Theo tìm hiểu của Thanh Niên, nguyên nhân dẫn đến thiếu vật tư, thuốc là trước đó nhiều lãnh đạo Bệnh viện (BV) Mắt TP.HCM đã bị Văn phòng Cơ quan CSĐT (C01 - Bộ Công an) tống đạt các quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam vì “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến đấu thầu, mua sắm thủy tinh thể nhân tạo.
Cụ thể, ngày 8.2.2021, C01 thi hành các quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 3 bị can: Võ Thị Chinh Nga (55 tuổi, Phó giám đốc), Phí Duy Tiến (60 tuổi, nguyên Phó giám đốc), Nguyễn Quốc Toản (60 tuổi, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức BV Mắt TP.HCM). Ngày 9.2.2021, C01 thi hành quyết định bắt tạm giam bị can Nguyễn Minh Khải (Giám đốc BV Mắt TP.HCM) và cuối tháng 11.2021 tiếp tục tống đạt các quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam thêm 4 cán bộ, gồm: Nguyễn Trí Dũng (Phó giám đốc điều hành), Phan Thị Bích Hạnh (Trưởng phòng Tài chính - kế toán), Nguyễn Đỗ Nguyên (Trưởng khoa Tổng hợp), Lương Ngọc Tuấn (Phó trưởng khoa Khám mắt).
Người dân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Mắt TP.HCM |
duy tính |
Theo C01, các bị can bị bắt tạm giam đã tham gia chỉ đạo, thực hiện gói thầu “Mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu năm 2018” gây thiệt hại tài sản cho nhà nước cũng như người bệnh. Khi thực hiện gói thầu này, các cá nhân là lãnh đạo BV Mắt TP.HCM đã làm trái quy định pháp luật về đấu thầu để loại mặt hàng thủy tinh thể nhân tạo đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và có giá dự thầu thấp nhất, rồi mua các mặt hàng thủy tinh thể có giá dự thầu cao, gây thiệt hại hơn 14,2 tỉ đồng, trong đó gây thiệt hại cho Quỹ BHYT 5,2 tỉ đồng, người bệnh có BHYT 7,1 tỉ đồng và người bệnh không có BHYT hơn 1,8 tỉ đồng.
Sau khi nhiều lãnh đạo BV bị khởi tố, việc đấu thầu mua sắm vật tư, thuốc phục vụ điều trị của BV bị đình trệ, khiến nhiều người bệnh bị ảnh hưởng.
Hết thủy tinh thể, thiếu thuốc
Ngày 22.12, có mặt tại BV Mắt TP.HCM, chúng tôi gặp một người đàn ông gần 50 tuổi cùng vợ ở Bà Rịa-Vũng Tàu đến để tái khám và mổ thay thủy tinh thể mắt thứ 2. Tuy nhiên, ông cùng vợ phải ra về vì “BV nói hết thủy tinh thể và chưa biết khi nào có lại”. Tương tự, anh Th. (ngụ Long An) cho biết khoảng 3 tuần trước đưa mẹ đến BV Mắt TP.HCM mổ thủy tinh thể theo giấy chuyển viện. Sau khi mổ thay thủy tinh thể một bên mắt, bác sĩ hẹn 1 tuần quay lại mổ tiếp bên mắt thứ hai, nhưng đúng hẹn quay lại thì BV báo hết thủy tinh thể. “BV hẹn thứ 6 tuần tới gọi lại cho BV để xem có thủy tinh thể hay không, nếu có thì lên mổ chứ chưa nói là có hay không. Vì không thể đợi được nên gia đình về quê xin giấy chuyển tuyến khác để lên BV Chợ Rẫy mổ, chứ chờ không biết đến khi nào”, anh Th. nói và cho biết có nhiều bệnh nhân cùng tình trạng như mẹ anh.
Bà N.T.L.C (64 tuổi, ngụ Q.5) mua thuốc ở nhà thuốc bên ngoài Bệnh viện Mắt TP.HCM |
DUY TÍNH |
Một trường hợp khác, khoảng 10 ngày trước, anh N. (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) đưa người thân đi khám đục thủy tinh thể. Khám xong, bác sĩ hẹn 2 tuần sau quay lại mổ thay thủy tinh thể. Anh N. nói có nguyện vọng mổ sớm cho người thân nhưng bác sĩ báo phòng mổ đang… bảo trì. “Gia đình tôi đành đưa người thân sang một BV tư nhân ở Q.5 để mổ, mặc dù giá cao hơn nhiều lần ở BV Mắt TP.HCM”, anh N. cho biết.
