|
Ông Trung lý giải hầu như các thiết bị viễn thông Việt Nam phải nhập, chi phí này chiếm tỷ trọng rất lớn, trên 80% giá thành, trong khi giá cước Việt Nam chỉ bằng khoảng 39,6% (sau điều chỉnh) so với các nước trong khu vực ASEAN.
Ông Trung còn viện dẫn khoản 2 điều 55 luật Viễn thông: “Giá cước viễn thông được xác định dựa trên cơ sở các căn cứ sau đây: Trên cơ sở giá thành, quan hệ cung - cầu trên thị trường và tương quan phù hợp với giá cước viễn thông của các nước trong khu vực và trên thế giới”.
Theo ông Trung, để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, cần phải tách bạch trong kinh doanh, tránh bù chéo giữa các dịch vụ. Trong khi đó, từ khi ra đời dịch vụ di động 3G, để thu hút khách hàng, doanh nghiệp đã giảm giá cước truy nhập internet xuống dưới giá thành rất nhiều và lấy các dịch vụ di động khác bù lỗ cho dịch vụ này.
“Với giá cước như trước điều chỉnh (16.10) thì việc doanh nghiệp điều chỉnh tăng cước là việc cần làm và nếu thị trường không có biến động lớn thì trong tương lai doanh nghiệp sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng cước như lộ trình đăng ký với Bộ để đảm bảo giá cước không thấp hơn giá thành, bảo đảm thị trường phát triển bền vững”, ông Trung nói.
Ông Trần Anh Sơn, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), cho hay sau khi có thông tin về việc tăng giá cước, cục này đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin có liên quan.
“Cục cũng sẽ thu thập, tìm hiểu thông tin cụ thể rồi mới có ý kiến việc tăng giá cước 3G đồng loạt có vi phạm luật Canh tranh hay không”, ông Sơn nói.
Trước đó, ba nhà mạng Viettel, MobiFone và Vinaphone có thông báo tăng cước 3G từ ngày 16.10.
Có dấu hiệu vi phạm luật Cạnh tranh Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, luật sư điều hành Hãng Luật Giải Phóng, cho hay theo quy định tại điều 55 luật Viễn thông, giá cước được dựa trên cơ sở giá thành, quan hệ cung - cầu trên thị trường và tương quan phù hợp với giá cước viễn thông của các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, theo luật Cạnh tranh, ba nhà mạng nắm giữ hơn 97% thị phần là nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường (có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường). Như vậy, việc tăng giá cước đồng loạt của ba doanh nghiệp này có dấu hiệu vi phạm luật Cạnh tranh. Cụ thể có dấu hiệu doanh nghiệp vi phạm khoản 1 điều 8 luật Cạnh tranh khi thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; vi phạm khoản 2 điều 13 luật Cạnh tranh khi áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. “Vì vậy, cơ quan quản lý cạnh tranh cần tiến hành điều tra xem có hay không việc ba nhà mạng bắt tay với nhau, có hay không việc áp đặt giá cước bất hợp lý... để ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng”, luật sư Hưng nhấn mạnh. |
Đình Quân
>> Tăng giá cước 3G: Bắt tay ép người tiêu dùng
>> Đồng loạt tăng cước 3G
>> Vinaphone giảm 50% giá cước 3G
>> Nhà mạng chạy đua giảm giá cước 3G
Bình luận (0)