Phát triển đa ngành, đa lĩnh vực
Theo thông tin của Trường ĐH Thủ Dầu Một, trong hành trình 15 năm xây dựng và phát triển, nhà trường không chỉ xây dựng thành công đơn vị giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực từ bậc đại học đến sau đại học, mà còn trở thành trung tâm văn hóa - giáo dục, đóng góp nguồn nhân lực và sản phẩm khoa học, công nghệ chất lượng cho sự phát triển kinh tế và xã hội của tỉnh Bình Dương và khu vực.
Khẳng định chất lượng giáo dục trên hệ thống các trường đại học trong cả nước, Trường ĐH Thủ Dầu Một là địa chỉ giáo dục được nhiều học viên từ khắp các địa phương trong cả nước tin tưởng và lựa chọn theo học. Năm học 2024 - 2025, nhà trường chào đón 4.298 tân sinh viên theo học 38 ngành đào tạo.
Phát triển theo định hướng trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, cơ cấu ngành học của trường đã được mở rộng, bám sát thị trường nguồn nhân lực và phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương.
Nếu như trong năm 2014, trường có 22 ngành đào tạo bậc đại học thì đến nay hệ thống ngành học của trường rất đa dạng, trải dài trên nhiều lĩnh vực với 52 ngành bậc đại học, 11 ngành đào tạo sau đại học. Toàn bộ chương trình đào tạo đã chuyển sang theo hướng tiếp cận CDIO và đạt các chuẩn mực MOET, AUN-QA và điều chỉnh theo yêu cầu của thị trường lao động, cũng như theo khuyến nghị cụ thể của các chuyên gia kiểm định.
Bắt đầu từ năm 2018, trường đã sắp xếp, thiết kế lại nội dung chương trình và tổ chức đào tạo 2 giai đoạn để tạo sự linh hoạt trong lựa chọn chuyên ngành, theo kịp những yêu cầu về năng lực nghề nghiệp của thị trường lao động cũng như tạo nền tảng kiến thức cho yêu cầu học tập suốt đời của người học. Mặt khác, các chương trình đào tạo luôn được sửa đổi theo hướng hợp tác liên ngành, đa ngành, có đối sánh với chương trình của các đại học tiên tiến trong khu vực ASEAN.
Khát vọng khởi nghiệp
Phát biểu tại lễ khai giảng, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết yêu cầu của giáo dục đại học hiện nay là đào tạo ra nguồn nhân lực có năng lực sáng tạo và đổi mới, có năng lực và kỹ năng công nghệ số, có kỹ năng mềm và tư duy phản biện, có khát vọng khởi nghiệp.
Theo ông Hà, trường đại học hiện nay cũng không chỉ là nơi đào tạo ra kỹ sư, cử nhân đơn thuần, mà phải trở thành trung tâm văn hóa - khoa học kỹ thuật, giữ vai trò quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, có khả năng định hướng, dẫn dắt sự phát triển.
Để đạt được yêu cầu trên, ông Hà đề nghị, Trường ĐH Thủ Dầu Một tập trung đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên, nhân viên của nhà trường đạt trình độ tiến sĩ, sau tiến sĩ và có năng lực nghiên cứu, sáng tạo ở tất cả các lĩnh vực, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 50 - 60% giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu ngày càng cao của giáo dục đại học.
Về nội dung chương trình đào tạo, ông Hà đề nghị nhà trường tổ chức đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo, khả năng thích ứng với những thay đổi của kinh tế, xã hội, môi trường, đặc biệt là khả năng thích ứng với những thay đổi và phát triển của công nghệ; thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp và tạo ra không gian, môi trường, điều kiện để sinh viên khởi nghiệp ngay từ khi còn đang học.
Đổi mới phương pháp giảng dạy trên nền tảng công nghệ số; ứng dụng mạnh mẽ công cụ số trong dạy và học; trang bị cho người học phương pháp tiếp cận tri thức, phương pháp tự học, phương pháp nghiên cứu khoa học để hình thành tư duy và năng lực học tập suốt đời.
Mở ra các ngành nghề mới, lĩnh vực mới nhằm đào tạo, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao mà tỉnh Bình Dương và vùng Đông Nam bộ đang cần như: Cơ khí chính xác, tự động hóa, năng lượng mới, công nghiệp điện tử, chíp bán dẫn, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, đặc biệt là nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế, giáo dục…
Bình luận (0)