Lãnh đạo không nhất thiết phải 'vi hành'

17/02/2016 10:49 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng lãnh đạo cần “vi hành” để sát dân và sát những vấn đề thực tế cuộc sống đang diễn ra hàng ngày. Nhưng tôi nghĩ, để về với dân, hòa mình vào cuộc sống thì lãnh đạo không nhất thiết phải ‘vi hành’.

Nhiều ý kiến cho rằng lãnh đạo cần “vi hành” để sát dân và sát những vấn đề thực tế cuộc sống đang diễn ra hàng ngày. Nhưng tôi nghĩ, để về với dân, hòa mình vào cuộc sống thì lãnh đạo không nhất thiết phải ‘vi hành’.

Bác Hồ là người luôn gần gũi và trực tiếp gặp gỡ nhân dân lao động để hiểu được cuộc sống của người dân - Ảnh TLBác Hồ là người luôn gần gũi và trực tiếp gặp gỡ nhân dân lao động để hiểu được cuộc sống của người dân - Ảnh TL
Cứ công khai và thường xuyên đi về cơ sở, đi vào cuộc sống, lãnh đạo sẽ nhận thấy những vấn đề nóng, những vấn đề cần được giải quyết phơi bày ra trước mắt. Đi về cơ sở không phải là cuộc đi “tiền hô hậu ủng” với rầm rập các “binh chủng phối hợp”.
Đó là những cuộc đi có khi chỉ một mình vị lãnh đạo với vài ba người phụ tá, vài nhà báo tâm huyết, những cuộc đi lặng lẽ và không báo trước. Đi như thế cũng sẽ đạt hiệu quả không kém gì đi theo kiểu “vi hành”, mà không cần “hóa trang” hay “cải trang” gì cả.
Một khi những người lãnh đạo gần dân, thân dân, sát dân thì đương nhiên họ được dân nhớ mặt, thậm chí rất nhớ cả những đặc tính riêng của từng vị lãnh đạo. Vì thế, chỉ cần thân thiện với dân, quan tâm tới dân, là lập tức người dân sẽ xúm quanh người lãnh đạo khi về cơ sở để kể bao nhiêu là chuyện, nói bao nhiêu điều bức xúc hay tâm huyết. Thật giản dị, hồn nhiên, mà cũng thật hiệu quả cho công tác của người lãnh đạo.
Cứ đến với dân bằng đúng gương mặt thân thiện, ngay lành và thực sự cầu thị của mình, lãnh đạo sẽ trở thành một “bộ phận dẫn đầu không thể thiếu” của nhân dân.
Thời kháng chiến chống Pháp, rồi kháng chiến chống Mỹ, có bao nhiêu vị lãnh đạo đã đến với dân một cách thật giản dị như thế, và điều đó đã giúp chúng ta thành công trong kháng chiến.
Nhân dân là một thực thể, không phải một khẩu hiệu. Đến với dân là một nhu cầu tự thân của bất cứ người lãnh đạo nào, chứ không phải vấn đề của tuyên truyền. Báo chí và nhà báo rất muốn được đồng hành với những người lãnh đạo khi đến với dân, phát hiện những vấn đề nóng từ những phản ảnh của dân, nhận biết những giải pháp của lãnh đạo sau khi tiếp xúc với dân, chứ không phải theo lãnh đạo để “đưa tin”, dù chuyện đưa tin là một phần tất yếu của truyền thông.
Lâu nay, rất nhiều nhà báo đã đi theo lãnh đạo trong các chuyến đi thực tế, nhưng thú thật, rất ít nhà báo viết được những bài báo tâm huyết và có những phát hiện mới từ sau các chuyến đi ấy. Cái này không thể trách nhà báo, mà nên trách...lãnh đạo. Vì, nếu cứ đi thực tế một cách hời hợt, hình thức, thì báo chí đi theo cũng chỉ phản ánh một cách hời hợt và hình thức.
Người dân, sau khi đọc báo hay xem ti-vi, chẳng thấy bóng dáng những bức xúc hay tâm huyết của mình được phản ánh qua truyền thông, lâu dần họ sẽ chán và không còn coi trọng những cơ hội được tiếp xúc với lãnh đạo nữa.
Cái này tôi nói thật lòng, vị lãnh đạo nào không hài lòng tôi đành chịu. Vì dân tiếp xúc với lãnh đạo không phải để...chụp ảnh, mà để...phản ảnh. Nếu chúng ta thay đổi được nội dung và cách thức đi thực tế vào dân, vào cuộc sống, nhân dân sẽ nhiệt tình hưởng ứng, và công việc của lãnh đạo sẽ gặp rất nhiều thuận lợi.
Cứ đến với dân bằng đúng gương mặt thân thiện, ngay lành và thực sự cầu thị của mình, lãnh đạo sẽ trở thành một “bộ phận dẫn đầu không thể thiếu” của nhân dân.
Chúc các vị lãnh đạo thành công khi đến với nhân dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.