Cũng theo ghi nhận của PV, tại một số nhà thuốc gần BV Mắt TP.HCM thường rất đông bệnh nhân từ BV Mắt ra mua thuốc. Khoảng hơn 10 giờ ngày 22.12, chồng chị T.T.T.L (ở Bình Dương) chờ vợ khám mắt xong thì ra nhà thuốc trên đường Nguyễn Thông mua thuốc. Anh cho biết vợ anh khám bệnh khúc xạ, bác sĩ kê 2 loại thuốc nhưng BV chỉ có 1 loại, còn 1 loại phải mua bên ngoài vì BV không có. Còn bà N.T.L.C (64 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM) cũng từ BV Mắt TP.HCM lập cập bước qua đường đến nhà thuốc trên để mua một toa thuốc hơn 900.000 đồng vì “BV nói hết thuốc nên ra ngoài mua”…
Vẫn phải… chờ !
Tại thời điểm 22.12, một cán bộ BV Mắt TP.HCM thừa nhận mấy tuần nay hoạt động mổ phaco - thay thủy tinh thể nhân tạo của BV gần như không hoạt động. Vị cán bộ này cho biết thêm “chưa biết ngày nào sẽ mổ lại”. Đến chiều 28.12, một cán bộ BV Mắt cho biết hoạt động mổ phaco thay thủy tinh thể đã hoạt động trở lại, nhưng vẫn đang thiếu loại thủy tinh thể 3 mảnh (thường dùng cho mổ biến chứng).
Để tìm câu trả lời chính xác hơn, PV Thanh Niên đã liên hệ người phụ trách BV Mắt là bác sĩ Đỗ Quốc Hiệp, vừa được Sở Y tế TP.HCM quyết định giao nhiệm vụ điều hành BV này, nhưng chưa nhận được trả lời cụ thể. Bác sĩ Hiệp chỉ cho biết “đang nhờ Sở Y tế hỗ trợ”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết người điều hành BV Mắt TP.HCM trước đã chuẩn bị hồ sơ đấu thầu, mua sắm, nhưng chưa kịp ký thì gặp vấn đề (bị khởi tố, tạm giam - PV). Nay Sở Y tế vừa trao quyết định điều hành cho bác sĩ Đỗ Quốc Hiệp và phải chờ bác sĩ Hiệp tổ chức lại tình hình sẽ ổn định. “BV Mắt tự chủ thì phải tổ chức mua sắm chứ Sở Y tế không làm được. Sở sẽ họp với BV Mắt để tổ chức lại nhằm phục vụ người bệnh”, lãnh đạo Sở Y tế thông tin.
Trước câu hỏi của PV Thanh Niên về vai trò của Sở Y tế trong việc hỗ trợ, chỉ đạo BV Mắt nhanh chóng đáp ứng nhu cầu người dân trong việc cung cấp thuốc, vật tư y tế, đồng thời có giải pháp để không còn tình trạng như trên, một lãnh đạo khác của Sở Y tế chỉ cho biết: “Sở đang giao Phòng Nghiệp vụ dược phối hợp BV Mắt rà soát lại và xác định nhu cầu cụ thể”.
Phải đảm bảo khám, chữa bệnh bình thường
Chiều 28.12, trao đổi với PV Thanh Niên về vụ việc BV Mắt TP.HCM, đại biểu Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM, cho rằng trước đây một số cá nhân lãnh đạo BV Mắt làm trái quy định của pháp luật về đấu thầu đã bị khởi tố. Tuy nhiên, không thể vì chuyện này mà đội ngũ cán bộ quản lý BV để tình trạng thiếu thuốc và thiếu thủy tinh thể nhân tạo khiến công tác điều trị bị gián đoạn, người dân phải chờ đợi cả tuần, thậm chí cả tháng. “Người nào sai thì phải chịu trách nhiệm, cơ quan cấp trên và pháp luật sẽ xử lý, kỷ luật tương xứng. Còn hiện tại, BV phải tiếp tục nỗ lực, quan tâm đến quyền lợi của người bệnh”, ông Đức nói.
Theo đại biểu Lê Minh Đức, để người dân không bị ảnh hưởng, trước mắt Sở Y tế TP.HCM và các đơn vị cần khẩn trương củng cố nhân sự chủ chốt của BV Mắt TP.HCM, nhanh chóng ổn định tư tưởng các y, bác sĩ để họ yên tâm chăm sóc bệnh nhân; đồng thời tăng cường nhân sự hỗ trợ chuyên môn về quản lý, mua sắm vật tư y tế cho BV để có đủ điều kiện chăm sóc, chữa bệnh tốt nhất cho người dân, nhằm đảm bảo việc khám, điều trị bệnh nhân được diễn ra bình thường.
Sỹ Đông
Bình luận (0)