Làng Vạn Thọ là nơi cưu mang sinh viên khoa Ngữ văn chúng tôi suốt những tháng năm sơ tán, bắt đầu từ năm 1965. Năm ấy tôi may mắn được tuyển chọn vào khoa Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội, vì là năm đầu tiên Mỹ chính thức ném bom miền Bắc nên không thể tổ chức thi đại học. Tôi vừa được giấy báo vào đại học thì lập tức phải sơ tán lên Đại Từ, Thái Nguyên. Bắt đầu học trọn gói cả 4 năm đại học trên núi rừng Việt Bắc.
Làng Vạn Thọ nơi chúng tôi "cập bến" là làng dựa lưng vào núi, dân làng thì một nửa người Tày một nửa người Kinh, vừa cấy lúa trồng khoai, cả khoai lang và khoai mì, vừa đi rừng khai thác những sản vật của rừng. Lại thêm nghề sao chế chè móc câu và nấu rượu gạo, nên đời sống dân làng Vạn Thọ tương đối dễ chịu, không gia đình nào quá nghèo.
Lớp Văn 1 chúng tôi chiếm lĩnh "xóm" suối Đôi, nhà bếp tập thể được chúng tôi dựng gần con suối nước trong leo lẻo, thuận lợi nhiều bề. Lớp học cất ở xóm Núi, để tránh máy bay Mỹ, nên nội thất lớp đào âm dưới đất, có lối thoát là một chiến hào. Thời đó, Bác Hồ bảo đừng gọi chúng tôi là sinh viên, chỉ gọi là học sinh thôi, để chúng tôi biết khiêm nhường mà phấn đấu.
Mới nhập học, tất cả chúng tôi đều được phân công ở nhà dân, nhà nào rộng thì ở hai hoặc ba người. Tôi, anh Dương Hòa Bình và bạn Cao Văn Định được phân công ở nhà ông Bính, một gia đình "trung nông cứng cựa". Ông Bính dành cho 3 người chúng tôi một phòng riêng hẳn hoi, có giường nằm tử tế. Sáng ngủ dậy còn được chủ nhà cho một đĩa khoai lang hay khoai mì lót dạ. Quá tươm tất.
Từ xóm Núi nơi lớp Văn 1 và Văn 2 ở, đi dọc đường chân núi tới xóm Tràng Dương, là nơi lớp Văn 3 cư ngụ. Đó là lớp có sinh viên Nguyễn Phú Trọng, sau này là Tổng bí thư Đảng, theo học. Ông Trọng học trên chúng tôi hai lớp, gọi là lớp Văn khóa 8, chúng tôi lớp Văn khóa 10. Lớp ông Nguyễn Phú Trọng có 2 năm học ở Hà Nội, 2 năm cuối học ở sơ tán. Lớp Văn 3 năm ấy rất đông, tới ngót trăm sinh viên.
Xóm Tràng Dương có đặt thư viện của khoa Ngữ văn, nên các thầy cô giáo tập trung ở xóm này. Chỉ riêng thầy Hoàng Như Mai là có nhà ở suối Đôi, chúng tôi hay lội suối sang chơi với thầy.
Thầy Mai là một nhà giáo và một nghệ sĩ. Thầy đã từng ở trong một đoàn kịch rất nổi tiếng, ngay sau Cách mạng tháng Tám đã đi lưu diễn nhiều nơi trong nước. Thầy có giọng đọc thơ tuyệt hay, trầm hùng ấm áp.
Các thầy cô dạy chúng tôi ngày ấy đều là những bậc thầy rất giỏi, từ thầy Nguyễn Tài Cẩn chuyên gia ngôn ngữ học tới thầy Đinh Gia Khánh chuyên gia văn học dân gian. Rồi thầy Trần Đình Hượu chuyên gia văn triết phương Đông, thầy Hoàng Như Mai dạy văn học Việt Nam, bằng giọng đọc thơ và những câu chuyện đời thầy kể về các văn nghệ sĩ đã khiến đám học trò chúng tôi mê mẩn.
Tôi nhớ thầy Nguyễn Kim Đính dạy văn học Nga - Xô viết, vì thầy có kiến thức văn học Nga uyên bác lại vừa có thơ in ở tuyển tập thơ Việt Nam thời ấy. Khi vào năm thứ nhất, mấy anh em chúng tôi rất mê văn học Nga - Xô viết nên đăng ký học ban này, đêm liên hoan văn nghệ trường tổng hợp, nhóm "văn học Nga - Xô viết" chúng tôi đăng ký hát mấy bài hát Nga, trong đó có bài "Thời thanh niên sôi nổi" rất nổi tiếng hồi đó, hát cả tiếng Nga và tiếng Việt.
Học đại học nơi sơ tán, khổ mà vui. Chúng tôi ở nhà dân, được bà con thương, coi như người thân trong nhà. Tôi có người bạn thân lớn tuổi hơn học cùng lớp là anh Nguyễn Văn Đồng, hai chúng tôi hay quây quần dưới bếp nhà anh Lộc, một chủ nhà rất dễ thương, nơi anh Đồng tá túc. Nhà anh Lộc hay nấu rượu gạo, lại thường xuyên sao chế chè móc câu, nên hai chúng tôi học lỏm theo hai nghề này, vừa có trà uống vừa có rượu lai rai những đêm đông lạnh buốt.
Ở nhà dân, cái chúng tôi có được là tình cảm với dân làng. Tôi nghĩ, chính tình cảm tốt lành này trong lòng anh sinh viên Nguyễn Phú Trọng sau này đã làm nên một vị lãnh đạo tối cao biết yêu thương nhân dân, biết nghĩ và sống vì nhân dân.
Như thế, làng Vạn Thọ đã góp công sức tình cảm làm nên một Tổng bí thư Đảng không chỉ đặc biệt xuất sắc mà còn đặc biệt yêu nước thương dân.
Bản thân tôi nhờ học ở làng Vạn Thọ mà rèn luyện được nhiều kỹ năng lao động, nhất là kỹ năng đi rừng lấy nứa lấy gỗ lấy củi. Những kỹ năng ấy giúp tôi khi thành bộ đội vượt Trường Sơn vào chiến trường đã không hề bỡ ngỡ khi hành quân trên rừng núi.
Nhiều bạn bè tôi cũng đã lên đường vào chiến trường như tôi. Chúng tôi đã ra đi từ làng Vạn Thọ, từ suối Đôi lên xóm Núi tới Tràng Dương, và đã trưởng thành.
Bình luận (0)