Lãnh đạo EU thúc giục Serbia và Kosovo giữ lời hứa

28/10/2023 09:45 GMT+7

Theo các lãnh đạo Pháp, Đức và Ý, đã đến lúc Serbia và Kosovo thực hiện các cam kết trước đó nhằm bình thường hóa quan hệ.

Các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức và Ý đã kêu gọi Serbia "thực hiện sự công nhận trên thực tế" đối với Kosovo, vốn tuyên bố độc lập vào năm 2008 nhưng chính quyền Belgrade vẫn xem đây là một tỉnh của Serbia, Reuters đưa tin.

Cụ thể, hôm 27.10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ý Giorgia Meloni nói đã đến lúc các bên thực hiện cam kết trước đó.

Lãnh đạo EU thúc giục Serbia và Kosovo giữ lời hứa - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Cung điện Elysee ở Paris hôm 12.10

REUTERS

Các lãnh đạo châu Âu cũng lặp lại lời kêu gọi lâu nay yêu cầu lãnh đạo Kosovo Albin Kurti thành lập hiệp hội gồm các đô thị có đa số người Serb ở phía bắc, trao cho người Serb địa phương một mức độ tự trị nhất định.

Phát biểu chung của lãnh đạo 3 nước châu Âu được đưa ra sau khi hội đàm với cả Serbia và Kosovo. Động thái này cũng diễn ra sau những lo ngại quốc tế ngày càng tăng về nguy cơ xảy ra xung đột mới giữa Serbia và Kosovo sau một loạt vụ bạo lực trong những tháng gần đây.

Phần lớn căng thẳng tập trung vào miền bắc Kosovo, nơi người dân tộc Serb chiếm đa số. Phần còn lại của Kosovo chủ yếu là người dân tộc Albania.

Serbia và Kosovo đã dành nhiều năm đàm phán do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian để giải quyết tình hình. Tuy nhiên, dù căng thẳng có thể tạm thời được dập tắt, triển vọng nối lại đối thoại vẫn rất mờ mịt, theo tờ Financial Times.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic trước đó cho biết ông sẽ không công nhận Kosovo dù là chính thức hay không chính thức.

Tại sao căng thẳng sắc tộc bùng lên ở Kosovo?

Trong khi EU trước đây né tránh câu hỏi nhạy cảm về việc công nhận Kosovo trên thực tế, các lãnh đạo Pháp, Đức và Ý đã nói rõ rằng đây là điều họ mong đợi Serbia sẽ làm, và gia tăng áp lực lên Tổng thống Vucic về việc này.

Liên quan việc cả Serbia và Kosovo đều mong muốn gia nhập EU, khối này khẳng định rằng 2 bên sẽ cần giải quyết những khác biệt trước khi có thể trở thành thành viên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.