(TNO) Những lùm xùm bản quyền tác giả bài thơ Tổ quốc gọi tên giữa Nguyễn Phan Quế Mai và Ngô Xuân Phúc chưa kịp lắng xuống với bằng chứng, lý lẽ từ hai bên đưa ra và có lẽ sẽ gặp nhau tại tòa thì làng văn nghệ lại một lần nữa 'dậy sóng' với nghi án tập thơ Sẹo độc lập của Phan Huyền Thư có bài 'đạo thơ' của Du Tử Lê...
Phan Huyền Thư và tập thơ 'Sẹo độc lập', trong đó có bài thơ 'Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn' đang gây xôn xao văn đàn |
Ồn ào khi vừa nhận giải thưởng
Nhà thơ Phan Huyền Thư là một cây bút khá nổi tiếng, chị là con gái của cố nhạc sĩ Phan Lạc Hoa và ca sĩ Thanh Hoa. Mới đây Phan Huyền Thư đoạt được giải thưởng ở hạng mục thơ của Hội nhà văn Hà Nội cho tác phẩm Sẹo độc lập, trong đó có bài thơ Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn. Đây là bài thơ đang có nhiều ý kiến trái chiều.
Trong bài thơ Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn có đoạn: "Nếu tôi chết hãy đem tôi ra biển/ vì tôi là hạt muối buồn/ kết tủa từ cô đơn/ tự ăn mòn mình bằng mơ mộng/ Nếu tôi chết hãy ném tôi vào sóng/ cào đến xước mặt hoàng hôn/ nàng tiên cá hát ru con/ mê hoặc đêm trăng những chàng thủy thủ…". Còn bài thơ Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển của Du Tử Lê ở hải ngoại ra đời cách đây khá lâu có đoạn: "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/ đời lưu vong không cả một ngôi mồ/ vùi đất lạ thịt xương e khó rã/ hồn không đi sao trở lại quê nhà/ Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/ nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi/ bên kia biển là quê hương tôi đó/ rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì...”.
Phát hiện ra sự trùng hợp khó hiểu này, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng: “Từng đã có người viết câu trước câu như thế này thì mình viết sau phải tránh va vào là chuyện nên làm. Ví dụ: Trăm năm trăm cõi người ta của Nguyễn Du, bây giờ dám ai mang vào thơ của mình không? Lâu nay cũng có việc một số tác giả mượn ý thơ của nhau là bình thường. Tôi thì cho rằng sáng tác của Phan Huyền Thư nên được gọi là tác phẩm phái sinh thì đúng hơn, chứ không thể của mình được”.
Nhà thơ Trương Nam Hương nêu quan điểm: “Nếu nói Phan Huyền Thư đạo thơ, cầm nhầm thơ thì nặng nề quá. Trước đây đã từng có lời một bài hát: “Nếu tôi chết, hãy chôn tôi dưới cây đàn ghita”, sau này là bài thơ Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển của Du Tử Lê. Mô-tip này quá quen thuộc rồi, nên theo tôi khi làm thơ, dù ý tưởng có chợt đến với mình, nhà thơ cũng tỉnh táo nên tránh xa. Đọc thơ mới sáng tác mà người ta nghe giống giống ở đâu đó thì nguy lắm. Hết sức tránh đi lạc vào lối mòn của người khác đã đi”.
Còn nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, người được tác giả Phan Huyền Thư đề tặng bài thơ này có tâm sự khác: “Tôi được biết bài thơ Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển của Du Tử Lê đã quá nổi tiếng ở hải ngoại, sau này được phổ nhạc lại càng được nhiều người biết đến. Trong khi đó câu thơ Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển được Du Tử Lê sử dụng nhiều lần trong bài như một cái tứ “xương sống” xuyên suốt. Vỉ vậy, khi bài Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn của Phan Huyền Thư có câu này tương đối giống mà gọi là thơ cũng không đúng. Phải chăng có sự tư tưởng lớn gặp nhau ở đây chăng? Tuy nhiên, có thể sau này khi in, Phan Huyền Thư nên in nghiêng câu này và đề bên dưới là ý của Du Tử Lê thì hay hơn”.
