Ngày Tết ở Kon Pring - nơi trở thành làng homestay “có một không hai” này, thực sự được đánh thức bởi ân tình của cô gái với người Mơ Nâm bản địa.
Hũ gạo buôn làng Kon Pring không còn… "đói"
Mùa xuân, làng Kon Pring khoác chiếc áo đủ màu sắc, khiến ai cũng ngẩn ngơ trước vẻ đẹp tự nhiên nơi đây. Những ngày xuân, du khách đến đây hòa mình trong tiết trời se lạnh, được tìm hiểu các tập tục của người dân địa phương, được nghỉ lại qua đêm, uống rượu cần, đốt lửa trại, xem đánh cồng chiêng, múa xoang, thưởng thức các món ăn đặc trưng của núi rừng... ngay nơi những nếp nhà yên bình của Kon Pring.tin liên quan
Làng Việt ngày Tết: Tết vui ở xứ cù lao quanh năm xanh mướt
Tết năm nay, ông A Lum và bà con làng Kon Pring đã quen dần với những đoàn khách về "chơi" với dân làng. Họ thưởng thức rượu cần, ẩm thực truyền thống của người Mơ Nâm một cách đầy hào hứng. Nhờ đón những đoàn du khách phương xa, thu nhập của A Lum tăng lên khá hơn so với trước. Gia đình A Lum trước đây khó khăn, hũ gạo luôn "đói", nhưng khi biết làm du lịch cộng đồng, hũ gạo chưa vơi bao giờ, nhờ thu nhập tiền mặt ổn định bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/tháng.
|
“Bà con trong làng còn bán được các sản phẩm thủ công truyền thống cho Công ty TNHH MTV Du lịch Măng Đen đại ngàn bao tiêu để phục vụ khách du lịch. Người dân thấy làm du lịch có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống nên nhiều hộ gia đình khác đang đăng ký làm homestay”, bà Y Lim cho biết.
|
Những cái “đỉnh” của Kon Pring
Làng Kon Pring bây giờ có 67 nóc nhà với 250 nhân khẩu vẫn chân chất như xưa, dù hàng ngày du khách vẫn ở đây, sinh hoạt, trải nghiệm với người làng từ ăn uống đến không gian lửa trại rộn ràng của đội cồng chiêng 22 người, đi bộ thác Hi Am, tận hưởng thiên nhiên trong lành, yên bình...
Sự thuần hậu của dân làng nơi núi rừng đại ngàn đã luôn “níu” chân các đoàn khách phương xa. Kon Pring là ngôi làng có những cái “đỉnh” so với nhiều ngôi làng khác ở Kon Tum. Thứ nhất, Kon Pring độc đáo vì giữ được nhà rông ở trung tâm làng nguyên kiểu làng Xê Đăng ngày xưa (người Mơ Nâm là một nhánh của người Xê Đăng). Thêm nữa, họ còn giữ được việc đánh cồng chiêng như lâu nay; có cả việc múa xoang theo giai điệu truyền thống. Trong khi đó, nhiều ngôi làng khác nay không còn biết đánh chiêng, múa xoang nữa; thậm chí cồng chiêng đã bán tất cả cho con buôn...
|
Ông Quách Văn Điện, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Long, Trưởng Ban quản lý du lịch homestay làng Kon Pring, cho biết: "Phát triển du lịch cộng đồng ở đây, ngoài việc quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc, người dân có được nguồn thu nhập trực tiếp từ các dịch vụ cung cấp cho khách, có thu nhập cao hơn nhiều so với sản xuất nông nghiệp. Đây là cách làm hữu hiệu giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao nhận thức, đời sống cho người Mơ Nâm sở tại trong việc lưu truyền bản sắc văn hóa".
Theo ông Quách Văn Điện, trước khi Kon Pring làm du lịch homestay, làng cử 3 hộ đi ra Hòa Bình, Lào Cai học kỹ năng của người Thái để về làm. Đến nay họ phần nào ý thức được làm homestay có thu nhập, vừa giữ được phong tục, văn hóa làng và ngày càng có nhiều hộ đăng ký làm, phục vụ nhu cầu lưu trú cho khách.
|
Ân tình của cô gái với người Mơ Nâm
|
Kon Pring cũng chính là nơi chị Thùy Trang “bén duyên” làm du lịch cộng đồng.
Theo lời kể của chị Thùy Trang, chị còn có ân tình riêng với người Mơ Nâm ở Kon Pring. Bởi năm 1986, cha chị là ông Nguyễn Văn Bằng (55 tuổi) vào đất Măng Đen, xã Măng Cành, H.Kon Rẫy (H.Kon Plông bây giờ) làm công nhân trồng thông. Tình yêu nảy nở trên miền đất mới đã sinh ra thế hệ thứ hai, là chị Thùy Trang. Ngày chị Thùy Trang sinh ra, ba mẹ ngày ngày chăm lo đi trồng thông nên gửi chị cho người làng Kon Pring chăm sóc, nhai cơm cho ăn, được địu lên rẫy lên nương…
|
Sinh ra được người làng nuôi nấng, chị Thùy Trang lớn lên giữa đại ngàn mênh mông, được ru ngủ giữa ngàn thông reo và làn điệu cồng chiêng đặc biệt của người Mơ Nâm. Sau khi học hành thành danh, chị Thùy Trang đã "gom" được nhiều kiến thức về tổ chức sự kiện, du lịch và nhà hàng, khách sạn…, nên quyết định về Măng Đen (H. Kon Plông) thành lập Công ty TNHH MTV du lịch Măng Đen đại ngàn. Và từ đó, chị đã đánh thức được tiềm năng Kon Pring “không còn ngủ yên” giữa đại ngàn thông reo nữa.
|
|
|
Bao ân tình đã làm chị Thùy Trang có thêm động lực hơn để cùng với chính quyền địa phương khơi dậy làng du lịch ở Kon Pring.
Thế nhưng khởi đầu ở đây rất khó khăn, bởi đồng bào Mơ Nâm rất “rụt rè” trong việc bắt tay vào làm du lịch . Mỗi bận khách về làng đều rụt rè, không dám trò chuyện và phục vụ… Việc ăn ở, dân làng lại không biết chế biến thức ăn. Ấy là chưa kể hạ tầng, công trình vệ sinh, các nhu cầu thiết yếu còn thiếu thốn đủ bề. Người dân nơi này cũng chưa ý thức được làm du lịch cộng đồng là nguồn thu nhập chính hơn nhiều so với đi rừng, làm nương rẫy. Ngoài ra, người làng cũng "quên" mất nghề dệt, nghề rèn, chỉ còn đan lát và làm được rượu cần…
"Ngay cả trưởng làng, nghe khách đến đã mở cửa nhà để sẵn, còn chủ nhà thì… ngượng quá nên bỏ đi đâu mất", chị Thùy Trang kể về những ngày đầu làm du lịch cộng đồng ở đây.
Vậy là Thùy Trang phải "huấn luyện" từng gia đình, động viên, khuyến khích và hướng dẫn tận tình. Những khi có đoàn khách đến, "bà chủ" công ty du lịch phải xuất hiện 24/24, làm từ A đến Z: hướng dẫn khách tham quan, làm đồ ăn, sửa soạn chỗ ngủ, nghỉ ngơi… Miệt mài “huấn luyện”, người dân làng quen dần với cách làm du lịch homestay “độc nhất vô nhị” ở Kon Pring.
Bình luận (0)