Lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương thúc giục bảo vệ tự do thương mại

19/11/2016 19:36 GMT+7

Hội nghị thượng đỉnh với sự góp mặt của các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới vừa kêu gọi bảo vệ tự do thương mại khỏi chủ nghĩa bảo hộ gia tăng sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.

Theo AFP, hiện có mối lo ngại về việc nhiều năm nỗ lực hạ rào cản với thương mại toàn cầu có thể bị đảo ngược sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Ông Trump đã và đang đánh trúng tâm lý giận dữ của những cử tri thuộc tầng lớp lao động, những người cảm thấy bị “bỏ rơi” vì toàn cầu hóa. Ông Trump thề sẽ bảo vệ việc làm của người Mỹ trước lao động giá rẻ ở những nước như Trung Quốc, Mexico.
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) quy tụ 21 nước thành viên. Năm nay, Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski của Peru là người chủ trì. Ông kêu gọi các lãnh đạo trong khu vực bảo vệ tích cực thương mại tự do trong khi Mỹ thì tìm cách trấn an nhiều đồng minh đang lo lắng.
“Ở Mỹ và Anh, xu hướng bảo hộ đang dần chiếm ưu thế. Việc thương mại tăng trưởng trở lại còn chủ nghĩa bảo hộ được đẩy lùi là quan trọng”, Kuczynski nói với giới lãnh đạo APEC.
Một quan chức khác có mặt tại APEC cho hay Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman thì tìm cách để bảo đảm với các bộ trưởng tham dự hội nghị rằng lợi ích cốt lõi của Mỹ sẽ không thay đổi qua các chính quyền.
Việc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đến sau quyết định Brexit, hay rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), bất ngờ của Anh hồi tháng 6. Hai sự kiện ghi thêm sự thiếu chắc chắn vào trật tự thế giới thời hậu chiến và tương lai thương mại tự do. Dù không xuất hiện tại APEC, tỉ phú bất động sản vẫn phủ bóng lớn trong các cuộc họp của nhóm thương mại tự do ra đời từ năm 1989, đại diện cho gần 40% dân số thế giới và 60% kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski tại APEC 2016, ảnh chụp ngày 18.11 Reuters
Xu hướng bảo hộ cũng được nhìn thấy ở Peru, dù với quy mô nhỏ hơn nhiều. Hàng chục người biểu tình vừa tập trung ở thành phố Lima hôm 18.11 để lên án các thỏa thuận thương mại tự do.
Trước đó, ông Trump từng thề sẽ loại bỏ sáng kiến thương mại tự do của Tổng thống Mỹ Barack Obama là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này sẽ để lại khoảng trống mà Trung Quốc, đất nước không tham gia TPP, háo hức lấp đầy.
Tổng thống Peru Kuczynski cho hay : “Bất cứ ai muốn thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ nên đọc môn lịch sử kinh tế thập niên 1930”. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng đồng quan điểm, thúc đẩy thêm thương mại trước cảnh có “phản ứng ở những nước phát triển xuất phát từ những người đổ lỗi cuộc sống tệ hơn cho toàn cầu hóa”.
Cuộc bầu cử Mỹ mở ra cho Trung Quốc, nước từng được Mỹ xem là mối đe dọa cho chủ nghĩa thị trường tự do tư bản, khả năng trở thành nhà lãnh đạo cho tự do thương mại. Hiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ở thế thuận lợi khi gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama ở APEC cuối tuần này.
Brian Jackson, nhà kinh tế Trung Quốc tại hãng tư vấn IHS Global Insight nói: “Không nghi ngờ gì nếu TPP thất bại, đây sẽ là chiến thắng lớn dành cho Trung Quốc về mặt chính trị và kinh tế”. Lúc này, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde bảo vệ tự do thương mại, cho rằng đây là cỗ máy chính thúc đẩy tăng trưởng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.