Nhà thơ Phan Huyền Thư nói gì?
Liên quan vấn đề này, nhà thơ Phan Huyền Thư cho biết: "Thời gian đó, năm 2008, tôi vừa phải sống trong một sự phản bội ghê gớm của những người thân thiết. Trải qua một năm khủng khiếp của sự miệt thị, quy chụp tôi đủ thứ, trong khi đó chỉ là việc đi sưu tầm lại các tư liệu và tiểu sử của ba nhà thơ tiền bối để phục vụ cho việc làm một bản poster (tôi nhấn mạnh là một bản poster duy nhất, độc bản) để trưng bày trong Ngày thơ Việt Nam. Sau 3 tiếng đồng hồ, người ta tháo xuống và cất đi đâu không rõ. Không phải là tác phẩm mang tính chất tác giả, không xuất bản in ấn phát hành hay doanh thu gì ngoài việc tôi vinh danh người khác. Vì vậy, khi tôi thoáng gặp ý thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, bài Đồng dao cho người lớn có câu: “Có người đang sống, mà như qua đời/ Có cái chớp mắt đã ngàn năm trôi…”. Nếu muốn chỉ ra sự vay mượn của tôi trong bài thơ thì phải là ý thơ này chứ không phải lời trăn trối muốn được về cố hương của Du Tử Lê”.
Phan Huyền Thư khẳng định: “Có một điều chắc chắn, tôi chưa hề biết có bài thơ và ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Phạm Đình Chương cho đến đêm chủ nhật, 11.10.2015 vừa rồi, đúng một ngày sau khi tôi chính thức nhận giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội. Đêm đó, sau khi nhậu vui cùng anh em văn chương mừng giải thưởng của tôi và anh Phương, tôi mới viết lại bài thơ Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn gửi nhà thơ Nguyễn Việt Chiến và post lại trên Facebook. Hôm sau, chính thức tôi mới biết một sự thật rằng đã từng tồn tại một ca khúc tên là Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, lời của Du Tử Lê".
"Thực ra nhà thơ viết lời cho bạn làm nhạc cũng là chuyện thường, tôi cũng vẫn làm vậy với một số nhạc sĩ, nên tôi tìm để nghe. Sau đó, tôi lại biết thêm một thông tin nữa rằng Du Tử Lê có một bài thơ cùng tên sáng tác tháng 12.1977 chứ đó không chỉ là ca từ. Và tôi cũng đã tìm thông tin trên mạng để đọc và tìm hiểu. Tôi cho rằng đây không phải là ca khúc và tác phẩm thi ca được phổ biến rộng rãi trong đời sống văn học cũng như âm nhạc ở Việt Nam trước những năm 2005 trở về trước. Vì tôi cũng là người rất chịu khó nghe và tìm hiểu âm nhạc, ca khúc do đặc thù công việc của mình. Tôi chưa nghe, chưa đọc bao giờ thì không chắc nhiều người đã thuộc nằm lòng và coi đó là tác phẩm nổi tiếng như báo chí nhận định. Đến lúc này, tôi còn không dám chắc ca khúc này đã được cấp phép của Cục biểu diễn nghệ thuật để phổ biến ở Việt Nam hay chưa”, Phan Huyền Thư nói.
Nhà thơ Phan Huyền Thư nói thêm: “Mọi người hãy đặt hai bài thơ cạnh nhau và im lặng đọc trọn vẹn từ đầu tới cuối. Đọc hết rồi muốn phán xét thế nào tôi cũng thấy vui vì thơ mình được đến với người đọc. Tôi không có gì phải đôi chối ở đây cả, đến mức đối với tôi “đã chết vẫn tốt hơn” thì tôi cần gì đâu”.
Hiện nhà thơ Du Tử Lê ở hải ngoại vẫn chưa lên tiếng gì về vấn đề này.
Bình luận (0)