễ hội, nghệ nhân Cồ Huy Đồi, Chủ tịch CLB Phở Vân Cù, nói: "Ngày hôm nay, những người con Vân Cù trên mọi miền Tổ quốc đều trở về quê hương để cùng nhau vinh danh nghề phở.
Tới đây, làng Vân Cù sẽ lập hồ sơ tôn vinh nghề phở trở thành Di sản văn hóa phi vật thể. Đó là những niềm tự hào lớn lao đối với làng, đối với những người con Vân Cù đã nỗ lực duy trì và phát triển nghề cha ông để lại".
Cũng trong buổi Festival, các nghệ nhân phở là con em của làng từ khắp mọi miền đất nước đều tụ họp.
Tại lễ hội Vinh danh nghề Phở năm nay, Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan và làng Vân Cù tổ chức lễ ký kết đồng hành hỗ trợ lập hồ sơ tôn vinh nghề phở trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hướng đến trình UNESCO công nhận nghề phở là Di sản văn hóa thế giới.
Từ xa xưa, làng Vân Cù được biết đến là cái nôi của nghề phở Việt. Các thương hiệu phở tại đây đều được truyền lại từ nhiều đời.
Cũng từ đây, người Vân Cù đã mang gánh phở của mình đi khắp nơi lập nghiệp, góp phần quan trọng trong việc hình thành món phở và phổ biến phở từ trong nước tới quốc tế.
Bình luận (0)