Thổ cẩm Pa Kôh, tưởng rằng... đã mất
Người Pa Kôh, một tộc người ít ỏi sống chủ yếu ở miền cao Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, từ ngàn năm trước đã có cho mình những tấm vải thổ cẩm độc đáo của riêng mình. Năm tháng làm nhạt phai nhiều thứ, nhưng thứ thổ cẩm ấy vẫn thôi thúc những người con Pa Kôh tìm lại, khoác lên mình rực rỡ...
Ở Quảng Trị, người Pa Kôh sống chủ yếu ở A Bung, A Ngo, Tà Rụt... (thuộc H.Đakrông) và một số xã thuộc H.Hướng Hóa. Nếu không tìm hiểu kỹ sẽ nhầm họ với người Vân Kiều. Và một trong những thứ để khu biệt 2 tộc người này, đó chính là những tấm vải thổ cẩm được họ may thành những tấm áo, váy xấn và mặc vào người.
|
Những người cao tuổi ở A Bung kể lại rằng, ngày xưa khi tổ tiên của họ dệt thổ cẩm, đó là cả một chuỗi công đoạn công phu khi chặt cây trên rừng để làm ra từng sợi vải, rồi kết chúng vào nhau để dệt thành từng tấm, trước khi ghép lại để thành những áo, những váy xấn…
Nhưng cũng chính việc dệt vải phức tạp như thế nên người dệt vải thổ cẩm Pa Kôh ngày càng ít. Vải thổ cẩm của người Pa Kôh từng mai một dần trước sự xâm lấn của những sản phẩm may mặc vừa rẻ tiền vừa thuận tiện trong quá trình lao động sinh hoạt ở dưới xuôi.
|
Vậy mà, thổ cẩm Pa Kôh ở vùng núi non miền tây Quảng Trị này có thể ít đi, nhưng chưa bao giờ... “chết”. Đâu đó, ở những nóc nhà sàn đơn sơ vẫn còn tiếng loạc xoạc của những người phụ nữ Pa Kôh nhoài mình bên khung cửi cực kỳ giản tiện.
Đó là cơ sở để một ngày, chính quyền của xã A Bung (H.Đakrông) đưa việc hồi sinh thổ cẩm Pa Kôh vào... nghị quyết Đảng bộ xã. Với những cán bộ đầy tâm huyết đang mang trong mình dòng máu Pa Kôh, họ đã thành lập được 4 tổ sản xuất chuyên dệt vải thổ cẩm của người Pa Kôh với gần 30 chị em phụ nữ ở các thôn Cu Tài 1, Cu Tài 2 và Ti Nê…
|
“Những người đã từng dệt thổ cẩm Pa Kôh thì sẽ không bao giờ quên cách dệt. Chỉ cần có sợi vải thì việc dệt rất dễ dàng. Không giống như cái chữ, lâu ngày không viết sẽ quên”, chị Hồ Thị Cưm, một trong 30 người đang trở thành “thợ dệt” ở A Bung nói. Vậy nên, chị Cưm đã cùng với những người phụ nữ khác ở bản, miệt mài cho ra những tấm vải thổ cẩm cho đồng bào của mình.
|
“Chừng 3 đến 5 ngày thì hoàn thành 1 tấm vải, tùy độ dài ngắn. Mỗi tấm vì thế cũng có giá khác nhau, từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng. Đối với người vùng cao chúng tôi, đó là số tiền không hề bé nhỏ”, chị Đoàn Thị Ngà, tổ trưởng tổ dệt thổ cẩm ở thôn Cu Tài 1 (xã A Bung) tính toán.
Vậy nên, thổ cẩm Pa Kôh tưởng như đã "chết", nay “hồi sinh” kỳ diệu ở những nóc nhà của thôn Cu Tài 1, La Hót, Ti Nê...; trở thành bản sắc rất riêng của những bản làng này với những bản làng khác dọc đại ngàn Trường Sơn huyền thoại.
Sắm thổ cẩm diện tết
Sản phẩm thổ cầm của đồng bào Pa Kôh giờ ngày một có nhiều hơn. Vấn đề còn lại là... đầu ra.
Anh Hồ Văn Hiền, Phó chủ tịch UBND xã A Bung, một trong những người có công đầu “hồi sinh thổ cẩm Pa Kôh” cho biết, khi những tấm vải thổ cẩm Pa Kôh liên tục “ra lò”, thì cũng là lúc anh cùng các đồng sự mang chúng đến giới thiệu tại những hội chợ lớn nhỏ trong vùng.
Họ cũng không bỏ qua một cơ hội nào để mang ra “khoe” những tấm vải sặc sỡ với khách du lịch… Nhưng rồi một ngày anh Hiền tự hỏi, muốn bán thổ cẩm Pa Kôh nhưng chính bản thân người bán cũng không mặc thì làm sao thuyết phục người khác mua. Vậy là 1 kế hoạch yêu cầu toàn bộ 40 công chức xã A Bung đều lần lượt may đồng phục thổ cẩm.
“Trang phục đặc biệt từ thổ cẩm này sẽ được mọi người mặc ở hội nghị, các giờ chào cờ, các ngày lễ...”, anh Hiền nói.
|
Nên nếu một lần đến với xã A Bung đừng ngạc nhiên khi thấy toàn bộ công chức xã đều diện những chiếc áo, bộ váy rực rỡ bằng chất liệu vải thổ cẩm của người Pa Kôh. Có lẽ không có 1 cơ quan hành chính cấp xã nào của tỉnh Quảng Trị có “đồng phục” đẹp như ở A Bung.
|
|
|
Những ngày cận tết này, “chuyện lạ” tiếp tục diễn ra ở những bản làng người Pa Kôh, dân bản đang rất háo hức để chờ qua thời khắc giao thừa để khoác lên mình những bộ quần áo thổ cẩm sặc sỡ của dân tộc mình.
|
Trong một bài viết trên Báo Quảng Trị ngày cuối năm, nhà báo Lê Đức Dục, một nhà báo nổi tiếng ở Quảng Trị đã viết rằng: “Khi nhìn các cán bộ của xã A Bung mặc trang phục được may bằng thổ cẩm mang đặc trưng văn hóa của dân tộc mình, chợt trào lên xúc động xen lẫn niềm vui; bởi từ câu chuyện trang phục công chức này, câu chuyện mà nó hướng đến lớn lao hơn thế: đấy là văn hóa bản địa của các dân tộc thiểu số đang trở lại sau một thời gian, vì nhiều lý do đã không còn mang được những giá trị nguyên bản. Không chỉ là chuyện áo quần, mà còn cả chuyện kiến trúc nhà cửa, thói quen ứng xử, văn hóa ẩm thực… ai cũng nhận thấy thời gian qua đã ít nhiều phai phôi… Như nhà văn Raxun Gamzatop đã nói “Hãy đi đến tận cùng mảnh làng của mình, bạn sẽ gặp cả thế giới””.
Xã A Bung có diện tích 146,93 km2, chủ yếu là đồi núi nên mật độ dân số rất thấp. Điều kiện sinh sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Cả xã có 7 thôn, gồm: A Bung, A Luông, Cu Tài 1, Cu Tài 2, La Hót, Ty Nê, Cợp...
Hiện nay, tại hầu hết các thôn đều có người dệt thổ cẩm, nhưng phát triển mạnh nhất vẫn là ở Cu Tài 1, Cu Tài 2 và Ty Nê.
|
Bình luận (0)