Lãnh đạo 3 nước Anh, Mỹ và Úc ngày 13.3 (giờ Mỹ) công bố thỏa thuận tàu ngầm lịch sử trong khuôn khổ hợp tác AUKUS được thành lập hồi tháng 9.2021.
Anh và Úc sẽ đóng tàu mới
Theo thông cáo của Nhà Trắng, một thế hệ tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân mới, sử dụng vũ khí quy ước, sẽ được đóng với tên là SSN-AUKUS. SSN là viết tắt của tàu ngầm hạt nhân.
Tàu ngầm này do Anh thiết kế và sử dụng công nghệ của Mỹ. Anh và Úc sẽ bắt đầu đóng tàu tại các xưởng của hai nước trước năm 2030.
Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Úc cho hay chương trình tàu ngầm của nước này với Anh và Mỹ sẽ tiêu tốn đến 368 tỉ AUD (245 tỉ USD) đến năm 2055. Số tiền cho chương trình sẽ chiếm khoảng 0,15% GDP của Úc mỗi năm và sẽ tạo ra khoảng 20.000 việc làm trong hơn 30 năm tới.
Tổng thống Biden ca ngợi thỏa thuận tay ba giúp Úc có tàu ngầm hạt nhân
Thủ tướng Anthony Albanese nói sẽ đầu tư 6 tỉ AUD cho năng lực công nghiệp đóng tàu trong 4 năm tới. Trong đó, hạ tầng tại bang Nam Úc, nơi các tàu ngầm được đóng, sẽ được đầu tư 2 tỉ AUD trong khi quân cảng tại thành phố Perth sẽ là nơi đóng quân cho hạm đội mới.
Từ năm nay, quân nhân và nhân viên dân sự của Úc sẽ được đưa đến hải quân Mỹ và Anh để đào tạo.
Anh dự kiến sẽ triển khai chiếc SSN-AUKUS đầu tiên vào cuối thập niên 2030 trong khi Úc dự kiến triển khai chiếc đầu tiên vào đầu thập niên 2040. Theo Reuters, Úc dự kiến có chiếc đầu tiên vào năm 2042 và hoàn thiện một chiếc sau mỗi 3 năm cho đến khi có đủ 8 chiếc.
Trong thời gian đó, Mỹ sẽ bán 3 tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia cho Úc từ đầu thập niên 2030 và Canberra có thể mua thêm 2 chiếc nữa.
Bên cạnh đó, sớm nhất là vào năm 2027, Anh và Mỹ sẽ đưa tàu ngầm tấn công nhanh đến hiện diện luân phiên tại căn cứ hải quân HMAS Stirling gần thành phố Perth, bang Tây Úc. Một tàu ngầm lớp Astute của Anh và 4 tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ sẽ tham gia hoạt động này.
Theo một phần thỏa thuận, Úc cam kết không tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân, không làm giàu uranium hay tái xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng, không sản xuất nhiên liệu hạt nhân cho các tàu ngầm. Thay vào đó, Anh và Mỹ sẽ cung cấp vật liệu hạt nhân trong các bộ phận hoàn chỉnh cho Úc và không cần tái nạp nhiên liệu trong suốt vòng đời.
Nhiên liệu hạt nhân mà Úc nhận được không thể được sử dụng làm vũ khí hạt nhân nếu chưa qua xử lý thêm, quy trình đòi hỏi cơ sở hạ tầng mà Úc không có và cũng không tìm cách xây dựng.
Nhiều nước được thông báo
Theo tuyên bố chung của 3 nước, thỏa thuận này giúp tăng cường năng lực để ngăn chặn hành động gây hấn và đóng góp cho sự ổn định tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như toàn cầu. Các nước cam kết công khai và minh bạch với các đối tác trong và ngoài khu vực khi thực hiện thỏa thuận này.
Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles ngày 14.3 cho biết chính phủ đã thực hiện hơn 60 cuộc gọi cho lãnh đạo các nước trong khu vực Thái Bình Dương, Đông Nam Á trong tuần trước để thông báo về thỏa thuận. Trung Quốc cũng được thông báo về thỏa thuận này nhưng phía Úc chưa ghi nhận phản ứng nào từ Bắc Kinh. Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố cương quyết phản đối thỏa thuận tàu ngầm của AUKUS.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp với Thủ tướng Anthony Albanese ngày 13.3 nói rằng thỏa thuận AUKUS không nhằm thách thức bất kỳ ai mà chỉ nhằm đảm bảo sự ổn định tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bình luận (0)